6 bước dạy trẻ 2 tuổi sống tự lập

Posted in Kỹ Năng Làm Cha Mẹ

tretulap

Đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ là thích bắt chước, cha mẹ hãy tạo cơ hội để con tự làm những việc trẻ muốn, không nên làm hộ bé.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Minh nêu ra, có 6 bước rèn luyện cho trẻ sống tự lập như sau:

Bước 1: Đặt mục tiêu rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho trẻ

Mỗi người sinh ra đều có các bộ phận đầy đủ giống như người khác (ngoại trừ những người khiếm khuyết). Tại sao cuộc sống lại tạo ra những con người hoàn toàn khác nhau: có người dùng chính đôi tay để nuôi sống mình, để làm mọi việc phục vụ mình và phục vụ người khác; cũng có không ít người luôn dựa dẫm vào người khác để người khác phục vụ mình?

“Nếu như bắt cho con một con cá, con sẽ có cá ăn một ngày. Nhưng nếu dạy con bắt cá, con sẽ có cá ăn cả đời”. Xuất phát từ tư duy này, cha mẹ nên dạy con tính tự lập, sống bằng đôi tay của mình ngay từ nhỏ. Với mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta nên đặt ra mục tiêu và cách thực hiện các bước khác nhau để dạy trẻ về tính tự lập theo phương châm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Ngay từ khi trẻ lên 2 tuổi, cha mẹ nên chú trọng rèn luyện cho con các kỹ năng sau:

- Kỹ năng chăm sóc bản thân như: Tự nhặt đồ chơi, tự cởi và mặc quần áo, rửa mặt, tay, đánh răng, tự đi dép, chuẩn bị mũ, áo khoác, khẩu trang khi đi ra ngoài, tự ăn, tự đi lên xuống cầu thang.

- Kỹ năng giữ gìn vệ sinh: Tự cho quần áo bẩn vào máy giặt, lau nước trên sàn, lau bụi trên bàn, dội nước sau khi đi vệ sinh, đi vệ sinh đúng nơi, bỏ rác đúng nơi quy định.

- Kỹ năng hỗ trợ người khác: Bật tivi, bật quạt, lấy chén ăn cơm, lấy ly uống nước, cất dép đúng quy định, xách phụ đồ, tưới cây.

Cha mẹ nên tập cho bé tự múc đồ ăn thay vì sợ bé dơ. Ảnh: thegioitretho.
Cha mẹ nên tập cho bé tự múc đồ ăn, không nên sợ bé làm đổ. Riêng đối với thức ăn nóng, cha mẹ nên thổi để làm mát trước khi cho trẻ dùng. Ảnh: thegioitretho.

Bước 2: Xác định thời gian dạy trẻ càng sớm càng tốt

Đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ là thích bắt chước, cha mẹ hãy tạo cơ hội để trẻ làm những việc này khi trẻ muốn. Ví dụ con muốn mở cửa thì những cánh cửa nhỏ trẻ có thể với được, phụ huynh hãy kiên nhẫn để bé tự mở, đồng thời hướng dẫn cho trẻ từ cách đút chìa khóa, vặn khóa và mở khóa. Nếu cháu muốn tự đi dép trước khi đi ra ngoài, cha mẹ nên kiên nhẫn chờ cháu đi dép chứ đừng có tâm lý "đi hộ con cho nhanh".

Bước 3: Xây dựng môi trường làm việc ngay tại gia đình

Các thành viên trong gia đình luôn tạo mọi cơ hội cho bé nhìn thấy các việc làm và cách thức làm việc của mình, đồng thời nên giải thích cho bé về việc đó (dù bé có hiểu hay không). Sau đó nên khuyến khích trẻ tham gia vào công việc phù hợp với khả năng.

Ví dụ: Mẹ đang nhặt rau bồ ngót để nấu canh, hãy giải thích và bảo con trai cùng làm hộ. Sau đó mẹ hướng dẫn bé cách nhặt rau, mặc dù có thể cháu làm chưa khéo, làm cho rau bị dập nhưng hãy cho cháu làm để có cơi hội rèn luyện lòng yêu thích công việc cũng như các kỹ năng làm việc nhà ngay từ nhỏ. Có thể tích cực “nhờ vặt” hay gọi là "sai vặt” để trẻ có nhiều cơ hội được làm việc thì bé mới có được kỹ năng. Lưu ý không nên đợi trẻ lớn mới dạy, thậm chí có thể dạy từ khi bé được 16 tháng tuổi, đừng sợ trẻ làm hư, làm vỡ mà làm thay.

Bước 4: Phân công công việc

Trong gia đình nên phân công công việc cho từng thành viên. Riêng đối với trẻ nhỏ, cần để bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc. Chẳng hạn khi cha mẹ đi làm về, hãy yêu cầu con phụ mẹ cất dép hoặc giày của mẹ lên kệ. Cứ như thế trẻ sẽ có thói quen hễ thấy mẹ về đến nhà là chạy đến đòi cất giày cho mẹ.

Khi đi siêu thị hay đi chợ cha mẹ hãy cho cháu theo và chia cho cháu một món đồ nhỏ để xách cùng. Cần tập và lặp đi lặp lại để trẻ hình thành thói quen. Tuy nhiên khi thấy bé mệt thì không nên bắt ép.

Bước 5: Duy trì thói quen và cách làm việc

Việc hình thành một hành động tự phục vụ là điều không khó nhưng cái khó là hình thành thói quen cho trẻ. "Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận", đó là điều cha mẹ cần thuộc làm lòng. Và muốn hình thành thói quen cho con thì cha mẹ cần lưu ý: Phân công công việc cụ thể; cho trẻ được làm nhiều lần; có những biện pháp khen thưởng, khích lệ, động viên.

Bước 6: Khuyến khích kết quả tốt đẹp trẻ làm được

Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất. Cụ thể cha mẹ hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm. Cần lưu ý hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản. Thay vào đó là những lời động viên tích cực như: con đánh răng sạch quá, miệng con rất thơm vì con đã đánh răng, cảm ơn con vì đã cất dép cho mẹ, cảm ơn con vì đã xách đồ cho mẹ, con đi vệ sinh đúng nơi quy định rồi đó.

Ngoài ra, có thể động viên trẻ bằng các phần thưởng vật chất như con tự ăn cơm mẹ sẽ cho đi công viên, tự đi dép mẹ sẽ cho đi vườn bách thú. Không nên khuyến khích trẻ bằng tiền vì làm cho trẻ hiểu không đầy đủ về giá trị của lao động.

Minh Minh

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.