Học sinh giỏi và học sinh có vẻ giỏi
Trên FB của một cô bé học trò lớp 9 có dòng tâm sự đáng chú ý: "Thường nghe nói học là để có kiến thức chứ không phải vì điểm số. Vậy mà đánh giá một học sinh giỏi hay dở lại dựa vào điểm số. Vậy là saooo? @@"
Theo thông tin tôi biết, đây là trang nhà của một cô bé được rất nhiều giáo viên trong trường khen là chăm, ngoan học giỏi ... Có lẽ status này cô bé viết trong tâm trạng vừa bị điểm thấp một môn học nào đó và bị chê trách vì con điểm đó.
Là người làm công tác giáo dục, theo tôi, ở đây có 2 vấn đề cần quan tâm :
1. Thế nào là một học sinh giỏi (HSG)
2. Có thể đánh giá học sinh bằng điểm số hay không ?
Vấn đề thứ nhất :
Thế nào là một học sinh giỏi? Xin nói ngay - theo tôi - HSG phải là một học sinh biết làm thế nào để chỉ phải nhớ lượng kiến thức ít nhất, nhưng có thể giải quyết được nhiều thử thách trong học tập nhất. Nói cách khác, học sinh đó nắm được cái lõi cơ bản của kiến thức lớp mình đang học.
Tuy vậy, rất dễ nhầm giữa 2 dạng học sinh : “HS giỏi thực sự” và "HS có vẻ giỏi" do phải học quá nhiều (mà dạng 2 này thì hơi bị phổ biến).
Chính vì vậy, ngày hôm nay tụi nhóc phải đi học ngày, học đêm, học đến mụ mẫm cả người sao cho khi đến lớp "đạt được điểm giỏi" và có thể đạt danh hiệu “HS có vẻ giỏi” ở cuối HK, cuối năm … Nhưng khi gặp phải một vấn đề chưa được học thêm - dù cực kỳ đơn giản – cac em vẫn bí tịt.
Một phần khác, để giúp cho các em học sinh có thể giữ được cái "có vẻ giỏi ấy", một số thầy cô đành phải “sáng tạo” ra nào là đề cương, nào là dạng đề, nào là độc chiêu .... để giúp học sinh học như máy nhớ, mà hầu như không ai để ý rằng chúng ta đang biến HS mình dần trở thành một Robot mang hình dáng người.
Ngược lại, HS giỏi thật sự thì thường điểm lại không cao lắm trong học tập (đa phần chỉ ở mức độ khá) nhưng lại luôn thành công trong cuộc sống.
Vấn đề thứ 2 :
Tại sao lại phải đánh giá học sinh bằng điểm số, đơn giản các con điểm đó giống như thẻ vàng thẻ đỏ trên sân bóng đá mà thôi.
Chương trình học phổ thông, được thiết kế để cho các em có bộ não bình thường (không bị thiểu năng trí tuệ) có thể học và đạt mức độ điểm 5 dễ dàng.
Vậy thì điểm 3,4 giống như thẻ vàng "Bạn cẩn thận, bạn đang dưới chuẩn bình thường đấy" và điểm 0,1,2 giống như thẻ đỏ: "Bạn cần tạm dừng cuộc chơi để kiểm tra lại khả năng của mình đang có vấn đề trục trặc".
Do đó không nhất thiết tất cả các môn phải đạt điểm 9, 10, nhưng bắt buộc mọi thứ phải đạt 5 - chuẩn mực để không bị coi là không đạt chuẩn.
Xác định như vậy, con em và phụ huynh mình có thể cảm thấy thoái mái đón nhận điểm 10 môn toán, điểm 5 môn văn, điểm 7 môn hóa, điểm 6 môn lý ... mà chẳng phải bận tâm gì. Còn danh hiệu HSG, HSTT thì giống như danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, nó chỉ có ý nghĩa khen cho trận đấu đó, chứ không có nghĩa là cầu thủ đó là cầu thủ luôn xuất sắc.
Theo tôi, điều quan trọng nhất trong việc học đối với mỗi bạn HS làhãy trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực sở trường của mình, thế là tốt rồi.
Đó chính là lý do vì sao tôi rất thích bộ film Three Idiots (3 chàng ngốc) của Ấn Độ, một bộ film hài, nhưng lại có ý nghĩa giáo dục cực kỳ sâu sắc về vấn đề “Học sinh giỏi” và “học sinh có vẻ giỏi”.
PHẠM PHÚC THỊNH