Xử lý khi trẻ lười học
Tôi có cậu cháu trai năm nay 6 tuổi. Hết hè này, cháu sẽ vào lớp 1. Trong thời gian này, anh chị tôi cho cháu đi học hè bán trú ở nhà một giáo viên mà sau này cháu theo học.
Tại lớp học này, cháu chưa quen ai cả. Ngày đầu đi học, cháu rất phấn khởi. Tuy nhiên, qua ngày thứ hai, cháu lại không thích đi học và xin cho về nhà vào buổi trưa. Sau đó, cháu xin học một buổi. Gia đình khuyên cháu nên chăm học nhưng cháu không đồng ý. Sau đó, bố mẹ đánh cháu nhưng cháu cũng không muốn đi học cả ngày. Cuối cùng, anh chị tôi cũng làm theo lời cháu vì nghĩ cháu không cần học nhiều, để cho cháu thoải mái.
Có điều bây giờ, mỗi buổi đi học, cháu đều đòi dì phải vào ngồi học cùng thì cháu mới học. Tôi cũng vào ngồi cùng hy vọng cháu quen sẽ tách từ từ. Tuy nhiên, tôi lo nếu làm như vậy thì sau này cháu đến trường thì rất khó. Mong tòa soạn tư vấn cho gia đình tôi vì cháu gần nhập học rồi.
Tôi cũng bổ sung thêm, ở nhà cháu rất được cưng chiều. Thời mầm non, cháu học ở trường có mẹ là hiệu trưởng và dì là giáo viên. (Ngọc Trang)
Ảnh minh họa: Wordpress.com |
Trả lời
Chị Trang mến,
Chị là người dì rất thương cháu. Chị cũng là một giáo viên, chị rất nhạy cảm, sớm nhận thấy hiện tượng tâm lý của cháu nên chị lo lắng, muốn giúp cháu thích học và tự lập khi đi học.
Chưa đọc đến dòng bổ sung cuối thư của chị cũng có thể hình dung ngay là cháu đang được cưng chiều. Trong thời gian học mầm non có lẽ cháu được bao bọc và muốn gì được nấy vì có mẹ là hiệu trưởng, dì là giáo viên. Đó là một trong các lý do khiến cháu hết đòi hỏi về nhà buổi trưa, học một buổi, rồi đòi dì ngồi cùng mới học. Sự đòi hỏi của cháu sẽ không dừng lại ở đây nếu cha mẹ và dì không thay đổi cách ứng xử với cháu.
Lý do thứ hai cháu không chịu đi học là vì cháu bị ép đi học cả ngày tại nhà cô giáo tiểu học. Với học sinh mầm non đang quen chơi là chính, chưa thích nghi với việc tập trung ngồi học chữ, số … thì việc học cả ngày với cháu là một gánh nặng cho cả sức khỏe, tâm lý và thói quen.
Lý do thứ ba càng làm cháu sợ học hơn là việc ba đánh cháu, ép đi học. Nhưng cuối cùng thì cũng không ép được cháu vì cháu mới là người có “quyền lực” trong nhà. Càng đánh cháu càng có ác cảm với việc học. Và việc cả nhà sau trận đánh vẫn phải nhượng bộ cháu, cho cháu đi học một buổi càng làm cháu thấy cháu có “quyền” đòi hỏi người khác theo ý mình chứ không phải cháu nên vâng lời cha mẹ.
Cháu đang cần chị ngồi cạnh kèm cháu học như vậy là biểu hiện cháu chưa tự lập trong việc học, chưa hòa đồng được vào tập thể lớp…
Cha mẹ cháu và dì có thể giúp cháu bằng một vài cách sau:
- Xác định học trước khi vào lớp 1 là không cần thiết, nếu có chỉ là quá trình giúp cháu làm quen với cô giáo, trường lớp và việc học hành chứ không phải để ép cháu học nhiều, học trước cho giỏi, vì vậy cho cháu đến lớp sớm chơi cùng các bạn, trò chuyện vui vẻ với cô cần hơn việc học. Và học một buổi là phù hợp với cháu. Mỗi buổi cũng chỉ nên kéo dài khoảng 1 – 1,5 giờ.
- Cùng trò chuyện với cháu, giúp cháu tìm ra những lợi ích, những niềm vui của việc học.
- Cùng cháu biến việc học thành trò chơi tại nhà cùng người lớn hay bạn cùng lứa tuổi. Ví dụ trò chơi bán hàng sẽ dạy cháu học toán, các con số, phép cộng trừ rất nhanh qua việc mua hàng, bán hàng, trả tiền thừa… Trò chơi cùng đọc truyện sẽ giúp cháu tập nhận biết chữ cái, đánh vần…
- Việc kèm học của dì nên tách dần bằng cách rút ngắn dần thời gian ngồi bên cháu. Khi cháu hòa đồng cùng bạn học, cô giáo, khi cháu thích học thì việc cháu tự học mà không cần người lớn kèm sẽ diễn ra nhanh hơn.
- Động viên, khen thưởng kịp thời với những tiến bộ của cháu. Nhưng tránh chiều cháu, tránh làm thay cháu những việc cháu có thể làm. Cần đặt ra nguyên tắc học cái gì, học trong bao lâu, học như thế nào và khuyến khích cháu tập làm theo để tạo thành nề nếp, thói quen học tập tự giác.
Chúc chị và gia đình sớm giúp cháu học tốt – học vui!
Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
(Giảng viên Học viện chính trị quốc gia)