Hoang tưởng dai dẳng: Tôi là ai? Là ai?
SGTT.Vn - Cách đây không lâu, một cô gái viết thư cho chúng tôi trình bày về những biểu hiện bất thường ở mẹ mình: bà 62 tuổi, hai năm nay bà luôn khẳng định chồng mình đang yêu người khác và chuẩn bị bắt chia tài sản cho người đó, nên dù không hề có bằng chứng bà cứ thường xuyên chửi mắng chồng thậm tệ, thậm chí có lúc còn đánh ông ấy. Mặc cho các con cũng như người thân khuyên can, giải thích, bà vẫn tin đó là sự thật. Ngoài điều đó ra, bà vẫn rất sáng suốt trong công việc... Câu chuyện này gợi cho chúng tôi một bệnh lý tâm thần, rất dễ gây nhầm lẫn: chứng rối loạn hoang tưởng dai dẳng.
Hoang tưởng là gì?
Hoang tưởng là những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp thực tế khách quan, do bệnh tâm thần gây ra và chỉ mất đi khi bệnh thuyên giảm. Hoang tưởng thường gặp ở những bệnh loạn thần nặng (tâm thần phân liệt, loạn thần do nghiện rượu, loạn thần cấp...) thường được đưa vào bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, có một số không nhỏ những người bệnh có hoang tưởng vẫn có thể sống và làm việc tương đối bình thường, nhưng họ gây ra những gánh nặng nhất định cho gia đình, xã hội, cho những người sống quanh họ.
Ở những người bệnh hoang tưởng dai dẳng, các hoang tưởng ảnh hưởng không nhiều đến tình cảm, cảm xúc của người bệnh. Vẫn là những niềm tin, phán đoán sai lầm nhưng không quá xa lạ với cuộc sống hàng ngày, như là chuyện bị định kiến ở cơ quan, bị thù ghét, bị chiếm đoạt, bị xã hội ruồng bỏ. Những hoang tưởng đó tồn tại dài theo năm tháng, khiến họ hơi tách mình ra khỏi cộng đồng, sống trong niềm tin bí ẩn. Chỉ những người sống quanh người bệnh mới hiểu được sự vô lý trong lập luận và những bức bách trong tình cảm của họ.
Tính cách của người hoang tưởng mãn tính
Đa nghi: luôn luôn ngờ vực, lo ngại quá đáng việc bị người khác tấn công. Vì thế, họ luôn giữ một khoảng cách đối với người đang nói chuyện với mình. Đôi khi khoảng cách đó được biểu hiện bằng sự khiêm tốn thái quá, hoặc bằng sự hung hăng.
Tính cứng nhắc: độc đoán, không có khả năng tự đánh giá bản thân, không cởi mở tiếp nhận quan điểm của người khác.
Phát triển cái tôi quá mức: người bệnh thường đa nghi, kiêu ngạo chuyên quyền, không có tính khoan dung, luôn coi thường người khác, coi mình là trung tâm.
Người rối loạn hoang tưởng mãn tính do vậy thường khép mình, quay lưng với xã hội, dẫn đến suy nhược, trầm cảm lo âu nhưng nhẹ, ít khi phải điều trị.
Các loại hoang tưởng mãn tính
Hoang tưởng kiện cáo: người bệnh theo đuổi các tranh tụng về tài sản, tiền nong, các phát minh khoa học, các vụ kiện kéo dài gây hao tiền tốn của.
Hoang tưởng bị truy hại: “người truy hại” ở đây có thể là ở gia đình, nơi làm việc, hàng xóm hoặc đại diện của một nhóm người công an quân đội bí mật, một tổ chức bí mật nào đó...
Hoang tưởng ghen tuông: ghen tuông bệnh lý dựa trên những cơ sở không chắc chắn, luôn luôn tìm kiếm và muốn thu thập những chứng cứ phản bội.
Hoang tưởng được yêu: bệnh nhân tin mãnh liệt có một người đang rất yêu và muốn lấy mình.
Hoang tưởng tự cao: say mê không thực tế, cuồng tín về tôn giáo, tin là mình phát kiến ra một phương pháp cải tiến xã hội, quản lý đất nước... Thường sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để lôi kéo, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Hoang tưởng biến đổi cơ thể: tin là một số bộ phận của cơ thể bị méo mó xấu xí vĩnh viễn.
Điều trị
Khi thấy người thân có dấu hiệu thù nghịch, kiện cáo, quấy rối kéo dài mà không có cơ sở, cần đưa họ đến khám, tư vấn và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có những phương pháp đặc hiệu phân biệt giúp chẩn đoán hoang tưởng, mức độ hoang tưởng và hướng điều trị (thuốc chống hoang tưởng, liệu pháp tâm lý).
Điều trị hoang tưởng dai dẳng rất khó khăn, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ thành công khá cao. Chúng ta phải hiểu và dung nạp người bệnh để họ có một cuộc sống không quá tự do phát triển hoang tưởng, nhưng cũng không quá khó khăn trong cộng đồng. Gia đình hãy tạo cho họ lối sống tích cực, lao động và giải trí với các sở thích lành mạnh.
ThS.BS Trần Trung Hà
Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – hợp tác quốc tế,
bệnh viện Tâm thần Trung ương 1