"M\u1eb9 \u01a1i con s\u1eafp ch\u1ebft, qu\u1ea7n con c\u00f3 m\u00e1u"
Lần đầu dính 'đèn đỏ', con gái run bần bật, mặt cắt không còn giọt máu.
Gặp tôi ở một quán cafe quen, cô bạn thuở Đại học ríu rít chào hỏi rồi ‘tám’ đủ chuyện 'trên trời, dưới biển' về chồng và cô con gái tuổi 'ổi ương'. Nghe bạn kể chuyện về kỳ nguyệt san đầu tiên của con gái, tôi ngồi cười 'rũ rượi' nhưng rồi thoáng ngẫm ngợi khi nhận ra rằng, một số trẻ em Việt còn thiếu kỹ năng quá!
“Đến nhà bác Hai chơi, đang vui vẻ kể chuyện trường lớp thì mặt Trà My (con gái bạn tôi) bí xị lại rồi kêu thất thanh: Mẹ ơi, quần con có máu…. con sắp chết rồi. Nghe con kêu, cả nhà mặt cắt không còn giọt máu, quýnh quáng chạy đến xem xét tình hình... Rồi cùng mỉm cười, thở phào khi phát hiện ra ‘thủ phạm’ trong khi con vẫn đứng run bần bật, miệng mếu máo vì nghĩ mình sắp chết”
Cha mẹ cần trang bị kiến thức giới tính cho bé gái trước tuổi dậy thì (Ảnh minh họa).
Con gái bạn tôi năm nay mới học lớp 5. So với bạn bè đồng lứa, cô bé có phần trội hơn về chiều cao nên thường bị bạn bè gọi là 'My sếu'. Chỉ đơn giản nghĩ rằng, con nhỉnh hơn bạn chẳng đáng lo. Vì vậy, chính bạn tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi con gái dậy thì sớm.
Cứ 'đến tháng' của con là bạn tôi lại bận rộn lo mọi thứ từ gói gém 'bánh' bỏ vào cặp cho con và dặn từng ly từng tí... đến ngày đôi ba lần phải 'chạy vội' đến trường, đưa con vào nhà vệ sinh, giúp con 'thay phụ kiện'. "Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nó đâu đã hiểu cái gì là kinh nguyệt hay bệnh phụ nữ. Mình mà không giúp nó thì bung bét hết. Có hôm mẹ chở đi học, trên đường đi con cứ nhấp nhổm, bất an rồi hồn nhiên hỏi rõ to: Mẹ ơi, máu chảy ướt hết quần rồi… sau đó, loay hoay với cái quần ‘đẫm máu’ mà đến thương hại”, bạn tôi than thở.
Thiếu kiến thức về giới tính, bé gái hoảng loạn, lo sợ hoặc nghĩ mình sắp chết… khi thấy nguyệt san lần đầu tiên là ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Do vậy, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho trẻ càng sớm càng tốt, trước khi trẻ có kinh lần đầu. Thông thường, bé gái sẽ có những dấu hiệu dậy thì như: phát triển cơ quan sinh dục và phát triển ngực...
Đặc biệt, cần hướng dẫn trẻ cách chăm sóc 'tam giác vàng' hàng ngày trong kỳ kinh. Theo các bác sĩ, khá nhiều trẻ gái 10 - 12 tuổi đã bị viêm nhiễm âm hộ do vệ sinh không đúng cách. Một số trường hợp còn bị sưng tấy vùng âm hộ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến dính âm hộ, âm đạo, nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng, gây vô sinh, có thai ngoài tử cung...
Chu kỳ kinh nguyệt của bé gái không đều khi mới có. Có thể 3 - 4 tháng mới có một lần nên cha mẹ cũng cần 'lên dây cót' để trẻ bớt lo lắng. Lưu ý, trường hợp trẻ ra quá nhiều máu, cần đưa đi khám ngay vì rất có thể trẻ bị băng kinh, băng huyết hay rong kinh kéo dài...
Thêm nữa, các bậc phụ huynh nên trò chuyện với con để chuẩn bị tâm lý và những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giới tính cần thiết cho trẻ. Nhờ đó trẻ có thể sẵn sàng và an tâm đón nhận sự phát triển của cơ thể.
BS chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trẻ gái dậy thì sớm có những nguy cơ về các bệnh liên quan đến buồng trứng, tử cung... vì hoocmon sinh dục hoạt động sớm hơn bình thường. Do đó, cha mẹ cần chú trọng đến vấn đề trang bị cho các em các kiến thức về giới tính, kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng về sức khoẻ sinh sản, phòng tránh lây nhiễm qua đường tình dục và tránh sự xâm hại. Theo Lao động & Xã hội |
Vân Anh