Yêu vẫn … học tốt!
Không yêu không phải là sinh viên. Câu truyền miệng đó làm nhiều bạn sinh viên vừa háo hức, vừa lo ngại! Bố mẹ dặn trước khi nhập học là không nên yêu, yêu ảnh hưởng đến học lắm.
Thậm chí có phụ huynh còn tuyên bố xanh rờn “Biết yêu là cắt viện trợ”. Nhiều anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm “thất tình kèm học kém”, “tình yêu sinh viên không đi đến đâu cả, rồi cũng sẽ tan vỡ sau khi ra trường”…
Những lời nhắc nhở của bố mẹ, của anh chị đi trước rất có lý. Vì thực tế nhiều bạn vì yêu mà học hành sa sút. Nhất là khi giận hờn, chia tay… thì sự tập trung cho việc học ảnh hưởng thấy rõ. Lên lớp lơ đãng, bài vở bỏ trống, …chán học, mất phương hướng, cô đơn…Thậm chí có bạn vì yêu kiểu sinh viên, không ai quản lý, nên đã khôn ba năm dại …15 phút, dẫn đến hậu quả đánh mất “sự trinh trắng”, có thai ngoài ý muốn, nạo hút thai… ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tương lai. Có trường hợp thai to phải cưới vội và chào tạm biệt thầy cô, bạn bè để lo làm cha mẹ trẻ!
Hậu quả nghe có vẻ rất bi đát. Nhưng chả lẽ lại không yêu? Mà không yêu không được. Xuân Diệu từng thốt lên: Làm sao sống được mà không yêu? Sinh viên là lứa tuổi đẹp nhất, lãng mạn nhất, dễ rung động nhất… Vì vậy khóa cửa trái tim là một việc không thể làm. Cha mẹ cấm con yêu là một việc làm không tưởng. Bản thân mình tự nhủ đừng yêu cũng là một việc vô cùng khó. Vì sự rung động con tim chẳng phải muốn là được, chẳng phải bảo đừng là xong.
Vậy vấn đề là làm sao yêu mà vẫn học tốt?
1. Tình yêu của bạn phải là tình yêu thực sự. Yêu thực sự sẽ giúp hai bạn luôn mong muốn và cố gắng làm điều tốt đẹp nhất cho người kia. Yêu thực sự cũng giúp chính bạn tự phải hoàn thiện mình để mình đẹp hơn trong mắt người kia. Như vậy, tiêu chí để đo tình yêu thực sự đó là hai bên cùng “lớn lên”. Hai bạn yêu nhau theo thời gian thấy càng học tốt hơn, càng them yêu cuộc sống hơn, càng làm được nhiều việc tốt cho nhau và cho mọi người xung quanh hơn thì đó là dấu hiệu rõ nhất chứng tỏ các bạn đang yêu nhau thực sự. Yêu thương thực sự cần có thời gian xác định tình cảm hai bên. Bạn đừng vội theo tiếng sét ái tình mà say men. Thời gian là thước đo tốt nhất cho tình cảm. Khi xác định hai bên cùng yêu chân thành, lúc đó bạn nói lời đồng ý yêu nhau cũng chưa muộn. Giai đoạn tình trong như đã, mặt ngoài còn e, hay còn gọi là giai đoạn tán tỉnh, chinh phục nhau rất đẹp, rất lãng mạn, và rất cần thiết cho sự bền vững của tình yêu. Nhiều bạn sinh viên gặp nhiều hậu quả trong tình yêu chủ yếu vì không xác định chính xác tình cảm, chỉ yêu theo cảm tính, nên mối tình thường “chóng đến, chóng đi” và làm hai bên ít nhiều đau khổ, hụt hẫng. Ai yêu cuồng sống vội càng nguy hiểm hơn khi chưa thực sự yêu nhau đã trao nhau tất cả. Hậu quả những lần nạo hút, những đứa con ngoài ý muốn là chuyện dễ xảy ra. Nhiều bạn đã trót trao thân cho người yêu, nay người yêu bỏ, nên sợ tương lai chẳng ai yêu mình thất vọng dẫn đến chán sống, buông thả, tự tử, …
2. Bạn cần xác định yêu và học là hai chuyện khác nhau. Con người sống không thể không yêu. Nhưng con người cũng không thể không có tương lai. Muốn có tương lai cần tự lập. Muốn tự lập phải có kiến thức, có năng lực. Học trên ghế nhà trường là một trong những cách tích lũy kiến thức có hệ thống, được công nhận qua bằng cấp, cơ hội làm chủ cuộc sống sẽ cao hơn… Bạn đã và đang là sinh viên, con đường học tập để chuẩn bị bước vào cuộc sống rất rộng mở. Nếu bạn chỉ biết yêu và cuộc sống của bạn xoay quanh tình yêu sẽ có lúc bạn thất vọng. Tình yêu không phải sự vĩnh cửu, người yêu không phải là người chi phối suốt cuộc đời bạn. Chỉ có chính bản thân bạn mới là quan trọng nhất đối với bạn, quyết định bạn sẽ là ai, bạn sẽ sống như thế nào. Tự lập là tin vào chính mình, chỉ dựa vào chính mình để bước trên đường đời. Dù trên chuyến xe cuộc đời ta có yêu ai đó, lấy ai đó thì người đó cũng chỉ là người bạn đồng hành. Và họ chỉ có thể đồng hành với ta trong một quãng đường nào đó. Ngay cả khi về già cũng sẽ có người phải ra đi trước người kia và một người ở lại phải tự bước tiếp. Bạn xác định được như vậy bạn sẽ biết cách phân chia thời gian, phân chia sự quan tâm cho việc yêu và học hợp lý. Và nếu yêu có vấn đề cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc học, vì bạn đã có mục tiêu học vì chính bạn, cho bạn.
3. Khi yêu cần có cả tình cảm và lý trí. Nếu chỉ yêu bằng tình cảm thì dễ đi sai đường như người mù lạc lối. Những lúc tình yêu có sóng gió, càng cần lý trí của bạn để biết cách giữ gìn tình yêu, bảo vệ tình yêu. Lúc này sự hiểu biết do việc học mang lại sẽ giúp lý trí của bạn tỉnh táo vượt qua những khó khăn trong cảm xúc, những thử thách của tình yêu. Vì vậy bạn cần nhớ, chịu khó học hỏi cũng là cách giúp ta nuôi dưỡng tình yêu sinh viên đến bến bờ hạnh phúc. Giống như lúc bạn bị rơi xuống hố, nếu bạn buồn chán vì tình mà bạn quên học là bạn đang chìm sâu hơn xuống hố. Nếu bạn lao vào học để quên buồn cũng giống như bạn đang tìm cách ra khỏi hố. Tìm niềm vui ở việc học sẽ giúp bạn sáng suốt hơn và bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tình yêu. Khi bạn buồn vì yêu đừng quên tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, thầy cô, và các chuyên viên tâm lý. Bạn sẽ được họ lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm và họ sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát vấn đề rắc rối của mình và từ đó bạn sẽ tự nhận ra bạn cần phải làm gì để giải quyết. Tất nhiên đừng vội trao tâm sự cho người bạn chưa tin cậy.
Bạn hoàn toàn có thể vừa yêu vừa học tốt.
Tôi khẳng định điều này vì tôi đã trải qua mối tình đầu 8 năm, từ năm thứ nhất đại học đến khi kết hôn. Tôi luôn xếp hạng top 5 trong lớp nhờ người yêu tôi giúp đỡ rất nhiều. Mối tình của chúng tôi rất nhiều sóng gió, nhiều nỗi buồn, niềm vui nhưng mỗi lần vượt qua chúng tôi thấy may mắn hơn vì được yêu nhau. Và chúng tôi đang yêu nhau thêm 9 năm nữa cùng 2 em bé dễ thương. Tôi làm được vì tôi đã thực hiện 3 việc trên. Tôi làm được bạn cũng làm được!
Chúc các bạn luôn hạnh phúc trong tình yêu và học ngày càng đạt kết quả cao hơn nhờ sự “lớn lên” trong tình yêu chân thành!
Ths. Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính