Đắng lòng cụ ông gần 90 tuổi lội đồng bắt tép nuôi vợ

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho ông bà

 

Cụ Quý bên người vợ ốm đau thường xuyên.
 
Trong suốt 7 năm qua, người dân thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội vẫn thường thấy một cụ ông ở tuổi cổ lai hy ngày lại ngày mang cái dậm, cái đó ra đồng để đơm cá bắt tép bán lấy tiền nuôi vợ bệnh tật triền miên.

Khổ quen rồi...

Một buổi chiều nắng gắt, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Quý và vợ là bà Nguyễn Thị Chén tại một gian phòng ở đình làng thôn Đồng Lư – nơi hai cụ ở nhờ từ năm 2004 đến nay.
 

Trong gian phòng lụp xụp chừng dăm mét vuông của hậu cung đình làng Đồng Lư, một cụ ông da đồi mồi, khuôn mặt hốc hác vì sương gió, kham khổ đang chăm sóc người vợ luôn bị những cơn đau do bệnh tật hành hạ. Không ai có thể ngờ rằng hai cụ có tới... bảy người con.

Cụ bảo: “Cháu (cụ Quý tự xưng) khổ quen rồi chú ạ. Bố mẹ cháu chết sớm, bản thân phải đi ở đợ mãi tận trên Sơn Tây. Ngày ấy nào có được ăn cơm, có ăn thì cũng phải cùng ăn với chó. Lớn lên không có ruộng đất, nhà cửa lại phải đi ở nhà chùa. Sư Vũ bảo cháu là nặng căn nặng quả cần phải quy y cửa Phật mới giải thoát được, nhưng cháu không tin. Đã có lần do cuộc sống khó khăn nên cháu đã có ý định cạo đầu đi tu, nhưng vì mình không có căn duyên nên không thành”.

Lớn lên, cụ Quý lập gia đình với bà Chén. Cuộc sống dần ổn định, lần lượt 7 đứa con ra đời. Những năm đói kém cả hai vợ chồng có lúc phải ăn củ chuối chấm muối để cầm hơi còn cháo thì để dành nuôi con.

Tằn tiện chắt chiu, cụ cũng mua được một mảnh đất bỏ hoang trong làng dựng lên túp lều để làm nhà ở. Thời gian thoi đưa, con cái hai cụ lớn lên và đều đã lập gia đình. Những tưởng như vậy là hai cụ có thể nghỉ ngơi an hưởng tuổi già bên đàn con cháu sum vầy...

Có gà có thóc... mới được con "yêu"

Nhưng cụ đâu có ngờ cuộc đời thay đổi, trái đất chuyển xoay. Theo thời gian, đất cát lên giá vùn vụt, các con bảo cụ là bán bớt đi mảnh đất ở để xây nhà cao cửa rộng, “bố mẹ đã khổ nhiều rồi giờ phải được hưởng hạnh phúc”.

Năm 1999, cụ Quý đồng ý bán đất, đưa hết tiền cho các con xây nhà, sau khi có nhà mới cụ cảm thấy phần nào được an ủi lúc tuổi già. Nhưng cũng từ đấy các con bắt đầu đổi thay tính nết.

Năm 2002, cô con dâu út đưa đứa cháu nội ra vườn đi vệ sinh, trời mùa đông thời tiết khô hanh, cô liền cầm chiếc bật lửa châm vào đống rơm để cho… “cháu vệ sinh an toàn”. Ngọn lửa bùng lên và sự giận dữ được trút lên đầu cả hai cụ. Và cũng từ đó ngọn lửa trong lòng của cả con dâu và con trai ngùn ngụt cháy.

Không chịu đựng nổi sự chửi rủa, mắng mỏ của các con, cụ liền đi ở nhờ nhà ông Oai, ông Thinh - vừa là người nhà lại vừa là hàng xóm. Được một thời gian các cụ để dành được một chút thóc lúa thì cậu con trai út lại đón hai cụ về để “chăm sóc”. Khi thóc lúa hết, các cụ lại bị hắt hủi.
Căn phòng góc sân đình nơi dân làng thương tình cho ở nhờ.

Cụ kể: “Từ năm 2004 đến nay nó đã đón cháu về bốn lần rồi, khi hết lúa cũng là bốn lần cháu phải ra đình”. Đã không dưới một lần đứa con trai út cầm dao kề vào cổ cụ và nói: “Ông cho mày nhát bây giờ”. “Sợ lắm chú ạ, giá như người ngoài thì còn có pháp luật xử lý chứ con mình thì ai xử hả chú?".

Cụ cho biết thêm: “Khi còn ở thôn Đồng Lư thì con cả bảo: “Ông lên rừng Tiến Xuân mà ở với chú Đại cho không khí trong lành”. Lên Tiến Xuân được một thời gian, tôi có chăn nuôi được hơn trăm con gà, đến ngày thu hoạch thì đứa con út lại bảo: “Thôi, ông về quê mà sống, ở đó còn có họ hàng, anh em và tổ tiên chứ ở đây thì có ai”.

Có hôm, đêm đến cụ phải một mình ôm chiếc chăn chiên lên rừng để ngủ cho qua, chờ đến sáng rồi về. Trên đường về miệng thì khát khô nhưng họng thì đắng ngắt, đến nước lã nuốt cũng không trôi.

Sau đó cả hai cụ đã quyết định ra ở nhờ đình làng, ở đó có ba phòng còn bỏ trống. Cũng từ đó cụ không cho phép mình ốm, vì cụ biết rằng nếu chẳng may mình ốm thì cả hai vợ chồng đều chết mà thôi.

Hai cụ được nhà nước chia cho gần 400m2 đất canh tác và nhập cùng khẩu với các con cho tiện. Khi cụ ra khỏi nhà các con chia cho tôi tới 7 thửa, mỗi thửa cách nhau khoảng vài trăm mét. Bây giờ sức tôi thì đã gần tàn, lực tôi đã kiệt, muốn cho tôi thế nào thì cho, kêu ca thì chúng lại bảo “già rồi mà còn lắm mồm, nói ít thôi cho con cháu còn nhờ".

“May mà còn đứa con gái út sinh năm 1978 tên Thoa lấy chồng cùng làng chứ không thì cũng đến chết. Cứ đến mùa vụ thì nó làm giúp cho. Nhưng mà cháu nó nghèo quá anh ạ”, cụ Quý nói.

Bắt tép nuôi vợ

Nguồn sống hàng ngày của các cụ chỉ dựa vào những con tôm con tép bắt được.
 
Hàng ngày, nguồn thu nhập chính của cụ ông gần 90 tuổi này dựa chủ yếu vào những con tôm, con tép cuối cùng của mùa nước cạn mà ông bắt được ngoài đồng.

Cụ Quý cũng nuôi được hơn chục con gà, ban ngày thì chúng tha thẩn bới giun, tìm những hạt thóc rơi vãi ngoài đường, tối đến, gà và người cùng chung nhau gian phòng rộng chưa đầy 6m2 ấy.

Ngoài ra cụ còn trồng được khoảng vài mét vuông rau để ăn hàng ngày, nhưng mấy cây xà cừ to quá che hết cả khoảng vườn nên cũng chẳng ăn thua.

Gà thì không dám thịt vì đắt, còn rau tuy rẻ nhưng không trồng cũng chẳng có cái mà ăn. Có lẽ niềm vui lớn nhất của cụ Quý giờ này là khi nhìn ngắm đàn gà kiếm ăn ngoài sân, trong vườn.

Cụ gõ tay xuống chiếc phản kê ở giữa gian phòng bảo: “Đây là tấm phản của cháu khi còn sống thì là giường nằm, đi đâu cháu cũng mang đi, đó là vật bất ly thân, khi nào chết thì làm quan tài cho cháu. Cháu đã có nhời nhờ bác thợ mộc ở đầu làng hơn một năm nay rồi”. Tôi cúi nhìn chiếc phản mình đang ngồi rồi lại nhìn vào gương mặt có nước da ngai ngái của cụ mà thấy lòng mình tê buốt.

Theo Quỳnh Anh - Tuấn Đức
Bee

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.