Sinh viên làm thêm – bài sát hạch ý thức nghề nghiệp của tương lai

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho sinh viên

 

sinhvien

“Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường, bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số, thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm…”,những âm điệu ấy cứ thấp thoáng ngân lên đâu đó trong các xóm trọ sinh viên - nơi đã cưu mang không biết bao nhiêu người con từ những vùng đất khó khăn bước vào Sài thành tìm kiếm những tương lai tươi sáng…

Trong thời buổi khó khăn hiện nay, không chỉ sinh viên nghèo, mà ngay cả những sinh viên thuộc gia đình khá giả cũng bương chải đi làm thêm để tự trang trải tiền học phí, tiền sinh hoạt hằng ngày của bản thân mình. Sinh viên đi làm thêm là điều tích cực và đáng được khuyến khích, tuy nhiên các bạn cần phải biết cách dung hòa giữa học tập và làm việc để mục tiêu nào cũng về tới đích.

Từ kiếm sống…

Đối với mỗi sinh viên được bước chân vào giảng đường đại học là cả một niềm vui bất tận, kéo theo sự tự hào cho cả gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng niềm vui đó không kéo dài lâu vì không phải cuộc sống của sinh viên nào cũng suôn sẻ, dễ dàng, đặc biệt với những sinh viên ra đi từ những miền quê nghèo quanh năm chống chịu với thiên tai. Áp lực học tập, bài vở, áp lực tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà… làm cho đời sống sinh viên có rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp sinh viên phải bỏ học giữa chừng vì không vượt qua những áp lực đó.

Cuộc sống đắt đỏ, sự chu cấp gia đình có hạn và sự khao khát vươn ra xã hội nhằm phát triển bản thân… là những lý do cơ bản và chính đáng để sinh viên có thể thực hiện việc làm thêm của mình. Do đó, đi làm thêm như là một nhu cầu, là động lực hay thậm chí là điều không thể thiếu đối với không ít sinh viên. Tuy nhiên làm thêm thế nào để vừa đảm bảo cuộc sống, vừa tích lũy kinh nghiệm lại vừa không ảnh hưởng tiêu cực đến việc học trong thời buổi hiện nay thì không phải ai cũng làm được.

Hiện sinh viên có rất nhiều hình thức làm thêm: bán thời gian, cộng tác viên, toàn thời gian, làm theo mùa vụ, một số ít đứng ra tự kinh doanh… Tuy nhiên, trên thực tế hình thức làm bán thời gian được đa số sinh viên lựa chọn. Bởi đặc thù của loại hình công việc này chưa yêu cầu nhiều về trình độ, kinh nghiệm, thời gian lại linh động nên sinh viên dễ dàng phân bổ được với lịch học trên giảng đường hay tham gia hoạt động các phong trào ở trường.

… đến thành nhân

Chúng tôi biết một bạn sinh viên tên là Thông quê Nghệ An, nhà rất nghèo lại mồ côi bố. Ở quê mẹ Thông chỉ làm ruộng nên việc lo cho Thông vào TP.HCM ăn học là điều ngoài khả năng. Ý thức được sự khó khăn của mẹ cùng sự kỳ vọng của gia đình, ngay từ những ngày đầu nhập học, Thông đã đi tìm việc làm ngay và được nhận vào làm giữ xe ở một trường ngoại ngữ. Sau một thời gian dài làm tốt công việc, Thông được trường tạo điều kiện vừa học Anh văn vừa làm việc tại trường, chỉ 2 năm cậu đã lấy được bằng TOIEC 600. Và hiện nay Thông sắp tốt nghiệp Học viện Hành chính chuyên ngành quản lý tổ chức nhân sự với tấm bằng loại khá. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho thành quả của một người sinh viên vượt khó, học tốt…, cũng là một trong những hình ảnh điển hình trong giới sinh viên nghèo biết vươn lên trong học tập hiện nay.

Làm thêm là việc nên làm và sinh viên cần nhận được sự quan tâm, động viên từ phía gia đình và người thân. Biết đi làm thêm thời sinh viên sẽ giúp các bạn có trách nhiệm với bản thân, gia đình và tương lai hơn. Kinh nghiệm của những người đã thành đạt trong xã hội chia sẻ trên các diễn đàn cho thấy đa số họ đều đi làm thêm thậm chí là làm thêm rất nhiều nghề từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cuối cùng, chúng tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng, sinh viên muốn thật sự việc làm thêm đem lại cho mình những điều tốt đẹp hãy làm việc bằng cái tâm, sự cần cù siêng năng và có trách nhiệm. Có thể đó không phải là công việc suốt cuộc đời này của bạn nhưng đó là bài sát hạch về ý thức nghề nghiệp trong tương lai của bạn!

Box:

Để việc đi làm thêm không ảnh hưởng đến học tập, đi làm thêm vẫn học tốt, sinh viên cần lưu ý một số điểm sau:

1. Muốn có công việc làm thêm tốt mà vẫn đảm bảo việc học tập, trước tiên các bạn hãy sắp xếp thời gian biểu việc học một cách cụ thể và rõ ràng. Có thời gian biểu cho việc học sẽ giúp sinh viên xác định được khoảng trống thời gian có thể dành cho việc làm thêm. Xác định mục đích đi làm thêm để làm gì rất quan trọng. Từ đó sinh viên có thể lựa chọn công việc phù hợp với mình về thời gian và mục đích.

2. Kiên trì tìm việc phù hợp, không nên mất thời gian vào những công việc mà bạn biết trước là sẽ ảnh hưởng xấu đến việc học, lấy mất thời gian trong thời khóa biểu học tập chính khóa của bạn.

3. Sinh viên cần thận trọng tìm hiểu kỹ môi trường mình sẽ làm thêm để tránh bị lợi dụng, lạm dụng, lừa đảo… tiền mất tật mang. Các bạn nên đến những địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy, như Trung tâm giới thiệu việc làm của Hội Sinh viên, các nhà văn hóa sinh viên, thanh niên…

4. Đối với những sinh viên có kỹ năng mềm, trình độ Anh văn, Tin học tốt, hãy mạnh dạn tự tin chuẩn bị hồ sơ dù chưa có bằng đại học, cao đẳng… để trở thành các ứng viên tuyển dụng vào các vị trí yêu thích ở các công ty khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Ở đó sinh viên không có gì để mất mà nhận lại được rất nhiều từ kinh nghiệm giao tiếp, công việc, mở rộng mối quan hệ xã hội và thực tế là rất nhiều sinh viên dù chưa tốt nghiệp vẫn khẳng định được chỗ đứng ở nhiều doanh nghiệp.

Hơn nữa, xu thế hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng tuyển dụng các cộng tác viên về các lĩnh vực chuyên môn đối với các sinh viên năm 3, năm 4 có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Như quỹ đầu từ IDG Ventures Việt Nam, Công ty cổ phần dệt may Thành Công, Intel Việt Nam, Renasas, TMA… Cơ hội được tiếp xúc với môi trường làm việc năng động, nhất là trong những tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp sinh viên “cứng cỏi” hơn trong công việc, kinh nghiệm cuộc sống cũng đa dạng, phong phú hơn. Từ đó, việc học nhờ được tương tác giữa lý thuyết và thực hành càng làm cho sinh viên thêm hiểu sâu hơn các kiến thức.

5. Tuy nhiên, làm thêm chỉ là làm thêm! Bạn đừng tham bát bỏ mâm mà ham kiếm tiền, lao vào làm thêm quên đi việc học là chính. Quỹ thời gian của bạn chỉ có 24h mỗi ngày, bạn ham làm thêm chắc chắn sẽ tiêu tốn đi thời gian học. Và 4 năm học đại học của bạn có thể sẽ không đạt kết quả như kỳ vọng ban đầu của bạn và gia đình. Nhiều sinh viên thậm chí đã không tốt nghiệp đại học được vì nợ môn, vì học lực kém…

Phạm Thị Thúy - Lâm Đức Thịnh, Học viện Hành chính TPHCM

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.