Nhờ ông bà nuôi cháu, con dễ quên bố mẹ

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho ông bà

ONGBA

Chị Hà (Phúc Thọ, Hà Nội) đang đau đầu về việc có nên đưa con về quê ở với ông bà nội không. Mẹ chồng chê chị không biết nuôi con, để cháu đích tôn của bà gầy ốm nên nhất định đòi đưa cu cậu 3 tuổi về nuôi.

Theo bà thì ở thành phố không khí ô nhiễm, nhà cửa chật chội, con dâu đoảng, thằng bé gửi đi lớp không được chăm sóc chu đáo... nên sinh bệnh, chẳng khỏe được. "Cứ để nó ở nhà với tôi vài tháng xem, chả khác ngay", bà nói với con dâu. Vốn đã không được lòng mẹ chồng, chị Hà sợ nếu lần này cố giữ con lại bà sẽ giận nên cũng đang phân vân.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng sau hai tuần gửi con về quê cho ông bà chăm,vợ chồngGiang (kỹ sư xây dựng) quyết đón con về vì sợ con sẽ quên luôn bố mẹ.

Quê chồng Giang ở Nam Định còn cô ở Bắc Ninh. Trước đây, bà nội vẫn ra Hà Nộichăm con giúp để Giang đi làm. Lúc bé Nhím 17 tháng, Giang cai sữa cho con xong thì bà nội cũng thông báo: "Từ nay mẹ không xuống trông cháu nữa, mẹ phải về chăm lo cho bố và các em mày ở quê. Con bé Nhím cứ đưa về ông bà nuôi. Ở quê vừa thoáng mát, rộng rãi, con bé tha hồ vui chơi, tốt cho sức khỏe, mà chúng mày cũng rảnh rang".

Dù không muốn xa con chút nào, nhưng vợ chồng Giang đành gật đầu vì thấy như thế tốt cho con vì anh chị đều rất bận, gửi bé đi nhà trẻ ngay thì thương con mà thuê osin cũng không yên tâm.

Thế nhưng được 2 tuần, Giang thấy nhớ con không chịu được. Thiếu tiếng bi bô của Nhím, hai vợ chồng Giang thấy căn nhà trống vắng quá. Hôm chủ nhật về thăm con, thấy bé quấn bà hơn nhớ mẹ, Giang càng buồn và quyết tâm đưa con về dù biết làm bố mẹ chồng phật ý.

Theo tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý, giáo dục trẻ em, Trường mầm non Hoàng Gia, trừ khi bố mẹ là người quá vụng, lại không quan tâm đến con, mà có ông bà khéo chăm thì việc để con về ở với ông bà là nên, hơn hẳn giao trẻ cho osin. Còn bình thường, con cái ở với bố mẹ là tốt nhất, để trẻ được cảm nhận hết sự yêu thương, chăm sóc của đấng sinh thành.

Tiến sĩ Thoa cho biết, giai đoạn dưới 6 tuổi, đặc biệt là lúc nhỏ, cảm xúc đối với trẻ là quan trọng nhất, thậm chí còn hơn cả việc ăn uống đầy đủ. Hơn nữa, lúc này, trẻ chỉ hiểu được tình cảm của người thân khi được âu yếm, vuốt ve và yêu thương.

Nếu phải sống tách rời bố mẹ từ nhỏ sẽ là một thiệt thòi rất lớn với trẻ và cả cha mẹ. Khi đó, chính các bậc phụ huynh sẽ không được trải nghiệm những ngày tháng vất vả nuôi con, không phát triển cảm xúc với con.

Ngoài ra, với ông bà tiên tiến không sao nhưng nếu ông bà chỉ dạy cháu theo kinh nghiệm và quá nuông chiều thì trẻ sẽ không được phát triển theo hướng bố mẹ mong muốn, việc giáo dục lại rất khó. Hơn nữa, những đứa trẻ sống xa bố mẹ lâu thường ít gắn bó, khó chia sẻ và khi trẻ càng lớn các phụ huynh càng khó thâm nhập vào đời sống nội tâm của con.

Theo chuyên gia giáo dục Thoa, ở mỗi lứa tuổi thì sự ảnh hưởng này có mức độ khác nhau, bởi khi ấy, sự trưởng thành về thể chất, nhận thức cũng như khả năng tập nhiễm của các bé đã thay đổi. Ví dụ: nếu tách mẹ quá sớm, khi trẻ nhỏ hoặc 1-2 tuổi, sẽ không thuận lợi cho sức khỏe các cháu, nhận thức và tình cảm của trẻ cũng phát triển không tốt, bé dễ xa cách về mặt tình cảm với mẹ.

Với các bé lớn hơn, đã biết nhận thức và có ý kiến cá nhân, nếu bị bắt buộc phải xa bố mẹ, trẻ có thể tỏ ra chống đối, hoặc có những em không hòa nhập với môi trường mới, sống khép kín hoặc mang tâm trạng buồn phiền vì nhớ bố mẹ triền miên. Những biểu hiện này còn tùy thuộc vào cá tính của từng bé.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ, những dịp đưa con về chơi với ông bà, hay cho trẻ về quê sống cùng gia đìnhnội, ngoại trong những dịp nghỉ ngắn lại là cách hay để giúp các cháu có được những trải nghiệm mới, gắn bó với người thân và học cách thích nghi với những môi trường sống khác nhau.

"Nói chung, khi đưa ra quyết định có nên để con về với ông bà, bố mẹ phải cân nhắc những ảnh hưởng đến con, tùy theo cá tính trẻ, thời gian sống cách xa cũng như lứa tuổi của bé", bà Thoa nói.

Theo bà, trong trường hợp bắt buộc vì hoàn cảnh hay phải đi công tác xa mà nhờ ông bà nuôi cháu, bố mẹ ngoài việc thường xuyên liên lạc với con, nên trao đổi với ông bà nội để thống nhất về cách giáo dục trẻ. Ngoài ra, để trẻ dù không được sống bên bố mẹ nhưng vẫn cảm thấy sự hiện diện của bạn thì ông bà có thể luôn khơi gợi và nhắc bé nhớ tới bằng cách gọi tên, gợi các kỷ vật, chẳng hạn: "Cái áo này là mẹ Giang mua cho Nhím đây", hay "Nhím mà không ngoan là mẹ buồn lắm", "hôm qua bố bảo yêu Nhím thế nào ấy nhỉ?"...

Vương Linh

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.