Học văn hóa ứng xử học đường
“Tại sao học sinh lớp 7, 8 chưa hiểu rõ về tình yêu nhưng vẫn đánh nhau vì ghen?”, “Có cách nào giải quyết bạo lực học đường?..., là những vấn đề được học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Dầu Tiếng, Bình Dương) đặt ra trong một buổi học về “Văn hóa ứng xử học đường”.
Từ TP.HCM, GS.TS Trần Văn Khê, nhà văn Nguyễn Thúy Ái cùng thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đã đến chia sẻ cùng các bạn.
Học "quản lý" cảm xúc
Tại buổi học được tổ chức ngay sân trường, GS Trần Văn Khê đã hướng dẫn các bạn học sinh nên “ăn như thế nào, mặc như thế nào, ứng xử như thế nào, trong nhà ra sao, trong rạp hát làm cách nào”.
GS Khê cho rằng đó là những vấn đề “các em chưa được ai nhắc nhở nên khi mình làm trật lại tưởng mình làm trúng”. Nói về việc ứng xử trong quan hệ trò - thầy, GS Khê khuyên răn: “Thầy cô mình cực nhọc, chịu khó soạn bài, giảng bài để trao cho mình kiến thức, cũng như người mẹ cho con một giọt sữa, mớm cho con một miếng cơm. Mẹ cho giọt sữa để nuôi thân thể mình, mớm một ít cơm để mình ăn mình lớn, còn thầy mớm những kiến thức để tư tưởng mình lớn. Dù có chuyện gì không bằng lòng với thầy cũng phải biết tôn sư trọng đạo”.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đã dựng lại một tình huống có thật và cùng học sinh phân tích: trên sâu khấu, hai nữ sinh đi ngang qua nhau, một nữ sinh hỏi: “Nhìn đểu hả?” và xông vào đánh bạn.
“Theo các em, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn ở học đường là gì?”. Cô Thúy hỏi, một bạn nữ nói: “Các bạn muốn thể hiện, muốn khẳng định mình là nhất”, học sinh khác bổ sung: “Do văn hóa ứng xử của các bạn chưa tốt”...
Sau khi cùng các bạn phân tích tình huống, thạc sĩ Phạm thị Thúy kết luận: "Để tránh được mâu thuẫn, các em cần nhớ ba điều: quản lý cảm xúc, tự tin với bản thân và hãy nghĩ ứng xử của mình với bạn cũng giống như mình đang soi vào gương vậy”.
Khúc mắc của trò
Rất nhiều học trò thường xuyên gặp những chuyện “phải suy nghĩ” như bị bạn trêu chọc lâu dần dẫn đến mâu thuẫn; bị bạn thân hiểu lầm, bị nhóm bạn “bỏ rơi” và cả những chuyện hờn giận, ghen tuông ở tuổi học trò chưa biết phải xử sự như thế nào cho đúng.
Minh Trí một học sinh lớp 8 đưa ra ý kiến: “Ở trường, vẫn còn những trường hợp khi bạn lỡ đụng vào mình là la lên “điên à, mù à”. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau.
Trong khi đó, một nữ sinh lớp 9 kể khi bạn hỏi mình “nhìn đểu hả?” thì sẽ trả lời: “Mình đang có chuyện buồn chứ có nhìn đểu bạn đâu”. Trong tình huống này, bạn nữ khác cho biết: “Em sẽ quay lại hỏi vì sao bạn buồn để có thể chia sẻ với bạn. Sau đó, nếu hợp có thể làm bạn thân với nhau. Như vậy, sẽ tránh được những chuyện mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau”.
Bản thân các thầy cô giáo nhiều khi cũng không nắm bắt được hết tâm lý học trò. Thầy Nguyễn Văn Khoa, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói: “Ông bà ta đã nói người trẻ cần được học ăn, học nói, học gói, học mở.
Nói về văn hóa ứng xử trong nhà trường là nói về cái đẹp, nói đến điều thiện, và trước hết học trò phải xử sự như thế nào cho đúng trong quan hệ với bạn, với thầy cô giáo. Những buổi học kỹ năng giúp cho chúng tôi - những nhà giáo - nhiều kinh nghiệm quí giá để hoàn thiện bản thân và giáo dục học sinh của mình về văn hóa ứng xử trong trường học và rộng hơn là ngoài cuộc sống”.
Hà Bình