Lớp 6 đã có máu...Hoạn Thư
Thời gian gần đây, không ít vụ bạo lực học đường kinh hoàng của học trò xuất phát từ việc đánh ghen. Các vụ chặn đường đánh cảnh cáo, quay clip, thậm chí là “xuống tay”… lấy tính mạng tình địch được phát hiện chỉ mới là bề nổi trong những “âm mưu” đánh ghen trong lứa tuổi học trò. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, nhiều những chuyện kinh hoàng sẽ có thể xảy ra.
HS lớp 6 đòi… tạt a xít “tình địch”
Tại buổi tư vấn mới đây về tâm lý học đường cho một trường học ở TPHCM, dù đã quen với những câu hỏi “sốc” của học trò nhưng các chuyên gia không khỏi “rụng rời” trước câu chuyện của một nữ sinh vừa học xong lớp 6. Giọng như muốn khóc, nét mặt lộ rõ sự uất ức mình chịu đựng lâu nay, em kể từ giữa cuối học kỳ 1 năm học vừa rồi, em nhận lời yêu một anh học lớp 8 sau thời gian cậu này tấn công, theo đuổi kịch liệt. Em tiết lộ, tình cảm của hai rất mặn nồng, bạn trai chiều chuộng em hết sức và: “Vì rất tin tưởng và yêu anh ấy nên cháu đã dâng hiến, vượt qua giới hạn với anh ấy”. Em tưởng rằng tình cảm nhờ thế sẽ thêm bền chặt nhưng anh chàng bắt đầu “lơ” em đi và không lâu sau thì công khai hẹn hò với một cô bạn khác trong trường. Đến lúc này em mới biết được sự thật phũ phàng, hóa ra lâu nay anh chàng không yêu thương gì em, chỉ tán tỉnh và “chiếm đời con gái”em theo lời thách đố của cô bạn kia. Xong xuôi, cậu ta trở về bên người yêu chính thức.
“Những khi thấy chúng quấn quýt bên nhau, em không chịu đựng nổi. Đầu tiên em chỉ khóc nhưng gần đây em nghĩ đến việc sẽ mua axit tạt cả hai chúng nó cho bõ ghét. Em định ra tay mấy lần dù em biết vậy là sai. Em uất hận lắm, có điều gì đó thôi thúc em phải cho chúng “ăn” a xít”, cô học trò kể.
Chuyện “đánh ghen” xem ra không còn là chuyện của người lớn. Không khó để thấy rất nhiều vụ HS xử nhau, lột quần áo, quay clip vì lý do ghen tuông, giành giật người yêu. Tại Q.12, TPHCM từng xảy ra vụ việc nhóm nữ sinh lớp 6, lớp 7 đánh ghen dã man một bạn nữ, dùng dao lam đe dọa, yêu cầu bạn nữ này phải lột quần áo để cả nhóm quay hình... mà những người ngành giáo dục vào giải quyết cũng thấy sợ vì sự tàn bạo.
Mới đây hơn, tại Đồng Nai, một học trò học lớp 8 trường THCS Gia Kiệm còn dùng dao đâm nhiều nhát vào “tình địch” từng là bạn học của mình.
Đó là những sự việc đau lòng đã xảy ra, đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhưng thực tế, những em rơi vào cảnh “thất tình”, nuôi âm mưu hoặc luôn sẵn sàng đánh ghen không hề hiếm. Nếu người lớn không phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì từ suy nghĩ đến hành động chỉ trong gang tấc.
Một người mẹ nhà ở Q.4, TPHCM kể, có thời gian chị phát hiện cậu con trai 13 tuổi của mình thay đổi thất thường. Cháu giam mình trong phòng, bỏ ăn và tỏ ra rất chán chường. Mới đầu chị trò chuyện, cháu không chịu nghe nhưng đến một hôm, cháu tuôn ra: “Con muốn giết thằng N. Vì nó mà cả tháng nay bạn H. không chơi với con nữa. Loại cướp người yêu, giết chết cho rồi! Con cũng không thiết sống nữa”. Cháu đã tìm hiểu mua thuốc trừ sâu ở đâu, cách dùng như thế nào.
Người mẹ lạnh cả xương sống, ngỡ ngàng vì con mới từng ấy tuổi đã… thất tình đã đành mà lo sợ với suy nghĩ của con. Thật may chị phát hiện kịp thời, không làm ầm ĩ lên mà dẫn con đến trò chuyện với chuyên gia tâm lý để được tư vấn.
Ảnh minh họa.
Cần được ngăn chặn sớm
Hầu hết các vụ việc học trò “đánh ghen”, chỉ khi đã dẫn đến hậu quả thì người lớn mới giật mình không tin nổi vì “Nó còn bé thế yêu đương nỗi gì mà ghen với tuông”. Trong khi, theo nhiều chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học, nguyên nhân các em ghen tuông, ra tay để “dằn mặt” tình địch chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ bạo lực học đường.
Lý giải về hiện tượng học trò đánh ghen, Th.S Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TPHCM) cho hay, các em ở lứa tuổi mới lớn, ngoài việc học thì dành mối bận tâm rất lớn đến tình cảm nam nữ. “Nửa kia” có khi là thần tượng, là cả bầu trời đối với các em vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tình cảm với người khác giới lứa ở tuổi này mới chỉ những cảm xúc rung động đầu đời, các em rất dễ thay đổi, đang thích người này có thể chuyển sang thích người khác ngay. Khi bị “phụ bạc”, các em rơi vào cảnh thất vọng, suy sụp nên dễ nghĩ đến việc trả đũa cho hả giận. “Như trường hợp của cô bé lớp 6 đòi tạt a xít tình địch kể trên, thật may em vẫn còn lăn tăn trước ý định của mình và chia sẻ kịp thời với chuyên gia. Nếu em thực hiện theo ý định của mình thì hậu quả quá kinh khủng”, bà Thúy nói.
Theo bà Thúy, khi rơi vào cảnh “thất tình”, trẻ có những biểu hiện rất rõ. Cha mẹ cần quan tâm đến những bất thường của con và cần phải nghĩ ngay việc con mình đang gặp rắc rối, đặc biệt là chuyện tình cảm, không được chủ quan. Qua đó, gợi mở cho con biết, tình cảm ở độ tuổi này chỉ mang tính nhất thời giúp trẻ biết cách bộc lộ ở mức độ nào cũng như tránh được sự thất vọng.
Ngoài ra, bà Thúy nhấn mạnh, giáo viên cũng là người cần gần gũi, hiểu được tâm tư của học trò để cho các em những lời khuyên bổ ích nhất. Khi đó, chúng ta sẽ tránh được những sự việc đáng tiếc.
TS Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, đối với chuyện tình cảm của trẻ, cha mẹ cần có sự đồng cảm, đừng la mắng, quát tháo con. Ở tuổi này, các em hay tuyệt đối hóa chuyện tình cảm; tôn sùng, đòi hỏi tuyệt đối ở đối tượng đến mức cực đoan. Nên khi gặp sự cố, các em bị suy sụp, hành động nông nổi. Khi biết con “đau khổ” và đang có những suy nghĩ dại dột, phụ huynh nên tìm cách nói chuyện với con sao cho tự nhiên như hỏi chuyện yêu đương của bạn bè, kể chuyện người này người nọ. Qua đó, đưa ra những tình huống, câu chuyện xảy ra trong thực tế giúp con hiểu rằng nếu “vướng” vào những việc như đánh ghen, tự tử… thì không chỉ đánh mất cả cuộc đời mà bố mẹ cũng đau lòng vô cùng. Phụ huynh có thể kể tếu với con, ngày trước bố mẹ cũng thất tình, đau khổ dữ lắm. Nhưng thật may bố mẹ đã vượt qua một cách cao thượng, chú trọng cho việc học, nhờ đó sau này gặp được người xứng đáng hơn như một lời “đánh động” và “gỡ nút” cho con.
Nguồn: Dân Trí