Không đỗ đại học, lập nghiệp bằng cách nào

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho học sinh

Nhà em làm nghề nông ở vùng quê. Em thi trượt đại học 2 lần nên lúng túng không biết có nên chọn một hướng đi khác không phải thi cử.

Em muốn lập nghiệp nhưng không thích theo nghề nông. Mong chuyên gia tư vấn giúp hướng đi nào cho phù hợp. (Nguyễn Minh Anh, Phú Yên).

lap-nghiep-8824-1405567290.jpg

Ảnh minh họa: hoc.

Trả lời:

Em thân mến,

Có lẽ em đang chịu nhiều áp lực khi đã hai lần thi trượt đại học. Điều đó cho thấy em cần xác định lại đúng năng lực học tập của mình.

Em biết không, cơ hội không nhất thiết là mình phải đạt được những thứ giống người khác đạt được. Không vì người ta đỗ đại học, mình cũng phải đỗ đại học mới gọi là có cơ hội. Phần lớn do quan niệm của xã hội, áp lực bởi kỳ vọng của cha mẹ và sự hướng nghiệp chưa đầy đủ của nhà trường nên chúng ta hoang mang khi phải lập nghiệp trên con đường không mang tên đại học.

Tuy nhiên dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn có thể có cơ hội để vươn lên nếu chúng ta không tự làm mình gục ngã. Nếu con đường em sẽ đi không mang tên là đại học, nếu em không có kế hoạch ôn luyện để thi lại lần nữa, em vẫn còn có nhiều cơ hội khác để chọn lựa.

Đại học không phải là con đường duy nhất để đến thành công. Điều này em có thể thấy ngoài thực tế rằng có rất nhiều người đỗ đạt, có bằng cấp, học lực tốt nhưng vẫn khó xin việc, khi đi làm thì lại rất chật vật với công việc và mức thu nhập không cao. Bên cạnh đó, em cũng có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn tỷ phú, triệu phú, những vị giám đốc không có bằng đại học, thậm chí là trình độ học vấn rất thấp trên khắp thế giới cũng như ngay ở Việt Nam nhưng đã thành công. Vậy, những gì em cần chỉ là cháy bỏng ước mơ và sự nỗ lực để khai phá tiềm năng của mình.

Đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến đích thành công chứ không phải là duy nhất. Nếu em có ước mơ, có khao khát, sẵn sàng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và quyết tâm đeo đuổi đam mê thì hoàn toàn có thể tìm cho mình một nghề phù hợp và theo đuổi để sau này lập nghiệp.

Em có thể tham gia vào các lớp ở trình độ trung cấp nghề theo những lĩnh vực mà em có năng khiếu, sở thích và phù hợp với năng lực. Có rất nhiều trường chỉ xét hồ sơ học bạ mà không cần tham gia thi tuyển. Đây sẽ là cơ hội để em tìm thấy nghề phù hợp bằng con đường ngắn nhất, đòi hỏi kỹ năng thực tế cuộc sống hơn là những kiến thức khô khan, “bác học” trên giảng đường.

Hơn nữa, học tập tại các trường nghề em được “cầm tay chỉ việc”, mang những kiến thức khô khan áp dụng vào ngay thực tế để hiểu và tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp được đào tạo.

“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, em nên cân nhắc khi lựa chọn một tương lai tươi sáng cho riêng mình. Tuy nhiên, em nên tham khảo lựa chọn một cơ sở đào tạo nghề có chất lượng là yếu tố không kém phần quan trọng, nó quyết định cơ hội việc làm và sự nghiệp của mình.

Chúc em thành công.

Ban tư vấn qua tổng đài 1900 6233
Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.