Giúp học sinh tự giải quyết mâu thuẫn
Chuyên viên Như QUỳnh (đứng bên phải) trao đổi cùng học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Tiến
Chiều 17/4, Công ty Kỹ Năng Sống và Hội quán Các Bà Mẹ đã tổ chức buổi trò chuyện với học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Hàng trăm học sinh (HS) cùng các chuyên viên tâm lý đã sôi nổi thảo luận vấn đề:
Làm thế nào để học sinh có thể tự giải quyết mâu thuẫn ở trường học?...
Chuyện vặt hậu quả lớn
"Cô ơi, tự dưng bạn ấy nói em cười đểu và muốn gây sự", "Có bạn đòi đánh em, nói là em kiêu", "Bạn X. vô cớ bắt em không được tiếp tục làm thân với bạn Q.", "Có hôm em vô tình chạy xe qua, bắn tí đất lên quần của một bạn đi bộ, em đã xin lỗi rồi mà bạn ấy vẫn chưa chịu..."... Những mâu thuẫn nhỏ này được chủ tọa phân tích: Đối với lứa tuổi HS, xung đột thường nảy sinh từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Có những mâu thuẫn "nhìn thấy được" như sự bất đồng quan điểm trong học tập, trong những mối quan hệ hay trong cách ứng xử. Khi đó, sẽ có những cuộc tranh luận, cãi vã, mỗi người đều muốn bảo vệ quan điểm của mình. Những mâu thuẫn này có hai hướng phát triển. Hướng tích cực là người này đưa ra được những ý kiến hợp lý, thuyết phục được người kia tán thành, hai phía đều mong muốn tìm ra "vấn đề” của mâu thuẫn và sẵn sàng thừa nhận cái sai của mình, mâu thuẫn được giải quyết. Ngược lại, một trong hai hoặc cả hai bên đều khăng khăng giữ ý riêng của mình, biết sai nhưng không muốn sửa hoặc không chịu tranh luận với nhau cho đến cùng để tìm tiếng nói chung. Như vậy, mâu thuẫn sẽ không được giải quyết mà còn ngày càng lớn thêm, dễ kéo theo những mâu thuẫn khác và dẫn đến xung đột.
Có những mâu thuẫn "khó chịu" hơn, là những hiểu lầm, sự đố kỵ, ganh ghét hay ghen tuông nhưng không thể hiện ra, mà ngấm ngầm, âm ỉ. Nếu "đối tượng" nhận ra được qua những lời nói, cử chỉ, thái độ "bất thường" để tìm cách giải thích nhằm "hóa giải" thì mâu thuẫn được giải quyết. Ngược lại, khi đối tượng không hề biết mình đã bị "chĩa súng", vẫn ung dung, vui vẻ như mọi ngày, thế là hiểu lầm này nối tiếp hiểu lầm khác, mâu thuẫn càng ngày càng lớn, đến khi bùng phát thì rất khó "xử lý”.
Sự quan trọng của người thứ ba
Khi mâu thuẫn nảy sinh, tác động của người thứ ba thường mang lại tích cực. Người trong cuộc thường thiếu sáng suốt vì đang nóng giận, khó mà chịu nghe đối phương thuyết phục. Nhưng, nếu những lời hay lẽ thiệt được truyền đạt từ một người khác có đủ cả uy tín và thành ý thì sẽ dễ lọt tai hơn. Những mâu thuẫn có tính chất nghiêm trọng thì nên nhờ đến sự can thiệp của người lớn như thầy cô, bố mẹ để kịp thời giải quyết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người thứ ba đã có sẵn mâu thuẫn với một phía, lại can thiệp theo kiểu "đâm bị thóc, chọc bị gạo" làm cho mâu thuẫn càng gia tăng.
Đừng im lặng!
Theo cô Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành Chính, chuyên viên tư vấn tâm lý: "Nếu những mâu thuẫn đó được quan tâm giải quyết đến cùng, sẽ có tác động tích cực. Quá trình tìm cách hóa giải mâu thuẫn sẽ làm cho người ta gần nhau hơn, thân nhau hơn. Những mối quan hệ hay tình bạn nếu không có mâu thuẫn thì sẽ rất hời hợt, nhưng một khi đã có mâu thuẫn mà không giải quyết thì quan hệ sẽ ngày càng xấu đi".
Với tư cách người đi trước, cô Hoàng Ngọc Như Quỳnh - chuyên viên tư vấn tâm lý chia sẻ, khi mâu thuẫn xảy ra, đừng né tránh hay bỏ mặc nó. Có thể bằng cách này hay cách khác và nếu không thể tự mình hóa giải thì nên nhờ đến sự can thiệp, tư vấn của những người xung quanh mà bạn tin cậy.
Chuẩn bị tư thế
Để giải quyết mâu thuẫn, trước hết cần xác định được nguyên nhân và vấn đề cốt lõi của mâu thuẫn đó. Có thể tìm hiểu thông tin, thu thập ý kiến từ những người chung quanh, vì đã có hiểu lầm thì rất khó "khai thác" được nguyên nhân từ người trong cuộc. Khi đã làm rõ được vấn đề, hãy lập kế hoạch để tiếp cận đối tượng theo cách có thể làm cho đối tượng dễ dàng nhận ra thành ý của mình nhất. Sau đó tìm cách giải thích để hóa giải hiểu lầm, tìm sự cảm thông, chia sẻ từ đối tượng. Hiểu lầm mà được giải thích do những người ngoài cuộc thì bao giờ cũng dễ được chấp nhận hơn.
Cô Minh Huệ, chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục gia đình và thanh thiếu niên còn khuyên các bạn nên dùng thư viết tay. Khi viết thư, người ta dễ dàng nói ra được trọn vẹn ý của mình, thể hiện được tình cảm và thành ý. Nếu nói chuyện trực tiếp, đối tượng có thể khó chấp nhận vì đang cơn giận, chẳng chịu nghe bạn nói gì, nhưng khi đọc thư, có thêm thời gian để suy ngẫm, sẽ từ từ hiểu ra vấn đề...
Thế nhưng, không phải mâu thuẫn nào cũng có thời gian để lên kế hoạch giải quyết. Những trường hợp "bạo lực học đường" ở các trường gần đây hầu hết đều là những hành động bộc phát, thiếu kiềm chế. Do đó, cô Phạm Thị Thúy khuyên, các bạn cần biết quản lý cảm xúc của mình, để khi xảy ra xung đột có thể kiểm soát được bản thân. Bắt đầu từ những va chạm rất nhỏ thường ngày, hãy thay đổi suy nghĩ, phân tích sự việc theo hướng tích cực để có thể thông cảm với người khác. Ví dụ, khi bị bạn làm vấy mực vào áo, hãy nghĩ là bạn chỉ vô ý; hay khi bị va quẹt xe ngoài đường, đừng vội nổi nóng mà hãy nghĩ cũng có lúc mình suýt va vào xe người khác đó thôi. Từ những chuyện nhỏ, nếu kiểm soát được cảm xúc, khi gặp sự cố lớn, bạn cũng có thể dễ cảm thông và sẽ hành xử "khôn ngoan" hơn. Nếu bạn là người nóng tính hãy thử tập thở, hít vào thật sâu và thở ra thật chậm, nhiều lần cho đến khi bình tĩnh trở lại.
Không ai hoàn hảo và luôn luôn đúng. Vì thế, hãy biết lắng nghe và chia sẻ. Khi đã hiểu nhau thì người ta dễ dàng cảm thông hơn. Đặc biệt là trong gia đình, nếu thường xuyên trò chuyện về những gì diễn ra trong ngày, bố mẹ quan tâm và chia sẻ với con cái những câu chuyện ở lớp ở trường, các bạn HS sẽ cảm thấy mình được lắng nghe và đủ tin tưởng để khi xảy ra mâu thuẫn, sẽ tìm đến sự tư vấn của bố mẹ mình. Những định hướng của người lớn sẽ giúp các bạn biết cách giải quyết các mâu thuẫn một cách tốt nhất.
Hà Nam (Báo phụ nữ Online)