Cha mẹ “xấu xí”
(TBKTSG) - Nhân đọc bài về các khu vui chơi trẻ em đăng trên TBKTSG tuần trước, tôi xin kể vài mẩu chuyện nho nhỏ nghe được về những ông bố, bà mẹ xấu xí!
1. Chị bạn tôi mới quen từng sinh sống ở Nhật 12 năm. Sau thời gian về nước làm giám đốc một trung tâm vui chơi trẻ em, chị đã phải thốt lên: “Nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam hành xử kỳ cục quá!”. Sự kỳ cục mà chị không thể lý giải đó, theo chị, đang gây hại cho chính những đứa con của họ.
Chị kể trong dịp Tết vừa qua, nhân viên của trung tâm đã gặp tình huống dở khóc dở cười. Chuyện là khu học lái xe tại đây có 10 chiếc bàn vô lăng điều khiển dành cho 10 bé chơi. Mỗi lượt chơi có thời gian, số lượng được ghi rất cụ thể ở bên ngoài cửa kính. Hôm đó, khu vực này đã tiếp nhận đủ 10 bé. Nhưng sau vài phút đi lấy đồng phục cho các bé, nhân viên phát hiện số lượng trẻ đã thành 11 từ lúc nào và không thể nhận biết “nhân vật” mới là ai. Giải pháp được đưa ra là ghép hai bé vào một ghế cùng chơi. Cuối buổi, hai bạn nhỏ ngồi cùng ghế được nhân viên tặng quà, khen ngợi trước mọi người vì đã chia sẻ đồ chơi với bạn và các cậu nhóc rất vui vì điều đó.
Nhưng giữa lúc đó, mẹ của một cậu bé tiến về phía nhân viên trách móc nặng nề chuyện con chị ta phải ngồi chung ghế với người khác. “Chỉ tội cậu bé con, đang vui vì được khen và tặng quà, thấy mẹ như thế thì không hiểu chuyện gì, mặt buồn thiu”, chị bạn kể.
Lại có bà mẹ dẫn ba đứa con đến chơi bằng vé mời, trong đó đứa nhỏ nhất 5 tuổi luôn đi cùng mẹ. Đến giữa buổi, bà mẹ gọi nhân viên trách móc rằng khu vui chơi gì mà đông đúc, quản lý không khoa học khiến con của chị chỉ mới chơi được có một trò chơi. Chị này đòi lại tiền vé! Khi kiểm tra trên hệ thống, nhân viên phát hiện đúng là đứa con nhỏ của chị mới chơi có một trò nhưng là do cháu đi cùng mẹ và mẹ thì luôn theo sát các chị. Hai đứa con lớn của chị, mỗi đứa chơi được 6 trò, mức không hề ít so với nhiều người khác. Vậy nhưng, sau khi nghe giải thích, chứng minh, chị này vẫn cự cãi đòi lại tiền (dù chị sử dụng vé mời, không phải bỏ ra đồng nào), mặc cho các con ngơ ngác ở bên cạnh.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện kỳ cục mà chị bạn tôi đã chứng kiến. Những chuyện như con cái đang vui vẻ xếp hàng đợi đến lượt chơi theo đúng hướng dẫn nhưng ba mẹ cầm tay con vượt lên trên; hay chuyện xả rác bừa bãi, nằm ngủ trên ghế ngồi... thì nhiều vô kể. Là người làm dịch vụ, dù không hài lòng, chị bạn tôi vẫn phải xử lý nhẹ nhàng, khéo léo. Nhưng với tư cách là bà mẹ có con đang tuổi lớn, chị cảm thấy thương cho những đứa trẻ là con của các ông bố, bà mẹ kỳ cục kia. “Họ đã tạo điều kiện cho con đi chơi để vừa chơi vừa học, nhưng họ lại làm ngược lại những điều con cái cần được giáo dục”, chị chia sẻ.
2. Nơi cháu tôi làm việc là một trường mầm non tư thục hạng sang ở một khu dân cư cao cấp. Học phí cho mỗi cô, cậu nhóc là 15 triệu đồng/tháng. Lương cô giáo chỉ gần 4 triệu đồng/tháng với nhiều nhiệm vụ: lo ăn, lo ngủ, lo tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo, chải tóc... cho hai học trò.
Nhiều bữa đi làm về, cháu tôi mặt mày bí xị, không thèm ăn uống mà nằm vật ra giường, trông rất mệt mỏi. Hỏi chuyện thì được kể là hôm nay bị cô hiệu phó nhắc nhở vì phụ huynh mắng vốn “cột tóc cho con tôi xấu quá!”, hay “nó về nhà không chịu uống nước”, hoặc là hàng tá chuyện khác.
Cháu tôi còn kể, sáng sáng phụ huynh đưa con vào lớp, dù mấy đứa nhỏ vẫn vui vẻ chạy vào chào, ôm cô giáo, nhưng nhiều ông bố, bà mẹ áo quần đẹp đẽ, bước ra từ những chiếc xe hơi sang trọng lại không chào hỏi lấy một lời, thay vào đó là lối nói trống không, rằng hôm nay phải cho con họ uống nhiều nước thế này, mặc quần áo cho nó như thế kia... “Đến mấy người giúp việc đón con họ thay họ cũng có thái độ y vậy, không coi cô giáo ra gì, cũng cằn nhằn, trách móc đủ thứ chuyện vớ vẩn”, cháu tôi than.
Cháu tôi tâm sự, thực ra, khi đã chọn cái nghề này thì nó chấp nhận được hết. Chỉ là từ nhỏ đến lớn, ở nhà cũng như đi học, nó đều được dạy “tôn sư trọng đạo”. Nay đi làm cô giáo mầm non chẳng mấy khi được bố mẹ của học trò coi trọng. Nhiều khi không làm gì sai cũng bị hiệu trưởng, hiệu phó phê bình vì họ có thể tuyển giáo viên khác chứ không thể mất khách hàng thượng đế. “Cũng may là mấy đứa nhỏ không như vậy. Tụi nó nghe lời cô, quý cô. Nhờ vậy mà mới gắn bó nổi với nghề”, cháu tôi tâm sự.
Thế mới thấy, để nuôi dạy một đứa trẻ thành người, chưa cần nói đến những điều xa xôi như môi trường xã hội, môi trường giáo dục... mà cần ngay chính trong gia đình chúng những ông bố, bà mẹ không xấu xí!