Dạy trẻ cách tiết chế bản thân
Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con gái năm tuổi. Cháu phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, chỉ có một điều tôi khá lấn cấn trong cách dạy.
Đó là cháu thích món nào thì ăn món nấy thật nhiều, không ăn những món khác, cũng không để ý những người xung quanh mình; cháu thích xem phim hoạt hình thì bật kênh ấy để suốt; cháu thích chơi gì thì chơi mãi không thôi… Tuần rồi, về quê nội, cháu không ở nhà nội ăn đám giỗ mà sang nhà hàng xóm chơi miết do nhà này cũng có bé gái trạc tuổi. Tôi gọi hoài, cháu không chịu về và còn phụng phịu, giận dỗi, quăng đồ chơi tứ tung. Tôi lo ngại cháu lớn lên sẽ “ăn chơi vô độ”, không biết điểm dừng. Nhưng khi tôi bày tỏ suy nghĩ, chồng tôi cười bảo "chớ lo bò trắng răng”, trẻ nhỏ nào chẳng thế, khi lớn sẽ tự điều chỉnh; ở tuổi mầm non, còn quá sớm để dạy trẻ tiết chế bản thân. Chồng tôi cho rằng nên cứ để cháu thỏa mãn những gì ham thích thì cháu mới tận hưởng được niềm vui của cuộc sống vì tuổi thơ có được bao lâu; nếu cha mẹ hà khắc, cháu sẽ không cảm nhận được tình yêu của cha mẹ. Anh ấy nói cũng có lý nhưng tôi vẫn chưa hết lo vì thấy cháu ngày càng thái quá.
Ngọc Huyền (TP.HCM)
Chị Ngọc Huyền mến,
Vợ chồng chị đang có một bé gái rất hồn nhiên. Tôi hình dung cô bé là một đứa trẻ hạnh phúc, tự nhiên, tự tin và rất vô tư. Cha mẹ nhìn con như vậy nhiều lúc sẽ thấy vui lây với khả năng “hưởng thụ” của con. Cháu ăn hay chơi, xem ti vi… đều trong sự say mê mà đôi khi người lớn chúng ta không tìm lại được. Có lẽ vì nét đáng yêu này mà cha cháu có ý kiến khác chị, muốn “cứ để cháu thỏa mãn những gì ham thích”. Chị cũng thấy có lý trong suy nghĩ của anh, nhưng bản thân chị đang lo cháu ích kỷ, chỉ biết mình mà quên cảm nghĩ của người xung quanh, không biết nhường nhịn. Lo lắng của chị là rất cần thiết.
Ông bà ta có câu: “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”. Cha mẹ không nên vì sự đáng yêu thơ ngây của con mà quên uốn nắn những hành vi xấu. Những hành vi như ăn thỏa thích đến mức bé ăn hết phần người khác; không chịu về ăn giỗ, mẹ gọi còn giận, quăng đồ chơi… là hành vi xấu. Chúng ta không nên xóa nhòa ranh giới của sự hồn nhiên, ngây thơ với những hành vi “vô lối” của trẻ.
Với hành vi vô lối đó, chị nên kiên quyết uốn nắn. Vấn đề cốt yếu là cần nắm bắt tâm lý của trẻ để có biện pháp phù hợp. Ví dụ khi cháu ăn quá nhiều, không để ý đến người khác, chị nên nhẹ nhàng nhắc cho cháu nhớ ba mẹ chưa được ăn. Nếu cháu vẫn không dừng lại thì chị cần chia phần thức ăn để cháu ý thức được ai cũng có phần riêng của mình, cháu chỉ được ăn trong phần của cháu. Sang năm cháu đã vào lớp 1, thói quen này rất quan trọng để cháu học cách “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, có như vậy cháu mới được bạn bè, thầy cô yêu mến. Hay như khi cháu đang mải chơi không chịu về ăn giỗ, chị có thể khéo léo làm cháu ngừng chơi, khuyến khích cháu tham gia ăn giỗ cùng cả nhà bằng cách nói cỗ có nhiều món cháu thích, hay có nhiều bạn đang đợi… Với trẻ con, dỗ dành có lợi hơn là bắt ép cháu phải ngưng ngay trò chơi thú vị để tuân theo lệnh của người lớn.
Biện pháp uốn nắn nhẹ nhàng, phù hợp với tâm lý của con sẽ giúp con dần dần rèn luyện được các thói quen tốt, biết cách ứng xử, biết kiểm soát bản thân. Và khi chị làm được điều đó, anh sẽ thấy không có sự hà khắc, không làm mất tuổi thơ hồn nhiên của con. Cha mẹ biết dạy con mới là yêu con đúng cách, chiều theo con mới là không biết yêu con. Chúc anh chị và cháu luôn hạnh phúc!
Phạm Thị Thúy (Chuyên viên tham vấn)
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.