Bạo lực học đường chờ “thuốc chữa” hiệu quả
(Hình ảnh minh họa trong phim Bóng Ma Học Đường)
Bạo lực học đường đang là một thực trạng nhức nhối và trở thành mối bận tâm của cả cộng đồng khi các giải pháp phòng chống tỏ ra chưa hiệu quả.
Buổi tọa đàm “Bạo lực học đường nhìn từ góc độ tâm lý” do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức giúp nhìn rõ hơn chân tướng của vấn nạn này.
Bạo lực sinh bạo lực
Một clip bạo lực được chiếu lên, trong đó ba nữ sinh xúm lại đấm đá một nữ sinh khác, hàng chục bạn bè đứng xem nhưng không ai can thiệp. Ông Trần Tuấn Huy, giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống YMCA, cho biết từng làm cuộc khảo sát tại hai trường THPT ở TP.HCM, kết quả là hơn 45% học sinh cho rằng bạo lực học đường là “bình thường” và hơn 30% cho là “chấp nhận được”.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhấn mạnh đến yếu tố “tiền sử bạo lực” của người gây bạo lực. Theo đó, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã cảm nhận được sự lưỡng lự phá hay giữ thai của bà mẹ và những hành vi bạo lực khác đối với mình. Một bà mẹ chăm sóc đứa con không mong đợi khác xa với cách chăm sóc dành cho thiên thần mơ ước, nên dù còn đỏ hỏn đứa bé cũng cảm nhận được.
Theo bác sĩ Thanh, trẻ sơ sinh bú mẹ không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn tăng kháng thể và phát triển tình thương mẹ con, nhưng tỉ lệ này tại Việt Nam thấp hàng đầu thế giới. Không ít bà mẹ gửi con từ 2-3 tháng tuổi để đi làm. “Nhiều cha mẹ nói với tôi rằng họ không thể dành cho con cái nửa giờ mỗi ngày vì công việc bận rộn” - bà Thanh kể. Không ít gia đình do ít con nên nuông chiều thái quá, “ông trời con” muốn gì là được nấy, ngoại trừ “giờ vàng” từ cha mẹ.
Ngược lại là cách áp đặt kỷ luật quá khắt khe, có những trẻ đạt dưới 9 điểm trong học tập đã phải ăn đòn. Không ít trẻ bị cha mẹ “dạy” bằng cách đánh mắng hằng ngày. Ngoài ra, người ta quan sát thấy trẻ bạo lực thường học tập yếu kém, thiếu các kỹ năng xã hội, từ đó bị bạn bè chối bỏ. “Các trẻ này dùng sức mạnh của bạo lực để tỏ ra anh hùng trước bạn bè mình” - bà Thanh nhìn nhận.
Theo ông Huy, để xoa dịu nỗi đau và cô đơn, không ít trẻ lao vào rượu, ma túy và game online. Trong khi đó, có tới 77% trò chơi game online phổ biến tại Việt Nam có nội dung bạo lực. Không riêng gì game mà trên tivi cũng đầy những bộ phim với nhiều cảnh bạo lực khủng khiếp.
Một bạn trẻ phát biểu tại buổi tọa đàm
Thiếu giải pháp hiệu quả
Ngoài các nguyên nhân “bạo lực sinh bạo lực”, bác sĩ Thanh còn cảnh báo tình trạng bạo lực do sự bột phát của cơn giận bị dồn nén. Tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều trẻ hễ giận lên là đánh cha mẹ và cả bác sĩ. Nếu cơn giận bột phát khiến trẻ có hành vi bạo lực, thậm chí giết người, thì khi cơn giận được “nuốt” vào bên trong và dồn nén làm trẻ rất dễ bị trầm cảm và có nguy cơ tự sát.
Nhưng nguy hiểm nhất là khi những cơn giận vừa đi vào bên trong lẫn bột phát ra ngoài. Rõ ràng, trong môi trường sống còn nhiều vấn đề xã hội phức tạp ngày nay, trẻ luôn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực phát sinh. Trong khi đó, hiện rất khó tìm được những nơi dạy trẻ cách ứng phó với những cảm xúc tiêu cực của mình, và bạo lực xảy ra như là sự bùng nổ của stress.
Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng hiện chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn này. “Tôi thấy người ta vẫn giải quyết các vụ bạo lực học đường theo cách của nhiều năm về trước” - chị Phương Thảo, một cựu giáo viên, tỏ ra rất bức xúc. Xử lý kỷ luật học sinh gây ra bạo lực, theo chị, là không phù hợp, bởi vì đây là đối tượng cần được hỗ trợ chứ không phải bị đẩy ra khỏi môi trường giáo dục để trở thành mầm mống tội phạm trong tương lai.
Một giải pháp hợp lý, theo ông Huy, phải liên quan đến cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cần kíp nhất hiện nay là trang bị kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống và giá trị sống cho trẻ. “Cha mẹ cũng cần học và thực hành kỹ năng làm cha mẹ và các giá trị sống để cùng trẻ phát triển” - ông Huy nói. Nhưng hiện tại còn quá ít địa chỉ có thể giúp trang bị cho họ những điều “mơ ước” đó.
Nguồn: Tuổi Trẻ