"Ng\u01b0\u1eddi cha hi\u1ec7n \u0111\u1ea1i"

Posted in Kỹ Năng Làm Cha Mẹ

cha 01

“Người cha hiện đại” là người làm tròn bổn phận người mẹ (hoặc cha) trong những gia đình “khuyết”. Không chỉ là điểm tựa tinh thần cho con mà người cha này còn phải biết giúp các “thiên thần” của mình cân bằng tâm lý sau những biến cố gia đình.

Mẹ cũng là “người cha hiện đại”

Nhà văn Trầm Hương cho rằng, “người cha hiện đại” trong một gia đình không may bị đổ vỡ hôn nhân chính là người mẹ. Người mẹ là điểm tựa duy nhất của những đứa con khi chồng (cha) sống ích kỷ, mải mê đi tìm một bến đỗ khác. Người mẹ ấy bỗng chốc trở thành “người cha”, biết chấp nhận sự hy sinh, cam chịu những mong đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn nữa cho con. Từ khi lên 5 tuổi, em N.T.V (học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM) thiếu vắng tình thương yêu của cha, mẹ. Mẹ V. bỏ nhà đi, sau đó cha em đi bước nữa. Nhiều lúc V. tự hỏi, mình có phải là con của cha mẹ không, sao họ nỡ bỏ mình mà đi? Có những lúc V. cảm thấy xót xa, trống vắng đến nhói lòng nhưng may mà em biết nhận ra, mình cần phải cố gắng hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để đối mặt với những thử thách trong cuộc đời. Câu chuyện của V. là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ trẻ về cách nhìn, cách cảm đối với cuộc sống thời hiện đại. Tâm sự của V. còn gửi đến chúng ta thông điệp về trách nhiệm của cha, mẹ: “Mong những bậc cha mẹ hãy là người bạn thân thiết, luôn luôn gần gũi con cái để biết rằng con trẻ đang cần, muốn những gì?”.

  Mỗi người có một quan niệm về “người cha hiện đại” khác nhau. Song, họ đều có những điểm giống nhau đó là người cha phải biết sống hết mình cho gia đình, cho con cái chứ không phải một người cha luôn chạy đi tìm cái ích lợi riêng tư. Với nhà văn Bích Ngân, “người cha hiện đại” có thể hiểu là người cha của thế kỷ 21, 22… hoặc xa hơn nữa. “Người cha hiện đại” là người mẹ đóng vai cha hoặc người cha đóng vai mẹ một cách thuần thục. Đây là hình ảnh cần có để đối diện với cuộc sống gia đình trong tương lai. Đó cũng là dự báo về một xã hội, về cuộc sống gia đình đơn (chỉ có mẹ và con hay cha và con). GS.Trần Văn Khê nói: “Người cha hiện đại” phải có gốc từ hình ảnh người cha truyền thống, không gia trưởng, biết yêu thương chăm sóc con cái, là trụ cột của gia đình. Người cha ấy còn hiện đại trong cả tư tưởng, định hướng tương lai cho con cái, không quá can thiệp vào những ước mơ, hoài bão của con”.

Chuyện về những “người cha hiện đại”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè không thường xuyên gần gũi các con, nhưng trong mỗi bức thư gửi cho gia đình, bà luôn tranh thủ dạy con điều hay lẽ phải. Không có thời gian để dạy từng người, bà dạy cho con cả để đứa lớn truyền đạt lại cho đứa nhỏ. Bà kể lại: “Thư tôi gửi đi lúc nào cũng có những dòng hỏi han, dạy dỗ các con. Lúc đó, ba sắp nhỏ cũng đang ở chiến trường, bị kiểm soát rất chặt nên không thể thăm hỏi, dạy dỗ các con qua thư. Tôi phải vừa làm mẹ, vừa làm cha”. Trong hoàn cảnh này, mẹ Bùi Thị Mè cho rằng mình đã làm tròn vai trò của một người cha, mà đó là người cha hiện đại.

GS.Trần Văn Khê có một thời gian dài (55 năm) công tác ở nước ngoài. Ông có bốn người con nhưng những lần vợ sinh con, hầu như ông không có mặt. Đặc biệt, khi vợ mang thai cô con gái được hai tháng tuổi, ông lại phải sang Pháp. 19 năm sau ông mới được gặp con. Sống cách xa nhau nửa vòng trái đất, thậm chí chưa một lần đối diện nhưng tình cảm của GS.Khê và con gái luôn dạt dào và họ rất hiểu nhau. GS.Khê chia sẻ: “Ngày đi dạy, đêm lại tôi bật máy cassette thu âm những gì mình muốn dạy con. Kể chuyện thân mật cho các con nghe, sau đó gửi về Việt Nam. Các con bên này cũng thế, trả lời, hỏi thăm cha bằng cách ghi âm. Nhờ vậy mà dù không gần các con nhưng tính tình, sở thích mỗi đứa tôi đều biết rõ”.

Theo GS.Khê, “người cha hiện đại” là người cha đang sống trong một xã hội hiện đại, với nhiều tất bật lo toan. Song, những tất bật lo toan ấy không phải là lý do chính đáng để người cha thoái thác trách nhiệm thiêng liêng. “Người cha hiện đại” hoàn toàn không nói vì thế này, tại thế kia… Làm cha không phải ở gần bên con mới dạy con được mà ở bất cứ nơi đâu cũng có thể làm tốt vai trò này.

Trần Tuy An (giaoduc.edu.vn)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.