Bắt nạt học đường: Báo động!

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho học sinh

bat-nat-kynangsong

Cùng với sự phát triển của công nghệ, tình trạng bắt nạt học đường không còn gói gọn trong nhà trường mà ngày càng lan rộng ra ngoài xã hội, khiến các bậc cha mẹ thêm lo lắng. Điều đáng nói, dù là đứa trẻ bị bắt nạt (tạm gọi là Nobita) hay chuyên đi bắt nạt (Chaien), các em đều phải gánh lấy hậu quả và bị những tổn thương nghiêm trọng.

“Nobita” đáng thương

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Q.Bình Tân, TP.HCM) kể rằng, ở lớp, Minh Quân (13 tuổi) con trai chị, thường bị các bạn ép chơi trò oẳn tù tì ai thua phải cởi nút áo. Bạn nào không tham gia sẽ bị bạn “đầu gấu” giật đứt hết nút. Cả tháng trời, hầu như ngày nào Quân cũng làm mẫu cởi áo biểu diễn trước mặt các bạn gái. Xấu hổ nhưng cu cậu không dám kháng cự. Có lần các bạn dán hình xăm lên ngực Quân rồi chụp lại, sau đó đe dọa Quân không làm theo yêu cầu sẽ đưa ảnh lên Facebook để cả trường biết mặt “đại ca”. Lợi dụng bức ảnh, nhóm bạn này còn thường xuyên trấn lột tiền, ép Quân mua bánh trái. Vì sợ những lời đe dọa, Quân không dám mách với thầy cô, gia đình. Cho đến khi phát hiện con trai có dấu hiện hoảng loạn, né trách tiếp xúc với bạn gái, chị Trang dò hỏi mới rõ mọi chuyện.

Dù đã được nhà trường can thiệp nhưng Quân vẫn dè dặt, ngại tiếp xúc với bạn bè, kết quả học tập ngày càng sa sút. Để cứu vãn tình thế, chị Trang phải chuyển trường cho con.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Khanh, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu, thông thường những đứa trẻ bị bạn bè bắt nạt thường có những phản ứng hơi trái ngược so với ngày thường mà thông qua đó, cha mẹ có thể nhận ra. Chẳng hạn trước đây trẻ hoạt bát, cởi mở, nay trở nên lầm lì, nhút nhát, không hợp tác với cha mẹ. Đặc biệt là trẻ rất sợ đến trường và luôn mong muốn được chuyển nơi học.

Khi phát hiện trẻ bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ đừng quy lỗi, nghi ngờ trẻ, hay nghĩ rằng con mình đã khiêu khích người khác. Cần khuyến khích trẻ mạnh dạn kể lại câu chuyện, tìm hiểu lý do tại sao trẻ bị bắt nạt. Hãy phân tích giúp con nhận ra vấn đề và luôn đứng về phía con, đặt niềm tin vào con. Cha mẹ cần làm trung gian giúp con tìm sự chia sẻ, cảm thông từ những bạn bè khác. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích trẻ mạnh dạn “tố” sự việc với thầy cô, gia đình.

Cha mẹ cần tránh vì quá bức xúc mà xúi giục trẻ có những hành vi bạo lực chống lại hoặc la mắng trẻ. Những phản ứng tiêu cực của cha mẹ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực của trẻ.

Ngoài ra, chuyên viên tâm lý Lê Khanh khuyến cáo, trước tình trạng bắt nạt học đường ngày càng phổ biến, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Bởi nếu trẻ bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc. Trẻ bị tổn thương tâm lý trầm trọng có thể dẫn đến tự tử.

 “Chaien” tác quái

Chúng ta vẫn thường quan tâm, lo lắng đến những đứa trẻ bị bắt nạt, hướng dẫn phụ huynh cách xử trí, mà quên rằng những trẻ chuyên bắt nạt cũng cần được giúp đỡ. Thực tế, không ít các bậc cha mẹ tỏ ra lúng túng, bất lực khi con là Chaien.

Tình cờ đọc được tin nhắn trong điện thoại của con, chị Trần Thanh Hằng (H.Bình Chánh, TP.HCM) như chết lặng. Dòng tin “Đ.M, mai chị xử nó” cứ nhảy múa trong đầu chị mãi, điều làm chị thêm lo lắng là giáo viên chưa bao giờ phàn nàn về hạnh kiểm của con chị. Sau một thời gian theo dõi, chị phát hiện bé Thanh Mai (15 tuổi) con chị giao du với các anh chị lớp lớn và “dựa hơi” họ để bắt nạt bạn cùng lớp. Kết quả học tập của Mai bấy lâu nay đều từ uy hiếp bạn bè mà có. Sau nhiều lần răn đe, la mắng, con vẫn chứng nào tật nấy. Chị xin chuyển trường cho con, nhưng vào trường mới Mai vẫn không thay đổi, chị đành đưa con về quê nhờ ông bà quản lý.

Cùng nỗi khổ có con là "Chaien", chị Nguyễn Thị Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rối bời khi nhà trường thông báo Hoàng Phúc (14 tuổi), con trai chị được “đàn anh” bên ngoài bảo kê nên vào lớp tác oai tác quái với bạn bè. Mặc dù nhà trường cấm sử dụng điện thoại nhưng em vẫn ngang nhiên mang điện thoại vào lớp, bắt các bạn múa may theo yêu cầu của mình rồi chụp ảnh, quay clip đưa lên Facebook trêu chọc.

Chưa hết, Phúc còn uy hiếp để các bạn cho xem bài kiểm tra. Để tránh việc con giao du với bạn bè không tốt, chị xin cho con vào học nội trú, mỗi tháng chỉ về thăm nhà một lần. Thế nhưng, vào trường mới chưa được bao lâu, Phúc đánh bạn nên bị đuổi học. Vừa rồi, giận quá, chị cho con nghỉ học đưa lên chùa gửi (ông ngoại Phúc đang làm công quả trong chùa) để con tu tâm dưỡng tính.

Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, thông thường khi phát hiện con là "Chaien", cha mẹ luôn tìm cách giập tắt hành vi của trẻ. Nhiều người nghĩ rằng do môi trường ảnh hưởng đến trẻ, nên bắt trẻ chuyển trường hoặc cắt đứt quan hệ với bạn bè xấu, nhưng thực tế vấn đề không phải là môi trường mà đó còn là tính cách của đứa trẻ. Vì vậy, cần uốn nắn hành vi đứa trẻ thông qua điều chỉnh hành vi của người lớn. Trước hết cha mẹ nên xem lại cách giáo dục trong gia đình vì thường đây là những đứa trẻ được chiều chuộng quá mức.

Từ nhỏ trẻ đã học được tính hiếu thắng, ganh đua mình phải là kẻ mạnh, mình phải hơn bạn bè. Song song đó, cha mẹ xem lại cách cư xử trong gia đình. Cha mẹ tránh gieo vào đầu trẻ tính hơn thua, đố kỵ và tránh có những hành vi bạo lực trước mặt trẻ. Nhắc nhở trẻ về luật “nhân quả”, chẳng hạn con theo đứa lớn bắt nạt đứa nhỏ thì chính con cũng có lúc bị những đứa lớn kia bắt nạt, con luôn phải làm theo yêu cầu của chúng.

Với trẻ hay bắt nạt, ăn hiếp bạn, nếu không kịp thời uốn nắn, điều chỉnh sẽ để lại hậu quả nặng nề khi trẻ trưởng thành. Với hành vi sai lệch của mình, trẻ dễ rơi vào con đường hư hỏng, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ. Cha mẹ cần dạy trẻ biết cách tôn trọng người khác, tránh soi mói, chế giễu, hơn thua nhau. Đồng thời phải biết thương yêu, giúp đỡ khi người khác yếu hơn và thiệt thòi hơn mình. Cha mẹ phải là người nêu gương cho con cái về sự thân thiện và tôn trọng người khác trong ứng xử hàng ngày, đặc biệt phải quan tâm tới con cái nhiều hơn.

 NHƯ PHONG

=============================================

Nỗi ám ảnh nơi trường học

Trường học có còn an toàn và thân thiện? Câu trả lời là không, đặc biệt khi khái niệm bạo lực không chỉ đơn thuần là đánh đập, gây tổn thương về mặt thể chất. Bạo lực học đường đang trở thành nỗi ám ảnh với học sinh (HS) khi được “cộng thêm” những hành vi nhục mạ, đe dọa, vu khống, trách phạt… gây tổn hại nặng nề đến tinh thần trẻ. Đó là kết luận của tổ chức từ thiện Plan Việt Nam tại một nghiên cứu tiến hành trong sáu tháng trên 3.000 HS cấp THCS, THPT ở Hà Nội.

Công bố nghiên cứu này tại hội thảo “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng - Thực trạng và giải pháp” do Viện nghiên cứu Y - Xã hội phối hợp với Plan Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 11, kết quả là tiếng chuông báo động khi cho thấy:

- Học sinh từng bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần: 80%.

- Bạo lực tinh thần (nhục mạ, đe dọa, trách phạt, vu khống, sỉ nhục...): 73%.

- Bạo lực thể chất (tát, đá, đánh đập, xô đẩy, kéo tóc...): 41%.

- Bạo lực tình dục (tin nhắn có nội dung liên quan đến sex, sờ mó, hôn, yêu cầu sờ vào bộ phận sinh dục, tung tin đồn tình dục, hiếp dâm...): 19%.

- Bạo lực thể chất xảy ra với học sinh THCS (50%) nhiều hơn THPT (25%).

- Nữ sinh THPT thường bị xâm hại và quấy rối tình dục.

- Nơi kém an toàn nhất trong trường học: nhà vệ sinh.

- Đối tượng gây ra bạo lực học đường: chủ yếu là HS, đôi khi là giáo viên (GV) và nhân viên.

Tham gia chương trình nghiên cứu này, chỉ có 16% HS nữ và 19% HS nam cho biết mình cảm thấy an toàn trong trường học. Đáng lưu tâm là có trên 31% GV nam (khảo sát 461 GV chủ nhiệm/ 20 trường phổ thông Hà Nội) cho rằng, việc GV trừng phạt về thân thể và tinh thần như đánh, tát, mắng... HS trong một số tình huống nhất định, là chấp nhận được.

NGA LÂM

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.