100.000 học sinh đến với chương trình "Văn hóa ứng xử học đường"
Với hành trình đi qua 30 trường THCS, THPT trên toàn quốc từ giữa tháng 4-2011 đến cuối tháng 5-2011, chương trình "Văn hóa ứng xử học đường" đã đến với khoảng 100.000 học sinh với những thông điệp ý nghĩa do các nhân vật nổi tiếng, uy tín chia sẻ.
Vào tối nay (15-6), chương trình "Văn hóa ứng xử học đường" tổng kết chặng 1 tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM.
Chương trình "Văn hóa ứng xử học đường" do Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội quán Các bà mẹ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn phối hợp tổ chức.
Những diễn giả đồng hành thường xuyên cùng chương trình gồm GS.TS Trần Văn Khê, chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy (thạc sĩ Xã hội học, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM), nhà văn - nhà báo Thúy Ái.
Trong buổi tổng kết, các khách mời gồm: GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Vũ Gia Hiền và nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc đã chia sẻ những góc nhìn, suy nghĩ về vấn đề văn hóa ứng xử học đường hiện nay.
GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Nhiều gia đình ngày nay lo lắng đến đời sống vật chất nhiều quá! Họ lo cho con cơm no áo ấm, thậm chí là áo đẹp nhưng đó mới chỉ là đời sống vật chất và còn thiếu đời sống tinh thần. Thầy cô dạy học trò viết văn, làm toán chứ ít dạy học sinh cách ứng xử, đạo lý. Tôi mong thầy cô dạy học trò bằng giảng giải chứ không áp đặt. Mong cha mẹ dạy con đừng dùng roi vọt mà hãy làm gương, giải thích, hãy làm lan can cầu - không phải để ngăn cấm con bước qua mà là để đỡ cho con khỏi té ngã".
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Chúng ta đang bức xúc với những vấn đề của văn hóa ứng xử học đường hiện nay và đôi khi chính truyền thông cũng có lỗi. Bên cạnh việc góp phần rất tốt cảnh tỉnh, báo động, truyền thông có lúc thổi phồng sự việc. Chính những chương trình như "Văn hóa ứng xử học đường" sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ ràng sự thật để không quá hoảng loạn và tìm ra cách giải quyết phù hợp. Nhiều cha mẹ hiện nay xem việc giao con cho nhà trường như một bản hợp đồng kinh tế và việc dạy con là việc của nhà trường. Trong vấn đề giáo dục học sinh, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.
Là diễn giả quen thuộc trong hành trình đi qua các tỉnh thành của chương trình, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM - trăn trở: “Có rất nhiều em hỏi tôi tại sao thầy cô giáo ở trường lại đối xử phân biệt với bọn em, tại sao ba mẹ em dạy em nói lời hay ý đẹp mà nghe ba mẹ nói chuyện với nhau lại không đẹp chút nào. Thật sự khó để trả lời các em khi nhiều người lớn trong chúng ta lại không làm gương cho con trẻ”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - hội trưởng Hội quán Các bà mẹ cho biết, chương trình "Văn hóa ứng xử học đường" chặng 2 dự kiến khởi động vào tháng 9-2011 và kéo dài đến tháng 11-2011, tiếp tục đi qua khoảng 30 trường THPT và THCS. Các buổi trao đổi sẽ tập trung hơn nữa phần tương tác với học sinh, chương trình được xây dựng hoàn chỉnh hơn... GS.TS Trần Văn Khê sẽ tiếp tục đồng hành xuyên suốt chương trình khi sức khỏe còn đảm bảo.
TRUNG UYÊN - ĐỖ THU THẢO