Làm thế nào để thi đạt điểm cao?
Đây là câu hỏi mà mọi người đi học đều muốn có câu trả lời. Tôi xin chia sẻ cùng các bạn một vài kinh nghiệm của bản thân, và hy vọng nó có thể giúp ích phần nào cho các bạn trong mùa thi sắp tới.
Ths. Xã hội học Phạm Thị Thuý
Muốn làm bài thi với các môn xã hội đạt điểm cao trước hết chúng ta cần xem giảng viên đánh giá một bài thi như thế nào.
Về mặt nội dung, giảng viên yêu cầu bài thi phải đúng và đủ ý, có liên hệ thực tế. Các bạn lưu ý đúng và đủ ý ở trình độ đại học khác với phổ thông. Đúng và đủ ý trong giáo trình hay trong vở ghi chưa đủ mà cần mở rộng kiến thức, phân tích, bình luận, so sánh với các kiến thức liên quan trong và ngoài môn học. Và bạn sẽ vận dụng kiến thức đó trong thực tế như thế nào? Có thể phân tích một vài ví dụ thực tế dựa trên kiến thức mà câu hỏi thi đề cập tới.
Về mặt hình thức, giảng viên cần đọc một bài thi, sạch sẽ, thoáng, rõ ý, không sai chính tả. Văn phong trong sáng, dễ hiểu. Câu văn ngắn gọn.
Những yêu cầu này chắc cũng không xa lạ với các bạn nhưng trên thực tế lại rất nhiều bạn mắc lỗi.
Tôi có thể ví dụ một số trường hợp mà khi chấm bài tôi đã gặp phải:
Trường hợp 1:Viết thiếu ý, hoặc không cân đối giữa các ý. Các ý đầu phân tích rất kỹ, các ý sau chắc do hết giờ nên viết rất sơ sài.
Trường hợp 2: Hỏi gì trả lời nấy, y hệt giáo trình mà không phân tích mở rộng. Có thể đây là trường hợp quay bài và không có kiến thức trong đầu. Hoặc người viết không có tư duy sáng tạo.
Trường hợp 3: Gạch đầu dòng các ý. Lỗi này thường mắc phải ở các bạn học khối A. Các bạn học khối A có lợi thế tư duy rõ ràng, logic, nhưng nếu gạch đầu dòng các ý khi làm bài các môn xã hội nên hạn chế tối đa. Các bạn nên triển khai các ý đó thành các đoạn văn.
Trường hợp 4: Trình bày lộn xộn giữa các ý, lặp lại ý.
Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác như: Chữ viết cẩu thả, sai chính tả, hoặc viết câu cụt, viết tràn hết lề, viết liền mạch không xuống dòng…
Vậy để có điểm cao chúng ta cần làm bài thi như thế nào?
- 1.Trước khi thi
- Nghe giảng tập trung, ghi các ý quan trọng trong lời giảng của giảng viên và lời trao đổi của các bạn trong lớp. Chúng ta không chỉ học từ giảng viên, mà rất nhiều bạn trong lớp có những ý tưởng hay, mở rộng, làm phong phú lý thuyết. Đặc biệt chú ý đến các câu hỏi gợi mở, những ý liên hệ thực tế. Vì đây sẽ là những tư liệu quý khi làm bài.
- Thường xuyên duy trì thói quen đọc bài cũ và bài mới trước khi đến lớp.
- Đọc tài liệu tham khảo đã được giáo viên hướng dẫn.
- Làm đề cương ôn tập chi tiết theo ngân hàng câu hỏi. Các bạn làm ngay từng câu theo từng bài học trên lớp là tốt nhất. Đây là cách mà sinh viên chăm học thường làm, nhưng cũng là cách cho những người ít thời gian dành cho việc học nên làm. Vì nó tiết kiệm rất nhiều thời gian khi mùa thi tới, mà hiệu quả lại rất cao. Chúng ta làm ngay sẽ không bỏ qua những gợi ý hay trên lớp và những ý tưởng của chính chúng ta khi nghe giảng. Nếu gần thi các bạn mới làm thì những ý tưởng đó đã không còn nữa, và việc làm đề cương sẽ rất vất vả với những kiến thức học rồi mà như mới.
- Chuẩn bị sức khoẻ tốt và tinh thần thoải mái trước khi thi. ốm yếu, căng thẳng, lo lắng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của các bạn khi làm bài. Chỉ có sự tự tin, thoải mái sẽ giúp các bạn phát huy tối đa trí tuệ của mình để đạt điểm cao nhất.
2. Trong khi thi:
- Khi đọc đề thi cần đọc kỹ và vạch dàn ý sơ lược các ý cần thiết theo yêu cầu của đề. Đây là điều mà chắc ai cũng biết nhưng ít chịu làm vì coi thường tầm quan trọng của nó. Việc làm này giúp các bạn không bỏ sót ý khi viết, và cũng để chúng ta cân đối thời gian cho từng phần của bài thi, tránh tình trạng thiếu ý hoặc thiếu thời gian.
- Suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút viết, đặc biệt là các dòng chữ đầu tiên, giảng viên đánh giá bài làm của bạn qua phần mở đầu này đấy.
- Viết rõ ràng từng ý, phân đoạn giữa các ý. Viết theo cách có nêu, phân tích, lấy ví dụ thực tế chứng minh, so sánh, liên hệ giữa các kiến thức liên quan. Các bạn viết đủ ý trong giáo trình hay trong vở ghi thì mới đạt một nửa yêu cầu. Đây là một yêu cầu mà một sinh viên đại học phải đạt được.
- Điều đặc biệt quan trọng là liên hệ giữa kiến thức trong câu hỏi thi với thực tế. Phần này thường là phần kết của mỗi câu trả lời. Sự liên hệ này chứng tỏ cho giảng viên thấy bạn hiểu kiến thức lý thuyết và có tư duy thực tế. Kiến thức phảI được vận dụng trong cuộc sống nếu không nó chỉ là sự giáo điều.
- Chú ý hình thức của bài thi, chữ viết rõ ràng, sạch, không sai chính tả. Bài thi trông thoáng và sạch sẽ. Lề nên để to, chỗ xuống giữa các đoạn rõ ràng để giảng viên nhìn thấy ý của bài viết. Điều này rất quan trọng trong việc lấy được cảm tình của giảng viên và bạn có cơ hội được điểm cao hơn mức mà bạn làm được các điều kiện trên.
Trên đây là một số kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ với các bạn. Tôi rất mong trao đổi cùng các bạn, cùng nhau tìm ra cách tối ưu nhất để thành quả học tập của chúng ta được như ý.
Phạm Thị Thuý
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.