Trường hợp nào cần hoãn hoặc không tiêm văcxin

Posted in Kỹ Năng Làm Cha Mẹ

vacxin-9033-1390187009.jpg

Cha mẹ nên trao đổi kỹ với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của con để giảm những phản ứng bất lợi. Ảnh: Dương Ngọc. 

Những phản ứng nặng sau tiêm văcxin gồm: sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não, màng não; tím tái; khó thở. Đây là nội dung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ do Bộ Y tế vừa ban hành.

Theo hướng dẫn này, trẻ nên hoãn tiêm khi mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng; sốt từ 37,5 độ C trở lên hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (đo nhiệt độ tại nách); trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2 kg. Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B; đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày cũng nên hoãn tiêm. Ngoài ra, trẻ suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) chống chỉ định tiêm chủng các loại văcxin sống.

Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại. Chẳng hạn với văcxin phòng lao thì những trẻ đẻ non, cân chưa đạt yêu cầu, dưới 2,5 kg thì tạm thời lùi thời điểm tiêm.

Bộ Y tế quy định, tại các bệnh viện khi khám sàng lọc cho trẻ phải lưu hồ sơ bệnh án. Với các điểm tiêm chủng trừ bệnh viện, toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm, thời gian lưu là 15 ngày.

Văn bản trên được Bộ Y tế đưa ra sau một loạt ca phản ứng, đặc biệt có ít nhất 3 trẻ tử vong (tại Bạc Liêu, Quảng Trị, Lâm Đồng) sau khi tiêm lại văcxin 5 trong 1 Quinvaxem. Các kết luận của ngành y tế đều loại trừ nguyên nhân chất lượng văcxin cũng như sai sót trong tiêm chủng. Lý do trẻ tử vong có thể là sốc phản vệ - nguyên nhân bất khả kháng hoặc do trùng với bệnh lý ngẫu nhiên. 

Phương án thay thế Quinvaxem tiến dần đến văcxin vô bào thế hệ mới cũng đã được tính đến và đã trình Chính phủ. Trong thời gian chờ đợi được phê duyệt, hiện văcxin Quinvaxem tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, việc ngưng hay thay thế cần có bằng chứng khoa học.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ có thể liên hệ với nhân viên tư vấn hoặc cán bộ y tế xã để được tư vấn. Nếu trẻ có các biểu hiện như: sốt cao hơn 2 ngày, sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm... thì cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Bảng kiểm trước tiêm chủng đối với trẻ:

1. Sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước.
2. Đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính tiến triển.
3. Đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid/gammaglobulin.
4. Sốt hoặc hạ thân nhiệt.
5. Nghe tim bất thường.
6. Nhịp thở, nghe phổi bất thường.
7. Tri giác bất thường (ly bì hoặc kích thích).
8. Có các chống chỉ định khác.

Trẻ đủ điều kiện tiêm chủng nếu tất cả đều không có điểm bất thường. Khi có điểm bất thường tại mục 1 và 8 thì chống chỉ định tiêm. Nếu có bất kỳ một điểm bất thường nào tại các mục khác thì nên tạm hoãn tiêm chủng. Với trẻ sơ sinh, cần chú ý thêm vấn đề cân nặng. 

Phương Trang

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.