Dưỡng thai và thai giáo

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

 

hoithaothaigiao

Càng ngày người ta càng nhận thức được rằng: Trong thực tế, tất cả các giai đoạn hình thành và phát triển của con người kể từ khi trứng thụ tinh đều có giá trị riêng của nó mà không có gì có thể thay thế được và thực chất quá trình nuôi dạy con trẻ phải bắt đầu từ giai đoạn “chín tháng mười ngày”!

Nhiều người tưởng đây là phát kiến mới của khoa học hiện đại nhưng kỳ thực nó đã được y học cổ truyền đề cập đến từ rất sớm trong nội dung của học thuyết dưỡng thai và thai giáo.

Dưỡng thai và Thai giáo là gì?

Dưỡng thai là nuôi dưỡng dưỡng dục, còn gọi là “hộ thai”. Hai chữ “dưỡng thai” xuất hiện lần đầu tiên trong sách kim quỹ yếu lược của danh y Trương Trọng Cảnh đời Đông Hán (Trung Quốc) với các đoạn văn như  “thai phụ dùng bạch truật tán để dưỡng thai là chính” hoặc “nếu thai bị tổn thương thì bụng căng to, từ eo lưng trở xuống thì nặng như hai túi nước. Thai 7 tháng phải chú ý dưỡng thai. Trong Từ Hải, một cuốn từ điển cổ của Trung Quốc, khái niệm “thai giáo” được giải thích như sau: “Thai nhi trong bụng mẹ chịu tác động của mẹ qua lời nói và cử chỉ,cho nên phụ nữ cần phải tuân thủ lể nghĩa để gây ảnh hưởng tốt đẹp đến thai nhi, như thế gọi là thai giáo”.

Cũng có người cho rằng thai giáo có 2 nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, thai giáo là chi việc thai phụ cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho mình và cho thai nhi trên các phương diện tinh thần, ăn uống và nghỉ ngơi nhằm thúc đẩy sự phát triển về trí lực và thể lực cho thai nhi, bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và con. Theo nghĩa hẹp, chủ yếu là chỉ người mẹ trong toàn bộ quá trình thụ thai, mang thai và sinh nở phải tăng cường tu dưỡng các phẩm chất tinh thần để thúc đẩy sự phát triển trí lực cho thai nhi theo lối “ngoại thương và nội cảm”.

Như vậy dưỡng thai và thai giáo, gọi chung là giáo dưỡng thai nhi, thực chất là việc sử dụng các biện pháp bảo vệ và làm lành mạnh hóa tinh thần, củng cố và tăng cường sức khỏe cho người mẹ, qua đó tác động một cách tích cực và tế nhị tới thai nhi.

Giáo dưỡng thai nhi có từ bao giờ?

Trong bề dày lịch sử mấy ngàn năm hình thành và phát triển của y học cổ truyền, phương pháp giáo dưỡng thai nhi đã xuất hiện khá sớm. Song đáng tiếc là khi nói về vấn đề này người ta hay gắn nó với mê tín, với duy tâm, ví như cho rằng “người mẹ nhìn thấy hỏa hoạn sẽ sinh ra con có nốt ruồi đỏ” hay “người mẹ nhìn thấy đám tang sẽ sinh con có nốt ruồi đen”. Thậm chí có người còn nâng việc nuôi dạy thai lên thành một hiện tượng thần bí.

Trên thực tế, học thuyết giáo dưỡng thai nhi xuất hiện từ đời nhà hán (Trung Quốc) , ví như trong sách Tân Thư của Giả Nhị có đoạn viết: “Vợ của Chu Văn Vương có thai, đứng không kiễng chân, ngồi ngay ngắn, cười không huyên náo, không kiêu căng ngạo mạn, tuy giận mà không chửi mắng, như thế gọi là thai giáo vậy” . Sau đó, Thái Sử công cũng viết Sử Ký cũng viết: “Hoàng hậu có thai , mắt không nhìn màu sắt xấu xí, tai không nghe lời tục tĩu, miệng không nói những câu ngạo mạn”. Đến thời Bắc Tề,với cuốn sách Trục nguyệt dưỡng thai pháp (phép dưỡng thai theo tháng) danh y Từ Chi Tài được đời sau coi là người đặt cơ sở cho phép dưỡng thai. Từ đó về sau nhận thức và kinh nghiệm về phương pháp giáo dưỡng thai nhi của y học cổ truyền ngày càng phát triển và trở nên phong phú. Ở nước ta, rải rác trong các tác phẩm như Phụ đạo xán nhiên, Tọa thảo lương mô, Hành giản trân nhu, đại danh y Lê Hữu Trác cũng đã ghi lại khá nhiều những kiến giải đặc sắc về phép giáo dưỡng thai nhi.

ThS XHH Phạm Thị Thúy và bác sĩ Đinh Thạc trong một chuyên đề về Thai giáo do Hội quán các bà mẹ tổ chức

Vì sao phải giáo dưỡng thai nhi?

Y học cổ truyền cho rằng, tinh của người cha gọi là tinh trùng, trứng của người mẹ gọi la huyết mẫu. Tinh trùng thuộc dương, huyết mẫu thuộc âm, âm dương giao hòa với nhau sẽ thụ thai. Quá trình phát triển của thai nhi “một tháng gọi là thủy phôi, hai tháng gọi là thủy cao, ba tháng gọi là thủy thai, bốn tháng thành huyết mạch, năm tháng thành khí, định ngũ tạng, sáu tháng thành gân, bảy tháng thành xương, tám tháng thành da, chín tháng thành lông tóc, lục phủ, bạch tiết….” (Ngũ tạng luận). Quá trình này, theo y học cổ truyền đòi hỏi phải cung cấp một lượng tinh hậu thiên (chất dinh dưỡng) rất lớn thông qua cơ thể người mẹ. Vả lại, thai nhi và người mẹ là một thể mật thiết, mẹ nóng ắt thai nhiệt, mẹ khỏe ắt thai cường, mọi sự thay đổi ở người mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Bởi vậy, việc chăm sóc tinh thần, ăn uống, đi lại và chỗ ở của thai phụ nhằm mang lại sức khỏe về cả tinh thần và thể xác cho cả con và mẹ la hết sức cần thiết.



Phép giáo dưỡng thai nhi có những nội dung gì?

1. Cần giữ cho tâm trí thoải mái: Y học cổ truyền cho rằng, thai nhi sống bằng khí của người mẹ, hai mẹ con hô hấp tương thông, vui buồn tương ứng, nếu không thuận hòa sẽ làm cho thai bị bệnh tật. Y thư cổ Tăng bổ đại sinh yếu chỉ viết : “Phải tránh nóng nảy tức giận, sau khi thụ thai nhất quyết không nên có hành vi mắng chửi đánh đập, vì khí mà điều hòa thì thai bình an, khí mà rối ren thì thai tật bệnh”. Bởi vậy, đối với phụ nữ mang thai, một mặt phải chủ động tu tính tu nết, giữ cho tâm trí luôn thanh thản, lạc quan, không quá buồn rầu chán nản nhưng cũng không quá phấn chấn hoặc sợ hãi, mặt khác gia đình và xã hội phải có trách nhiệm tạo ra cho họ một môi trường sống thuận lợi, êm ấm và vui tươi. Cổ nhân đã rất chí lí khi cho rằng: “ Yên tĩnh tức là thai giáo”.

2. Cần ăn uống điều độ và hợp lý: Thức ăn là nguồn dinh dưỡng quan trọng của người mẹ và thai nhi, nhưng vấn đề là ở chỗ thai phụ nên ăn gì và ăn như thế nào? Y học cổ truyền cho rằng, chế độ ăn uống của phụ nữ có thai phải đủ nhưng điều độ và cân bằng, nên đồ ăn thanh đạm và dễ tiêu, nên kiêng các thức ăn quá béo, quá ngọt, các đồ sống lạnh, cay chua vì dễ làm hại đến tỳ vị, ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Sách vạn thỉ nữ khoa đã viết: “ Phụ nữ sau khi thụ thai, việc đáng kiêng kỵ nhất là ăn uống quá no nê, mà phải ăn nhạt, tránh nóng nguội, giữ cho khí huyết thanh khiết dịu êm để dưỡng thai, như vậy thai sẽ yên ổn, sinh con khỏe mạnh”.

3. Cần làm việc và nghỉ ngơi thỏa đáng:
Con người sống bằng khí huyết, bởi vậy khi mang thai, các hoạt động sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi phải luôn đều đặn và điều hòa, không nên quá an nhàn, cũng không thể vì tham việc mà quá mệt mỏi. Theo y học cổ truyền, an nhàn quá khí huyết sẽ trệ, mệt mỏi quá khì huyết sẽ suy. Nếu làm việc và nghỉ ngơi không điều độ, sinh hoạt đảo lộn, làm lụng nặng nhọc vất vả sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Bởi vậy, sách Vạn thị phu nhân khoa đã khuyên: “sau khi thụ thai phụ nữ nên đi lại để khí huyết lưu thông, trăm mạch trong suốt, sẽ không khó đẻ. Nếu thích nghĩ ngại làm, thích tĩnh ngại động thì khí huyết sẽ đình trệ, sau này khó đẻ”.


4. Phải thận trọng chuyện phòng the:
Y thư cổ sản dựng tập viết “Sau khi có mang phải kiêng kỵ đầu tiên là sự giao hợp, vì nó khiến cho âm khí động và tiết ra ngoài sẽ làm yếu đi sức dưỡng thai và ảnh hưởng đến khả năng giữ thai. Hơn nữa hỏa động bên trong, huyết không an, thần không ổn, cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đền các chứng sảy thai, khó đẻ hoặc đẻ con ốm yếu”. Sách bảo sản luận cũng viết: “thời xưa phụ nữ có thai phải ở phòng riêng, không ngủ chung với chồng tối kỵ dâm dục”. Ngày nay, quan niệm này xem không còn tuân thủ nghiêm ngặt như trước nữa, tuy nhiên người ta vẫn khuyên nên giảm bớt số lần sinh hoạt, rút ngắn thời gian và không được kích thích quá mạnh, đặc biệt trong vài tuần cuối kỳ thai nghén tuyệt đối không nên chung đụng vợ chồng.


5. Phải luôn luôn có ý thức bảo vệ thai nhi:
Bảo vệ thai chủ yếu là tránh cho thai nhi khỏi ảnh hưởng của một số yếu tố xấu từ bên ngoài, ví như thuốc và những tính huống bất ngờ xảy ra. Theo quan niệm của y học cổ truyền, bất cứ dược liệu nào cũng đều có mặt hại, cho dù đó là nhân sâm, do đó người mang thai phải dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

ThS. BS Hoàng Khánh Toàn
Y học Phổ thông

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.