Để giờ học không chán
Có ý kiến cho rằng, giảng viên (GV) ĐH hiện nay rất cần “lâu lâu” phải đi học để biết nỗi khổ của sinh viên (SV). Thỉnh thoảng tôi cũng đóng vai người học, qua đó thấy rõ rằng chịu đựng một buổi học nhàm chán quả là một thách thức… Vì vậy, để góp phần giảm bớt tình trạng này, tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm:
1. Trước hết, người GV cần ý thức buổi học hiệu quả hay không, người học thích học hay không là do cách giảng dạy của họ chứ không nên đổ lỗi cho SV lười học, quậy phá. Thái độ tự chịu trách nhiệm về chất lượng giờ giảng sẽ giúp GV luôn đổi mới, sáng tạo trong giờ học với mục tiêu chinh phục SV. Ngoài ra, GV cần tìm hiểu kỹ nhu cầu người học để soạn bài, chọn nội dung và phương pháp giảng phù hợp nhất với từng đối tượng người học. Với SV trẻ, các em rất thích được bày tỏ quan điểm, được bàn luận về các vấn đề xã hội. Vì vậy tôi chọn phương pháp cho các em làm việc nhóm, thuyết trình trước lớp. Có những bài tôi cho các em tự đọc và trình bày trên lớp trước khi giảng viên giảng giải kỹ hơn. Kết quả là các em rất thích học, rất sáng tạo trong cách thuyết trình để chứng minh năng lực cá nhân mình, nhóm mình. Ngoài ra, có rất nhiều phương pháp sư phạm khác nhau để GV đổi “món” hàng ngày như phương pháp bể cá, phương pháp hỏi đáp, phương pháp nêu ý kiến ghi bảng… Thậm chí có những trò chơi sư phạm, những cuộc thi tài, “neo” kiến thức bằng câu đố cũng làm cho không buổi học nào giống buổi nào. Mỗi buổi học là một kịch bản hoàn toàn mới lạ, hấp dẫn thử thách cả người dạy và người học.
2. Khi soạn bài cần chọn những nội dung mà SV cần nhất. Có 3 loại kiến thức có thể lựa chọn: Các em cần kiến thức để thi, các em cần kiến thức để sống, các em cần kiến thức để làm việc trong tương lai. Tôi chọn lọc trong môn học của mình những nội dung dựa trên 3 loại kiến thức trên. Quan điểm của tôi là chỉ dạy cái SV cần chứ không bắt họ nghe cái mình có mà họ thấy vô ích. Cách này vừa đảm bảo yêu cầu môn học vừa thiết thực, gần gũi, hữu ích với SV, bài giảng lại ngắn gọn, xúc tích. Tình trạng áp lực vì nội dung nhiều, thời gian ít được cải thiện. Và khi giảng dạy, GV cần giúp SV nhận ra lợi ích của những kiến thức đang học các em sẽ thích học. Từ những gợi ý của GV, SV sẽ nghiên cứu, tìm tòi thêm rất nhiều tư liệu mới, tình huống mới, kiến thức mới mà ngay cả giáo trình, giáo án của GV cũng chưa kịp cập nhật. Cách chọn nội dung này đã được chứng minh qua nhiều lớp học tính hiệu quả của nó: SV thi đạt điểm cao, nhớ lâu bài học, ứng dụng tốt kiến thức đã học vào cuộc sống… Có nhiều SV đã tâm sự học xong lâu rồi nhưng vẫn nhớ những buổi học sinh động, vẫn nhớ những kiến thức hữu ích của môn học…
3. GV nên chú ý tạo không khí vui vẻ, cởi mở giữa người dạy và người học. Ví dụ, vào đầu môn học tôi làm quen với các em, cho các em giới thiệu tên, quê quán… Vào đầu mỗi buổi học hay giữa buổi học, tôi thường dành 5 phút cho các em hát, hoặc tôi hát cho các em nghe, cũng có thể là một trò chơi tập thể, một phần biểu diễn tài năng của SV nào đó trong lớp… Tôi hiểu người dạy cần tôn trọng, và hơn hết là nên làm bạn với người học. Thái độ thân thiện, cởi mở, biết lắng nghe của thầy cô luôn được người học trân trọng. Sự khen ngợi, khuyến khích đúng lúc, đúng chỗ của thầy sẽ giúp trò có cơ hội phát triển những tiềm năng. Khi các em làm bài tập, thuyết trình tôi đều nhận xét kỹ về nội dung và cách trình bày, góp ý chứ không chê bai. Tôi cho rằng ngoài nghĩa vụ nâng cao kiến thức chuyên môn thì việc tạo không khí vui vẻ trong giờ học rất quan trọng, nó quyết định mức độ hứng thú của cả thầy và trò.Bên cạnh đó, GV nên luôn biết nhìn lại những giờ giảng để rút kinh nghiệm. Tôi thường rút kinh nghiệm bằng hai cách: Tự nhận xét và nhờ SV góp ý. Tôi thường tự nhận xét sau buổi học xem mình đã làm tốt ở những điểm nào, dở ở điểm nào, nếu làm lại thì mình sẽ thay đổi ra sao. Ví dụ, cách giải thích một định nghĩa hôm nay hình như hơi khó hiểu, hay việc mình cho SV làm việc nhóm hôm nay không hiệu quả, mình quản lý lớp chưa tốt…
4. Biết cảm nhận của người học đối với tiết học là rất quan trọng. Chỉ người học mới có thể cho biết họ đã thu hoạch được gì qua từng giờ giảng, và người dạy cần thay đổi như thế nào để tốt hơn. Vì vậy tôi thường lấy ý kiến người học vào một trong ba thời điểm: Buổi thứ hai, giữa môn học, cuối môn học để xem người học hài lòng điều gì, không hài lòng điều gì. Cách của tôi thường áp dụng đó là cho SV ghi ra giấy những nhận xét, câu hỏi thắc mắc của họ, tờ giấy này yêu cầu không ghi tên. Cách làm này cần được thực hiện với một thái độ chân thành, cầu thị, mong SV bày tỏ thực lòng với mục đích để giờ giảng ngày càng tốt hơn! Nhờ cách làm này, tôi luôn nhận ra mình còn nhiều thiếu sót, ví dụ như “Cô còn lấy ít ví dụ thực tế quá” hay “Cô hơi thiên vị nhóm A…”. Làm hài lòng người học là làm hài lòng chính mình. Hiệu quả giờ học đến từ mối quan hệ hai chiều giữa thầy và trò chứ không chỉ đơn giản thầy cô biết nhiều, giảng nhiều mà SV đã thích học. Người dạy càng nói nhiều SV càng chán học. “Danh hiệu” những tiến sĩ gây mê thường để ám chỉ các thầy cô nói nhiều. GV cần biết “lùi lại” để SV có cơ hội sáng tạo, cơ hội suy nghĩ, cơ hội thực hành… Nhiệm vụ của GV là khơi gợi, “đốt cháy” chứ không phải đổ đầy cốc nước kiến thức cho học trò. Như Galileo Galilei từng nói: “Ta không thể dạy người khác bất cứ điều gì. Ta chỉ có thể giúp họ khám phá những gì có sẵn trong họ”. Từ 2005 đến nay, tôi may mắn được tham gia giảng dạy phương pháp sư phạm cho giáo viên các cấp. Những kinh nghiệm trên tôi thường chia sẻ với đồng nghiệp để mỗi người thầy lên lớp sẽ nhận được sự tin yêu, mến phục từ học trò. Những ai thực sự yêu nghề dạy học, yêu quý học trò của mình, trân trọng mỗi cơ hội đứng lớp truyền đạt kiến thức, làm giàu tâm hồn cho người học sẽ luôn biết tự mình đổi mới, tự mình học hỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy, để người học không chán thầy!ThS. Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TP.HCM)
Các tiêu chí tự đánh giá một giờ giảng tốt Các phương pháp và phương tiện có được tôi sử dụng linh hoạt? Tôi có khuyến khích người học tham gia tích cực, và tôi có bao quát được toàn bộ lớp học? Tôi có độc thoại liên tục hơn 20 phút? Tôi có trực quan hóa các nội dung chính của bài học? Nội dung và thời gian của bài giảng có được điều chỉnh để duy trì sự chú ý của người học? Tôi có “neo” lại kiến thức cho người học? (Trích Cẩm nang phương pháp sư phạm, ThS. Phạm Thị Thúy, ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng, NXB Tổng hợp TP.HCM) |