Khóc với học kỳ quân đội

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho học sinh

 hkqd

Thí sinh rèn luyện thể lực trong một học kỳ quân đội ở Côn Đảo.

Nhiều bạn trẻ tham gia học kỳ quân đội để được thấy mình lớn lên, được khám phá bản thân, nhưng đôi khi từ những trải nghiệm thực tế, cái mà họ nhận được lại không như mong muốn!

 

 Quản trại “có tình ý” với học viên?

 “Một tuần để học cách quản lý thời gian, hoạch định tương lai, giải quyết xung đột, làm chủ tư duy và hiểu về sự yêu thương... chỉ là những lời có cánh” – bà Chi, mẹ của nữ học viên Kh. – 17 tuổi, buồn bực trình bày. Bà Chi đăng ký cho con tham gia khoá học kỳ quân đội của nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM với học phí 5.200.000đ, hy vọng cháu sẽ tự tin và bớt khép kín hơn. Nhưng sau khi kết thúc khoá học gần một tuần lễ từ Vũng Tàu về, Kh. thẫn thờ mất mấy ngày. Bà Chi thấy vậy dò hỏi một bạn cùng tham gia khoá học với Kh. mới tá hoả biết trong thời gian ở trại một thầy huấn luyện và Kh. có những biểu hiện “trên mức tình cảm”.

 H. Anh, 19 tuổi nhà ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1 – bạn cùng phòng với Kh. trong khoá học kể, những ngày đầu có lẽ do tính tình hơi khác thường, Kh. bị các bạn trong trung đội cô lập và trở nên trầm cảm. Sau đó, thầy S., hơn Kh. chỉ vài tuổi – đến tâm sự với bạn nhưng tình hình không được cải thiện mà bạn ấy càng xa lánh mọi người. “Càng về sau, tụi em càng thấy giữa hai người có cái gì đó rất đặc biệt. Chẳng hạn như thầy S. hay có những câu như “bí mật chỉ riêng hai người biết”...

 Phạt bằng cách bắt hút thuốc, ngậm bài

 Học kỳ quân đội được thiết kế để trại sinh sống gần như trong môi trường quân đội, không điện thoại, không internet, tuân thủ các điều lệnh nghiêm ngặt nhằm rèn luyện tinh thần tự giác và ý thức kỷ luật. Tuy nhiên, một vài trường hợp trại sinh vi phạm nội quy như lén lút hút thuốc, đánh bài… đã bị các thầy quản trại áp dụng hình phạt mà các em cho là vượt xa tính chất của một trại hè.

 Trại sinh B. Tr, nhà trên đường Thành Thái, quận 10 tường thuật, trong một buổi tập trung, một bạn tên T. ở trung đội 2 bị phạt vì hút thuốc. T. bị thầy K. bắt đứng trước toàn đội, hai tai nhét hai điếu, mũi hai điếu, một bó nữa thì nhét vô miệng tổng cộng gần 20 điếu thuốc và hút trước toàn trung đội! Sau khi đốt thuốc, thầy K. còn giận dữ ném bật lửa xuống đất khiến nó vỡ tan trước hàng chục cặp mắt của trại sinh. Trại sinh H. Anh nhớ lại: “Hôm đó, rất nhiều bạn ở đội trong đó có em đã khóc vì sợ và thương bạn. Đến giờ kể lại em vẫn còn bàng hoàng!”. B. Tr còn cho biết, có hai bạn vi phạm kỷ luật do hát nhại một bài hát khi đứng trong hàng ngũ đã bị thầy quản trại phạt bằng cách... tát vào mặt nhau. Vì tát chưa đạt nên thầy lên “làm mẫu” cho toàn đội xem, một bạn bị tát đến tím mặt. Một nhóm trại sinh khác thì bị thầy lấy bộ bài tây moi từ trong... toilet ra xé đôi bắt ngậm vào miệng chỉ vì nhóm này vi phạm điều lệ cấm đánh bài.

 Chương trình học kỳ quân đội được triển khai từ nhiều năm qua, hiện nay trong cả nước đã có trên 60 đơn vị đoàn thể và tư nhân đứng ra tổ chức. Nhiều phụ huynh thừa nhận sau khi tham gia các khoá học, con em họ đã có những thay đổi tích cực nhờ sự dẫn dắt của giáo viên và điều phối viên có kiến thức, am hiểu và nhiệt tình. Nhưng trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về những thông tin vừa nêu trên, một số phụ huynh khác không khỏi băn khoăn về cách hành xử của một số điều phối viên và công tác lựa chọn cán bộ đơn vị tổ chức. Liên hệ đến trường hợp của em Kh., bà Chi thẳng thắn: “Ở lứa tuổi dậy thì, các em phần lớn đều có tâm sinh lý thay đổi rất phức tạp, chưa làm chủ được bản thân, dễ cảm xúc, dễ ngộ nhận. Do vậy, việc sử dụng cán bộ còn quá trẻ, dưới mắt các em lại có thái độ thiếu nghiêm túc như vậy e rằng sẽ phản tác dụng và đánh mất niềm tin ở phụ huynh”.

 Diệu Thuỳ

Sẽ yêu cầu cán bộ huấn luyện báo cáo sự việc

 Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 6.7, ông Nguyễn Quang Cường, phó giám đốc nhà văn hoá Thanh niên đồng thời là chủ nhiệm chương trình rèn luyện kỹ năng sống và học kỳ quân đội, cho biết, học kỳ quân đội mô hình hải quân “Thanh niên Việt Nam, biển đảo Việt Nam” từ 26.6 – 3.7 tại lữ đoàn 171 Bà Rịa – Vũng Tàu là chương trình thứ tư trong hè này thu hút 92 bạn trẻ 14 – 22 tuổi. Đa số các cán bộ huấn luyện đều là cán bộ Đoàn và thủ lĩnh câu lạc bộ kỹ năng Sao Bắc Đẩu (hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM) có nhiều kinh nghiệm trong sinh hoạt tập thể và tổ chức trại. Quy định của trại là có khen thưởng và có kỷ luật. Nếu trại sinh vi phạm nội quy nhiều lần, quản trại dùng lời lẽ thuyết phục, kiểm điểm rồi cảnh cáo trước tập thể, cao nhất là trả về cho gia đình chứ không cho phép áp dụng hình phạt.

 Tuy nhiên, do chương trình diễn ra liên tục, vừa giao quân trại này điều phối viên lại lên đường tiếp tục huấn luyện trại khác nên các cán bộ chưa kịp báo cáo. Ông Cường khẳng định sẽ kiểm tra, cán bộ nào có hành vi áp dụng hình phạt không đúng quy định sẽ nghiêm khắc kiểm điểm.

 Về trường hợp của em Kh., theo ông S. giải trình, đó chỉ là những hành động thể hiện sự quan tâm bình thường trong sinh hoạt tập thể để giúp trại sinh gần gũi, cởi mở hơn, ngoài ra không có động cơ nào khác.


     Nguồn: SGTT.VN  

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.