Xin cha mẹ đừng sỉ nhục con!
Có nhiều bậc cha mẹ trong lúc nóng giận thường đánh mắng con và buông ra những lời cay độc.
Thực tế, đòn roi một hai ngày có thể hết đau nhưng những lời nói vô hình kia mới làm chúng tổn thương lâu dài.
Có nhiều bậc cha mẹ trong lúc nóng giận thường đánh mắng con và buông ra những lời cay độc. Ảnh minh hoạ
Một em gái, thi trượt đại học, mẹ đã mắng nhiếc: “Nuôi mày đúng là tốn cơm gạo, tại sao chỉ có ăn với học mà cũng không xong. Mày chỉ đáng xách dép cho con nhà người ta”.
Có bạn tâm sự: “Em có nước da đen, mẹ thường chê em xấu, không giống mẹ nên em tủi thân vô cùng, em không còn muốn chơi với bất kỳ ai nữa”.
Còn bạn Bình bị khuyết tật từ nhỏ, bạn không được đến trường và đang là thợ thủ công tại một trung tâm dạy nghề - tạo việc làm cho người khuyết tật, nói rằng: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi, kiếm được tiền để bố em không còn mắng em là đồ vô dụng nữa”.
Tại sao cha mẹ lại sỉ nhục con cái ?
Do thiếu hiểu biết: Họ cho rằng những lời mắng nhiếc đó sẽ làm con mình hiểu ra vấn đề và thay đổi được mọi chuyện theo ý họ. Chính những lời mắng chửi ấy mới là yêu thương?
Do thất vọng: Trong quá khứ người cha hoặc người mẹ mong muốn một điều gì nhưng không đặt được nên khi có con họ liền đặt hết ước mơ của mình vào con mà mặc nhiên cho chúng phải đạt được. Có những người mẹ vì thích làm bác sĩ nên bắt con phải thi vào Đại học Y trong khi người con ấy cứ nhìn thấy máu là ngất xỉu.
Do bất lực: Khi cha mẹ cảm thấy đánh, mắng không hiệu quả liền chuyển sang nói nhẹ nhàng nhưng mang tính giáo huấn sâu cay. Thậm chí có bậc cha mẹ còn tỏ thái độ “im lặng kéo dài” với con cái - chỉ coi như tồn tại chứ không sống.
Do “giận cá chém thớt”: Công việc, cuộc sống có quá nhiều lo toan mà nhiều bậc cha mẹ trở nên cáu kỉnh, khó gần về đến nhà trút giận lên con cái.
Đừng mang những lời cay độc ra hành hạ con
Thực ra con trẻ rất nhạy cảm đặc biệt với những lời nói sỉ nhục và dễ có phản ứng ngược lại với cha mẹ. Có em mắc bệnh trầm cảm, có em học hành trở nên sa sút, có em lại có khuynh hướng bạo lực nên các chuyên gia tâm lý khuyên rằng:
Cha mẹ coi con cái như một người bạn nhỏ chúng sẽ gần gũi với mình hơn và dễ dàng chia sẻ mọi chuyện. Ảnh minh hoạ
Đừng phán xét và chụp mũ con theo kiểu: Sao mày ngu thế? Bài dễ thế này mà cũng không làm được? Hãy nói với con rằng: Lần sau con phải cố gắng nhiều hơn nhé.
Đứa trẻ nào cũng có mặt mạnh, mặt yếu, lúc thế này lúc thế kia do đó khi trẻ có lỗi cha mẹ đừng xoáy vào lỗi ấy hoặc đay nghiến ngày này sang ngày khác.
Hãy để cho con được giãi bày: Khi trẻ có lỗi chắc chắn chúng sẽ lo lắng và buồn phiền. Cha mẹ hãy kiềm chế cơn nóng giận và nghe con bày tỏ. Khi biết con bị điểm kém, cha mẹ hãy con rằng: Hôm nay con có chuyện gì à? Sao lại bị điểm kém. Với thái độ thân mật tỏ ý lắng nghe biết đâu bạn sẽ nghe con giải thích. “ Hôm nay, con bị đau bụng nên hơi mệt, lần sau con sẽ cố gắng hơn, con xin lỗi bố".
Nếu cha mẹ coi con cái như một người bạn nhỏ chúng sẽ gần gũi với mình hơn và dễ dàng chia sẻ mọi chuyện. Như vậy, cha mẹ và con cái sẽ hiểu nhau hơn, bớt được những lúc cáu giận, to tiếng.
Nói giảm nói tránh: Không ai là không kìm được tức giận, nhưng đừng xúc phạm con bằng những lời lẽ cay độc. Đừng rủa con là: mày chết đi hay đồ ngu hoặc tao chán mày lắm. Có thể thay thế bằng: con thật ngốc nghếch, lần sau con đừng như thế nữa nhé. Hoặc để cơn nóng giận qua đi hãy nói chuyện với con lúc ấy cha mẹ cũng bình tĩnh hơn rất nhiều.
Đặt mình vào địa vị của con: Khi con có lỗi, hãy nhớ đến lúc chính mình có lỗi và bị sếp quở trách. Lúc ấy cũng mong sếp cho mình cơ hội được giãi bày, được làm lại hoặc xin lỗi. Cảm nhận của con bạn lúc này cũng vậy đó.
Đừng tiếc lời xin lỗi: Đừng nghĩ trẻ con chưa biết gì, thực ra thói quen trong gia đình dễ hình thành nên thói quen cho con cái, ngay từ nhỏ cha mẹ đã dạy chúng biết nói lời: cảm ơn, xin lỗi, đúng lúc thì không có lý do cha mẹ lại không xin lỗi con khi biết mình đã cư xử sai. Xin lỗi con là dạy chúng cách biết tôn trọng, biết tha thứ người khác đấy.
Hãy để nụ cười của bé luôn rạng ngời thế này cha mẹ nhé! Ảnh minh hoạ
Nếu chỉ yêu con thôi thì sẽ là chưa đủ, cha mẹ còn cần phải có kỹ năng để dạy con ngay từ khi còn rất nhỏ để lớn lên là người có ích cho gia đình và xã hội./.