Mẹ già như chuối chín cây!

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho ông bà

ongba-kynangsong

Chúng ta hay đổ lỗi cho điều gì đó, như khắc khẩu, không hợp... rồi chúng ta xa dần cha mẹ mỗi ngày, cho đến khi biết cha mẹ sắp mất hay đã mất..., chúng ta cuống cuồng lên, khóc lóc ầm ĩ. Nhiều khi chúng ta lại tiếp tục đổ lỗi cho bệnh viện quá dở, bác sĩ quá dở... Chúng ta ít chịu nhìn lại mình, bạn nhỉ?

Đêm trực thứ 6 vừa rồi cũng nhàn nhã, mình chỉ có 2 bệnh nhân nặng cần cấp cứu với bệnh phù phổi cấp và bệnh đợt cấp COPD, còn lại là các trường hợp sốt, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, lo âu vì huyết áp lên cao...

Nhưng có 2 bệnh nhân làm mình còn trăn trở đến giờ. Đó là một bệnh nhân nữ 59 tuổi làm nghề buôn bán ở quận 4.

- Mấy tháng trước, mẹ tôi hay bị nhức đầu, dạo gần đây nhức đầu tăng, mỏi vùng gáy, có ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống, khi thì para codein, khi thì efferalgan... uống vô thấy đỡ. Hôm nay, tôi đi làm về thấy bà nằm mê mệt, lay gọi thì ú ớ, hoảng quá tôi đem bà vô đây.

Nỗi trăn trở sau đêm trực

Chăm sóc bệnh nhân tại phòng cấp cứu ban đầu BV đa khoa Hà Đông, Hà Nội.Ảnh: Trần Minh

Mình cầm tấm phim CT Scan sọ não lên xem và thở dài. Xuất huyết não, não thất bên phải diện rộng. Nhìn monitor theo dõi huyết áp bệnh nhân lúc này là 220/100mmHg.

- Sao anh chị không đưa cô đi bác sĩ khám bệnh?

- Mẹ tôi không chịu đi, bả nói khám bệnh tốn kém, mất thời gian lắm?

- Vậy chứ thời gian rảnh rỗi cô ở nhà làm gì?

- Ờ thì... coi tivi, nói chuyện tám với mấy bà hàng xóm...

Nghe con của bệnh nhân trả lời, mình biết nên dừng câu chuyện lại. Phần lớn chúng ta luôn mong có cuộc sống tốt lành, chứ không ai biết sống một cách tốt lành.

Khi chúng ta đi chơi, đi ăn uống, đi nghe nhạc, xem phim... chúng ta rất sẵn sàng trả nhiều tiền cho những dịch vụ cao cấp như khách sạn năm sao, nhà hàng năm sao, nhân viên phục vụ năm sao... nhưng chúng ta không bao giờ sẵn sàng trả những khoản cần thiết để chăm lo sức khỏe của mình. Tại sao vậy?

Có mấy ai đi qua phòng cấp cứu bệnh viện trong những cơn thập tử nhất sinh mà biết quay lại cảm ơn người bác sĩ đã cứu chữa cho mình lúc đó? Có mấy ai hiểu rằng bác sĩ đôi khi là một người mẹ, sinh mình ra lần thứ hai?

- Bây giờ thì sao hả bác sĩ?

- Tỷ lệ tử vong rất cao. E rằng một lát nữa đây, tôi phải đặt nội khí quản, cho cô thở máy...

- Trời, nặng vậy sao bác sĩ? Chết hả bác sĩ? Bác sĩ ơi, gắng sức cứu dùm...

Bốn người con của bệnh nhân bây giờ đã có mặt tại phòng cấp cứu. Họ đang rối bời. Họ chạy ra chạy vô hỏi mình mấy số đỏ đỏ xanh xanh trên monitor là gì rồi lấy khăn ấm lau mặt cho mẹ. Thấy thương lắm. Nhưng không còn ý nghĩa nữa rồi. Tại sao lúc cha mẹ chúng ta còn khỏe mạnh, chúng ta không quan tâm? Có ai biết ôm hôn cha trước khi đi làm? Có ai mỗi đêm về xoa bóp chân cho mẹ? Có ai chịu khó dẫn cha mẹ đi tái khám bác sĩ theo định kì? Có ai biết khớp xương cha đang đau? Có ai biết mẹ hay bị mất ngủ?

Bệnh nhân thứ 2 cũng tương tự, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không biết. Thực tế, ở Việt Nam có hơn 50% bệnh nhân mắc hai bệnh đó không hề biết cho đến khi được cấp cứu trong bệnh viện vì một lý do gì đó.

- Chân chú bị lở loét như vậy bao lâu rồi?

- Cả tháng nay, tôi ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống mà không lành.

- Cả tháng nay? Tại sao chú không đi khám bác sĩ?

- Vết thương có chút xíu mà khám gì?

- Một chút xíu? Ngón 1 và 2 đã hoại tử đen, bàn chân thì sưng tấy... Xquang thấy hình ảnh viêm xương. Có thể phải đoạn chi.

- Đoạn chi là sao bác sĩ?

- Là cắt cụt chân của chú. Cắt đến 1/3 cẳng chân này nè.

- Trời... Nghiêm trọng vậy sao? Thấy có chút xíu hà, không đau.

- Do chú bị tiểu đường lâu ngày không biết, đã bị biến chứng thần kinh nên không còn cảm giác đau nữa.

Mình hết nhìn bệnh nhân, rồi lại nhìn những người con. Có ngỡ ngàng, có xót xa trong đôi mắt của họ. Giá như...

Mình ghét phải nói giá như... nhưng mỗi ngày cứ nghe giá như và giá như tôi biết được sớm hơn...

Mình chưa thấy đất nước nào mà việc mua thuốc, dùng thuốc lại cực kì dễ dàng như ở Việt Nam. Bạn đau đầu - đến tiệm thuốc tây. Bạn đau bụng - đến tiệm thuốc tây. Bạn trễ kinh - đến tiệm thuốc tây. Bạn không hề biết người đang bán thuốc cho bạn là ai. Bạn không biết trình độ người ấy đến đâu? Dược tá? Dược sĩ trung học hay dược sĩ đại học? Bạn không cần biết điều gì cả. Bạn chỉ cần biết nó có tiện không thôi.

- Bác sĩ, có cần thiết phải cắt cụt chân hay không?

- Chỗ nào hư thúi thì nên cắt cụt, để bảo vệ những chỗ lành lặn còn lại.

Nhìn chị hộ lý đẩy bệnh nhân đi mà mình thấy đắng đót trong lòng.

- Ba tôi cố chấp lắm bác sĩ ơi. Với lại ổng khắc khẩu với tôi nên tôi ít tiếp xúc lắm.

- Ba anh khắc khẩu hết với cả 2 người con à?

- Ừm, tánh nết ổng kì cục lắm. Cứ rượu chè, hút thuốc. Mẹ tôi nói cách mấy cũng không nghe.

Mình lặng thinh nhìn ra ngoài cửa. Tháng 4, phố hanh hao quá. Nắng nóng làm con người ngột ngạt. Nhưng có phải vì nắng hay do lòng mình đã ngột ngạt sẵn.

- Bác sĩ biết sao không, hồi nhỏ, tôi hay nghĩ rằng khi mọi thứ xung quanh tốt đẹp, tôi sẽ thoải mái dễ chịu. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ khác rồi, khi lòng tôi thoải mái dễ chịu thì mọi thứ xung quanh sẽ tốt đẹp.

- Ông ơi, ông mất bao lâu để hiểu được điều đó?

Mình hỏi bệnh nhân của mình, một ông cụ 83 tuổi bị tiểu đường, cao huyết áp, phì đại tiền liệt tuyến.

- Biết điều đó thì rất lâu rồi, nhưng để sống được như thế mới gần đây thôi. Hồi nãy, tôi ngồi nhìn bác sĩ rất khó chịu mắng bà kia quá chừng khi thấy đường huyết và huyết áp của bả quá cao mà lại không chịu tái khám, uống thuốc, tập thể dục, ăn kiêng... nên tôi mới nói thế.

- Hồi nãy con dữ lắm à?

- Ừa, dữ thiệt.

- Tại con nói hoài mà chẳng chịu nghe.

- Bác sĩ biết sao không, cuộc sống không đơn giản như bác sĩ nghĩ đâu. Làm cha làm mẹ đôi khi rất sợ làm phiền con cái nên thế.

Ông cụ nói xong, nắm tay mình thật chặt rồi bước đi nhưng lời của ông còn ở lại. Làm cha làm mẹ... bao giờ cũng hy sinh thật nhiều, thật nhiều cho con... mà con nào có biết, có hay.

Chúng ta hay đổ lỗi cho điều gì đó, như khắc khẩu, không hợp... rồi chúng ta xa dần cha mẹ mỗi ngày, cho đến khi biết cha mẹ sắp mất hay đã mất..., chúng ta cuống cuồng lên, khóc lóc ầm ĩ. Nhiều khi chúng ta lại tiếp tục đổ lỗi cho bệnh viện quá dở, bác sĩ quá dở... Chúng ta ít chịu nhìn lại mình, bạn nhỉ?

BS. Bảo Trung

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.