Kỹ năng ứng xử trên mạng bị bỏ trống
Mạng xã hội không chỉ thu hút người lớn mà còn hấp dẫn cả học sinh bậc tiểu học và THCS. Tham gia mạng ảo khi tuổi còn quá nhỏ, không ai hướng dẫn sẽ dẫn đến nhiều mối lo.
Học sinh chửi tục, khoe hình
Trong một lần đưa con đến nhà em gái ở TP.HCM chơi, chị Bích Hải (Nhơn Trạch, Đồng Nai) phát hiện ra cậu con trai học lớp 7 của mình có tài khoản Facebook và kết bạn với hàng trăm cô cậu bé khác, do con dùng máy của dì mà quên thoát ra.
Sau khi đọc một hồi những bài viết, những bình luận bạn bè của con, chị giật mình vì toàn những câu nói tục tĩu, chửi bậy. Khi con trai chị đưa một hình ảnh lên, lập tức, một số cậu nhóc vào viết: “Thằng chó, trông cái mặt như cục c…”, “Ê, cái thằng mặt…, làm tau phát ói”… Tò mò bấm vào danh sách bạn của con, chị càng tá hỏa khi thấy một số trang web với những hình ảnh thiếu nữ ăn mặc hở hang, thậm chí khỏa thân.
|
Không chỉ học sinh nam mà trên thực tế, có không ít học sinh nữ 12, 13 tuổi cũng mải mê lên Facebook để viết những câu thể hiện tâm trạng vu vơ, thương nhớ, hoặc đưa hình ảnh điệu đàng, chu môi, nháy mắt rồi chờ bạn bè vào like, bình luận. Điều này có thể sẽ gây “nghiện” và khiến học sinh chểnh mảng chuyện học hành.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Quới Tây (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), công nhận: “Hiện nay trường nào cũng có học sinh bậc THCS lập Facebook hay tham gia một số diễn đàn. Thậm chí có cả một số em mới học lớp 4, lớp 5. Đây là quyền của các em, không ai có thể cấm được. Tuy nhiên, nếu không giám sát để uốn nắn thì các em rất dễ bị cuốn theo những trào lưu, sở thích không phù hợp với lứa tuổi”.
Hướng dẫn con tận dụng được cái tốt
Chị Phan Thúy Nga, một phụ huynh tại P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, kể: “Biết con gái lập Facebook, mình cũng lập một cái vào kết bạn nhưng mãi không thấy con đồng ý. Hóa ra con bé biết đó là mẹ, sợ bố mẹ đọc được những riêng tư mình viết nên không chịu kết bạn. Mình bèn lập một trang khác với một cái tên lạ, ảnh đại diện cũng khác, và đã được con gái đồng ý. Từ đó, mình thường xuyên theo dõi con mình viết gì, đọc gì. Có lúc nó giận bố mẹ, nó cũng lên nói cho cả thế giới biết. Rồi ghét cô giáo nào, thích bạn trai nào nó cũng hồn nhiên thể hiện. Mình và chồng phải bàn với nhau cách xử lý từng tình huống nhất định để giúp con nghĩ đúng, hiểu đúng về các sự việc diễn ra”.
Mới đây nhất, tại Thạch Thất, Hà Nội đã xảy ra việc nữ sinh tự tử vì bị bạn bè ghép ảnh ăn mặc hở cổ đưa lên Facebook. Không chịu nổi ức chế vì sợ bị chê cười, nữ sinh đã tìm đến cái chết. Sự việc tuy hết sức đơn giản nhưng ở lứa tuổi này, nếu không được bố mẹ kịp thời phân tích, chỉ dẫn đúng sai, các cô cậu học trò rất dễ suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính TP.HCM, nhận định: “Trước nhiều thông tin tốt xấu, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, các em còn quá nhỏ nên khó có thể định hướng được thông tin tốt. Cha mẹ không thể cấm mà chỉ là hướng dẫn con tận dụng được cái tốt và hạn chế tối đa cái xấu của mạng xã hội. Dạy con không đưa thông tin riêng tư lên mạng: như địa chỉ nhà, trường lớp hay điện thoại riêng...”. Theo thạc sĩ Thúy, phụ huynh chỉ nên cho con sử dụng 30 phút mỗi ngày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Nhiều khi bố mẹ, người thân, thầy cô nói không nghe nhưng các em sẵn sàng nghe lời một người chưa từng gặp mặt, nên với học sinh nữ sẽ rất nguy hiểm nếu có kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, còn học sinh nam dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn. Theo tôi, bên cạnh sự uốn nắn của phụ huynh, nhà trường cũng nên đưa ra các hình thức kỷ luật nếu như các em dùng mạng xã hội để nói xấu nhau, nói xấu thầy cô hoặc đưa hình ảnh phản cảm.
Không nên cho học sinh tiểu học sử dụng Facebook Bản chất Facebook không xấu. Xấu hay không là ở chỗ chúng ta làm gì trên đó. Quy định tuổi sử dụng của Facebook là 13+. Tuy nhiên, cũng có nhiều em khai gian để được tham gia mạng xã hội dù chưa đủ tuổi. Trên thực tế, việc giáo dục kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội hiện nay hầu như bị bỏ trống. Lợi ích lớn nhất của mạng xã hội chính là khả năng kết bạn mới, giữ liên lạc với bạn cũ. Facebook giúp trẻ biết quan tâm theo dõi bạn bè, biết chia sẻ với bạn bè đúng lúc. Ngoài ra còn giúp các em định hình cá tính của mình, hình thành lập trường trong những cuộc tranh luận… Nguy cơ lớn nhất là các em dễ bị “nghiện” khi đắm chìm trong thế giới online vô cùng sinh động, khi đó, thay vì làm chủ, học sinh sẽ để mạng xã hội làm chủ mình. Facebook trở thành một kẻ cắp thời gian, lấn át cả chuyện học hành, lấn át cả thời gian giao tiếp với cha mẹ và người thân. Bạn trẻ còn dễ bị lôi cuốn vào các giá trị ảo. “Tút” một tấm ảnh cho thật đẹp để thu hút người thích, chăm chút cho từng câu status (trạng thái) để thu hút người bình luận. Thật ra, những điều đó ít có giá trị trong đời sống thực. Cha mẹ không nên cho học sinh tiểu học sử dụng Facebook. Tuy nhiên, tuổi THCS, phụ huynh không nên cấm (và cũng không thể cấm) vì trẻ đã độc lập hơn. Thay vào đó, cha mẹ nên chỉ cho con thấy những “ổ gà, hố sâu” khi tham gia vào mạng xã hội đông đúc này. Cần thỏa thuận và quy ước với con về thời gian sử dụng, cam kết về kết quả học tập, cam kết phát ngôn chừng mực... Ngoài ra, bố mẹ nên có 1 trang để kết bạn với con mình, sống cùng con trên thế giới online để ít nhất biết con mình làm gì trên đấy nhằm can thiệp kịp thời. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu |
Mỹ Quyên