Học trò yêu bạo: Vẽ đường cho hươu chạy đúng

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho học sinh

Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), phản ánh tình trạng học sinh yêu sớm, yêu bạo, phá thai, rủ nhau đi nhà nghỉ là thực trạng phổ biến, trường nào cũng có.

Không biết bấu víu vào đâu

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (bệnh viện Phụ sản Trung ương), hầu hết những buổi dạy giáo dục giới tính (GDGT) trong nhà trường chỉ mang tính chất cười đùa nhiều hơn là cung cấp thông tin cho các em. Hiện nay, hơn 1/3 thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận với các biện pháp tránh thai an toàn và đặc biệt là chưa biết cách xử trí khi mang thai ngoài ý muốn.

“Điều lạ lùng là có đến 90,3% các em biết nguy cơ mang thai khi quan hệ tình dục nhưng hơn 80% các em không dùng biện pháp tránh thai. Nguy hiểm là các em chỉ nghĩ đơn giản: không muốn có con thì bỏ”, một bác sĩ chia sẻ lo ngại.

Hoc tro yeu bao Ve duong cho huou chay dungPhòng khám tư vấn sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên tại TP Hà Nội có đông người chờ đợi.

Tình trạng học sinh yêu sớm, yêu bạo dẫn đến những hệ lụy xấu là do các em bị tác động rất nhiều từ lối sống hiện đại, luôn có nhiều mặt trái, internet, phim ảnh, lối sống phóng khoáng, bố mẹ thiếu quan tâm khi các em bước vào tuổi dậy thì. Ngoài ra, “vấn đề tuyên truyền về kỹ năng sống, giáo dục giới tính chưa được quan tâm trong nhà trường, đặc biệt là cấp THPT. Đây là giai đoạn các em bước vào tuổi dậy thì bắt đầu muốn khám phá bản thân, tìm hiểu bạn khác giới, nếu không được định hướng sẽ ứng xử lệch lạc” - thạc sĩ, bác sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa), nói.

Một khảo sát của khoa Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho thấy cứ 9 người làm công tác tư vấn ở bậc THPT thì chỉ 2 người đạt yêu cầu. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính thông qua giảng dạy lồng ghép trong các môn giáo dục thể chất và y tế trường học nhưng do tâm lý ngại ngùng, cho là chuyện tế nhị của cả thầy và trò nên môn học này chưa hiệu quả. Ngoài ra, trong trường chưa có giáo trình cụ thể khiến giáo viên phải tự mày mò.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), bức xúc: “Có học sinh lớp 12 còn nghĩ hôn nhau sẽ mang thai, qua đó cho thấy các em quá thiếu kiến thức về giới tính. Gia đình lảng tránh còn ở nhà trường học sinh cũng chẳng biết bấu víu vào đâu. Phòng tư vấn tâm lý không có, nhiều giáo viên chỉ lo dạy kiến thức chuyên môn làm sao còn đủ thời gian quan tâm những chuyện “ngoài luồng” để chia sẻ với học sinh”.

Tương tự, tại tỉnh An Giang, cô Lê Thị Mười Một - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trần Quang Khải (xã An Nông, huyện Tịnh Biên) - nhận xét giáo dục giới tính trong trường học hiện chỉ mang tính hình thức, chưa có chương trình cụ thể, giáo viên lồng ghép chương trình với một số tiết dạy về di truyền học cho các em. “Mỗi tiết dạy, giáo viên chỉ lồng ghép được khoảng từ 5-10 phút nên không thấm vào đâu” - cô Mười Một nhìn nhận.

Bàn về nguyên nhân tỉ lệ thanh thiếu niên phá thai cao, ông Ngô Minh Uy, chuyên gia tham vấn tâm lý tại TP.HCM, cho biết có nguyên nhân từ việc học sinh xem hành vi tình dục như một cách thể hiện tình yêu nhưng quá thiếu kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản, không biết cách xử lý khi xảy ra vấn đề.

Cần giáo dục giới tính sớm, phù hợp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hơn 5.000 trường tiểu học và THCS của TP hiện chỉ có 51 giáo viên tư vấn chuyên trách, 157 giáo viên kiêm nhiệm về giáo dục tâm lý, giới tính. Khối các trường THPT có 105 trường cũng chỉ có 53 giáo viên chuyên trách tư vấn, 141 người kiêm nhiệm. 

Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng trường Cán bộ TP.HCM, khẳng định tâm lý của HS ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có người tư vấn chuyên nghiệp mới giúp đỡ các em hiệu quả. Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Trưởng bộ môn Tâm lý học và Giáo dục học ứng dụng ĐH Sư phạm TP.HCM, đề xuất các trường cần tuyển dụng nhân sự làm giáo viên tư vấn phù hợp hoặc tạo điều kiện để thầy cô tư vấn chưa qua đào tạo được bồi dưỡng chuyên môn một cách hệ thống và đạt chuẩn.

Về vấn đề giáo dục giới tính trên thế giới, theo ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng trường THPT Việt - Úc, các nước triển khai từ rất sớm. Thậm chí, trong hồ sơ nhập học của học sinh, sinh viên luôn được nhà trường tặng kèm một hộp bao cao su. Ở Việt Nam, theo một cán bộ Viện Xã hội học, khi trò chuyện với những người trẻ, họ cho rằng việc quan hệ tình dục trước hôn nhân không phải là vấn đề to tát mà là làm sao để an toàn.

“Càng trốn tránh thì càng khiến trẻ tò mò, lén lút. Rất dễ nhiễm cái xấu, hành vi lệch lạc nếu không được định hướng đúng đắn. Chính vì vậy, các trường như trên còn tổ chức những buổi nói chuyện về giới tính cho phụ huynh bởi chính họ là những người tiếp cận các em hiệu quả hơn nhà trường. Có nhiều giáo viên thừa nhận họ có thể giảng dạy cho học sinh về giới tính nhưng để chia sẻ với chính con mình thì rất khó” - ông Thảo nhìn nhận.

Theo ông Thảo, giáo dục giới tính càng sớm càng tốt và tùy từng lứa tuổi mà có cách giáo dục riêng, cần tổ chức thành những chuyên đề ngoại khóa và duy trì xuyên suốt, tránh áp đặt thành môn học mới mang tính đối phó. 

(Theo Người lao động)

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.