Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trồng người ở đây chính là phải tập trung giáo dục kỹ năng sống, trước khi giáo dục kiến thức cho học sinh. Thế nhưng, trong những năm vừa qua, ngành giáo dục nước ta chưa làm được như lời Bác dạy.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Viện Khoa học giáo dục, tổ chức biên soạn bộ tài liệu về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua một số môn học: địa lý, ngữ văn, giáo dục công dân, sinh học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đây là một chủ trương đúng nhằm cung cấp cho học sinh những kỹ năng cơ bản để ứng phó với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần phải phản biện lại vấn đề này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đưa bộ môn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào nhà trường là do nạn bạo lực học đường đã trở nên báo động. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ, chưa tìm đến nguyên nhân sâu sắc nhất. Theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa chính là tình trạng vô cảm của con người dưới sự tác động, chi phối của tiến bộ khoa học-công nghệ, của lối sống tiêu thụ, thực dụng.
Để việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả, cần phải thay đổi tư duy, tiếp đó là tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Giáo dục kỹ năng sống, theo cách hiểu hiện nay là giáo dục những cách ứng phó với những thử thách như: Tai nạn, điện giật, bị ngộ độc, động vật cắn, bị xâm hại tình dục, phòng, chống các tệ nạn xã hội… Theo chúng tôi, đây mới chỉ là mục đích trước mắt. Mục đích quan trọng nhất, lâu dài đó là hình thành nhân cách cho học sinh, trong đó quan trọng nhất là giáo dục tình thân ái và các ứng xử văn hoá.
Đối với nhà trường, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh có thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào tư chất, đạo đức và năng lực của thầy giáo, cô giáo. Muốn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tốt, trước hết, mỗi thầy giáo, cô giáo phải giáo dục cho học sinh bằng sự nêu gương. Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu trong ứng xử, trong giáo dục nhân cách. Trước hết, phải chấm dứt những hành động bạo lực, những ứng xử thiếu văn hoá của thầy giáo, cô giáo đối với học trò. Có như vậy, thầy giáo, cô giáo mới cung cấp cho học sinh những kỹ năng sống mà mình đã trải qua. Việc giáo dục này có thể bằng những nội dung trong giáo án, hoặc bằng những nội dung ngoài giáo án. Để mục tiêu này đạt hiệu quả, thì đội ngũ giáo viên cần phải có nghiệp vụ sư phạm giỏi. Có nghiệp vụ giỏi, thì ngay cả giờ dạy toán, vật lý, giáo viên cũng dạy cho học sinh kỹ năng sống theo cách của mình. Giáo viên phải nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc giáo dục học trò, không nên xem việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là vấn đề tạo nên gánh nặng công việc (điều quan trọng là biết cách kết hợp, lồng ghép để truyền đạt nội dung).
Bên cạnh nhà trường, gia đình và xã hội là hai môi trường thiết yếu quan trọng đối với việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, ứng xử cho học sinh. Một gia đình hạnh phúc, biết trân trọng các giá trị tinh thần sẽ giáo dục nên những đứa con ngoan, những học trò lễ phép. Ngược lại, gia đình thiếu hạnh phúc, coi nhẹ các giá trị tinh thần, coi trọng giá trị đồng tiền và vật chất, thậm chí thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực sẽ tác động tiêu cực đến tính cách, cách ứng xử của các em học sinh. Ngoài gia đình, xã hội phải thực sự vào cuộc để cùng phối hợp. Trước hết, xã hội giáo dục cho các em bằng những ứng xử giữa con người với con người, bằng sự tuân thủ (của tất cả mọi người) đối với pháp luật, bằng việc coi trọng các giá trị truyền thống… Xin nêu một ví dụ nhỏ, đó là việc bảo vệ môi sinh môi trường nơi công cộng. Hầu hết ở nước ta, ý thức bảo vệ của công, môi trường công cộng là rất kém. Chúng ta răn dạy học sinh về bảo vệ môi trường, nhưng khi đến công viên, đến những địa điểm du lịch thì vứt rác bừa bãi.
Để đạt được mục tiêu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Toàn xã hội phải coi trọng đến vấn đề này. Cần tập trung vào đào tạo các ngành xã hội-nhân văn, đây là gốc rễ của tình thân ái, của tinh thần nhân văn dưới mọi thời đại.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà