Khi ông bà "lạm quyền" chăm cháu

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho ông bà

chamchau

Khi ông bà 'lạm quyền' chăm cháu Con ốm nên chị Hà cố gắng về sớm đưa cháu đi khám. Vừa bước vào nhà, chị đã nghe bố chồng bảo: “Tao chở nó lên trạm y tế tiêm rồi, uống thuốc thì bao giờ khỏi”. Phát hoảng vì ông tự ý, nhưng chị đành làm thinh.

 “Nếu mình nói gì là ông giận dỗi ngay, có khi cả mấy ngày chẳng thèm nói với con dâu một câu, hoặc bảo mình nghỉ việc đi mà ở nhà trông con”, chị Hà (Hoài Đức, Hà Nội) kể.

Chị cho biết, lần trước khi con bị tiêu chảy, bà nội đi mua ngay thuốc cầm bảo cho uống. Chị nói để cho cháu uống orerol và theo dõi thêm thì bà bảo "Không biết chăm con lại còn ra vẻ hiểu biết, cứ để nó đi ngoài cho kiệt sức à!” và giận cả tuần.

Cô giáo tiểu học này cho hay, vì đi dạy xa nhà nên chị đành nhờ bố mẹ chồng chăm giúp cô con gái 2 tuổi từ sáng tới chiều. Ông bà thương cháu, thường thấy bé hơi mệt, ho là tự động đi mua thuốc cho uống, thậm chí còn đưa cháu đi tiêm “cho nhanh khỏi”. “Mình chẳng yên tâm nhưng biết nói thế nào. Chỉ mong con lớn nhanh, đỡ ốm thôi”, chị Hà thổ lộ.

Đến lúc đi làm, được bà nội nhận lời ra chăm cháu giúp, chị Thanh (Ngọc Khánh, Hà Nội) như trút được gánh nặng vì từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp phải đổi osin nhiều lần mà vẫn không vừa ý vì họ không chăm trẻ tốt. Bà nội bé Mi, con chị thì lại nhất mực yêu và chăm bẵm cháu. Nhưng điều này cũng nhiều lần khiến chị đau đầu.

Chị Thanh định con 6 tháng mới cho bé ăn dặm, thì ngay sau hôm đầu tiên chị đi làm, lúc con mới 4 tháng, bà ở nhà bảo con trai đi mua nồi, bột ăn liền và quấy cho cháu ăn. Chị Thanh ức lên tận cổ nhưng cũng đành ngậm tăm vì biết nếu nói ra thì không những làm mất lòng mẹ chồng mà còn bị ông xã lên lớp. Bà cũng không đồng ý dùng đồ ăn trong tủ lạnh cho cháu mà bắt chị sáng nào cũng phải dậy sớm ra chợ mua.

Tối đến, bà tự nấu thêm bát cháo rồi cố nhồi cho cháu ăn vì sợ “đêm nó đói mà mẹ nó lười không dậy pha sữa cho con”. Mỗi lần thấy chị Thanh nhỏ mũi, hút mũi cho cháu những lúc bé bị cúm, cảm, bà bảo chị "không biết xót để con khóc ngất thế kia thì ốm thêm chứ được lợi gì".

“Biết bà thương cháu nhưng mình vẫn stress không chịu được. Bà tạo cho mình cảm giác mình là một người mẹ rất tệ, không làm được điều gì tốt cho con”, chị Thanh chia sẻ.

Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam) cho biết, đôi khi ông bà can thiệp quá sâu vào việc chăm sóc cháu lại gây ra những xung đột khó giải quyết trong gia đình nhiều thế hệ.

Những người mới làm mẹ thường có tâm lý căng thẳng “làm sao để tốt nhất cho con mình?”, vì thế dễ có tâm lý chống đối, phản ứng lại khi nghe lời khuyên bảo dạy dỗ, đặc biệt khi nó kèm theo với thái độ chỉ trích và áp đặt.

Thực tế, hành động của ông bà xuất phát từ lòng thương yêu, thấy có trách nhiệm phải lo cho cháu. Hơn nữa, ông bà thường tự cho là mình đã có kinh nghiệm chăm con nên chắc chắc làm tốt hơn con cái trong việc chăm trẻ. Người lớn tuổi cũng rảnh rỗi nên muốn thay con chăm cháu, mà quên mất là vô tình can thiệp quá sâu.

Nhiều người phụ nữ bày tỏ sự mệt mỏi và ức chế khi bị ông bà “lạm quyền” trong việc chăm con, nhất là khi giữa hai thế hệ có sự khác biệt lớn về quan điểm và cách thức nuôi dạy trẻ.

Nhà tâm lý cũng thừa nhận, nếu ở chung, rất khó có cách ứng xử để toàn vẹn đôi đường. Trong trường hợp này, chị em chẳng còn cách nào khác là phải khéo léo nói, chẳng hạn “bố mẹ giúp con trông cháu là đã mệt lắm rồi, việc cho cháu uống thuốc, khám bệnh hay sắm đồ ăn, cứ để con làm, để bố mẹ có chút thời gian nghỉ ngơi”.

Đừng bao giờ tỏ thái độ không nghe hay không cần ông bà. Người già hay tự ái, dễ cho là mình bị cho ra rìa nếu con cái phản bác thẳng thừng. Bạn nên nhờ ông bà những việc cụ thể, và khéo léo xin lời khuyên trong những trường hợp bạn biết họ có kinh nghiệm hơn mình.

Trường hợp đặc biệt, liên quan đến sức khỏe của trẻ, thì đôi khi vẫn phải có những cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng mềm mỏng bày tỏ quan điểm. Bạn có thể tìm đồng minh là chồng và để ông xã trực tiếp nói, hoặc nhờ những người mà ông bà tín nhiệm nói giúp. Bạn cũng có thể thỉnh thoảng vờ như vô tình kể những trường hợp, các kiến thức mình biết trên sách báo, hay rủ ông bà đưa cháu đi khám cùng và nhờ bác sĩ nói hộ…

Bà Hà cũng cho rằng, điều quan trọng là người lớn tuổi cần hiểu chăm sóc trẻ là trách nhiệm của bố mẹ chúng, ông bà chỉ là người hỗ trợ phần nào, và không nên can thiệp sâu vào việc này. Điều đó vừa tạo cho con cái họ cơ hội để trưởng thành, không ỷ lại, vừa cho họ có thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Khi con cái nhờ thì sẵn sàng làm và góp ý nhưng hãy để bố mẹ chúng là người quyết định.

Vương Linh

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.