Chọn trường như chọn đất gieo mầm
“Môi trường tốt nhất cho sự hình thành nhân cách của trẻ có thể tìm ở đâu trong hoàn cảnh hiện nay nếu không phải là nhà trường”.
“Con người ai cũng có số cả. Muốn “cải” số của mình phải bắt đầu từ hành vi. Mỗi thói quen tốt đều phải hình thành từ hành vi, lặp đi lặp lại mỗi ngày” – TS Đinh Phương Duy, chủ tịch hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM khai mở buổi toạ đàm trực tuyến “Chọn trường cho con: thói quen hôm nay – tính cách ngày mai” tại Sài Gòn Tiếp Thị sáng 7.6 như thế.
Cuộc toạ đàm thu hút hơn 40 bạn đọc tham dự trực tiếp và hàng ngàn lượt bạn đọc theo dõi qua mạng internet với gần 100 câu hỏi trực tuyến. Cùng tham dự có các khách mời: NSƯT Kim Xuân và bà Bùi Thị Liên Chi, hiệu trưởng trường phổ thông Sao Việt (Vstar School).
Gieo thói quen gặt tính cách
Theo TS Đinh Phương Duy, vấn đề giáo dục kỹ năng sống, giáo dục nhân cách luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha mẹ. Dù hoàn cảnh xã hội thay đổi thế nào, môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường bao giờ cũng tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách của các em. Ông Duy cho rằng, hiện nay xã hội đang đứng trước những biến chuyển về giá trị, gia đình cũng không tránh khỏi những tác động đó nhưng không phải mọi thay đổi đều tiêu cực. Do vậy, các bậc cha mẹ phải chủ động chuẩn bị cho trẻ tiếp nhận những đổi thay để giúp trẻ hình thành thói quen tích cực, hạn chế thói quen tiêu cực. Sự chủ động của các bậc cha mẹ trong việc định hướng giáo dục con em sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn là sự quan tâm từ bên ngoài hoặc “giao khoán” việc giáo dục cho người khác.
Vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là hiện có rất nhiều trường, trung tâm mở ra các chương trình kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Điều đó cho thấy trong hoàn cảnh xã hội khủng hoảng như hiện nay, vai trò của nhà trường và gia đình trong giáo dục nhân cách đã yếu đi. Nghệ sĩ Kim Xuân thắc mắc: Vì sao rất nhiều bậc cha mẹ than vãn vì không dạy được con? Phải chăng chúng ta đã quá cưng chiều chúng? Lòng yêu thương dành cho con là chuyện muôn đời, nhưng yêu thương cách nào để chúng có thể trưởng thành, tự lập sau này? “Tôi luôn quan niệm, trẻ giống như cây non, làm thế nào để khi chúng lớn lên có thể chống chọi với phong ba bão táp trong đời”. Từ câu chuyện gia đình mình, nghệ sĩ Kim Xuân muốn đúc kết vấn đề: khi trẻ không thích học, chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao chúng không chịu đến trường. “Xin các bậc cha mẹ đừng áp đặt mong muốn của mình đối với con cái, mà hãy thổi bùng lên trong chúng ngọn lửa đam mê học tập và sáng tạo”, nghệ sĩ Kim Xuân bộc bạch.
Hãy tôn trọng và làm bạn với con trẻ
Đồng cảm với nhiều bậc phụ huynh, nghệ sĩ Kim Xuân chia sẻ: trước 1975, hầu hết các trường học đều được dành vị trí đẹp, diện tích rất “ngon lành”; nhà trường là nơi để thế hệ trẻ thoả sức tung hoành, thể hiện mình, tự do sáng tạo và phát triển nhân cách và trí lực. Nhưng một thời gian sau thì những điều kiện đó teo tóp dần. “Môi trường tốt nhất cho sự hình thành nhân cách của trẻ có thể tìm ở đâu trong hoàn cảnh hiện nay nếu không phải là nhà trường”, nghệ sĩ Kim Xuân nói. Trong khi đó, không phải ngôi trường nào cũng đáp ứng được đầy đủ yêu cầu đó.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Liên Chi, hiệu trưởng trường phổ thông Sao Việt, cho biết: “Nhiều trường hiện chỉ tập trung đến việc học và thành tích của học sinh, ít quan tâm đến rèn luyện nhân cách, thể lực. Theo tôi, một học sinh giỏi nhưng khiếm khuyết về nhân cách thì chưa chắc có ích cho xã hội”. Trả lời câu hỏi bạn đọc về thực trạng nhiều gia đình bỏ rất nhiều tiền cho con học kỹ năng sống, nhưng sau khoá học nhiều khi đâu vẫn hoàn đấy, vậy vai trò của nhà trường như thế nào trong chuyện này, bà Liên Chi chia sẻ: kỹ năng là hệ thống những thói quen tốt phục vụ cuộc sống hàng ngày. Vì thế, trẻ cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Không thể nào cho con học một khoá học ngắn hạn là yên tâm được, các em cần phải thực hiện thói quen dưới sự động viên của gia đình và nhà trường hàng ngày. “Phụ huynh nên chọn môi trường học nào có ý thức xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống dài hạn, và phụ huynh phải đồng hành cùng nhà trường trong việc theo dõi đánh giá các em thực hiện những kỹ năng này”, bà Chi nói.
Bạn đọc Trần Minh Thái, một phụ huynh có con ba tuổi, hỏi: “Thế 7X của chúng tôi được xem như những “gà công nghiệp”, không được tự do thể hiện cá tính, không có sáng tạo… Nhưng trẻ con ngày nay cũng rất nguy hiểm, dễ xung đột với người lớn, làm sao để xử lý một cách hài hoà mâu thuẫn giữa các thế hệ?” TS Phương Duy cho rằng, kỹ năng sống là cách thức con người thích ứng với hoàn cảnh xã hội để tồn tại và phát triển một cách phù hợp với mong đợi của mình và của xã hội. “Một nền giáo dục hiện đại luôn khuyến khích sự phát triển tối đa năng lực của cá nhân, có phương pháp giáo dục riêng đối với từng học sinh trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt là khuynh hướng mà nền giáo dục Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên điều đó còn tuỳ thuộc từng nơi, vào mỗi nhà trường và bản thân những người làm giáo dục”, ông Duy kết luận.
|
TS Đinh Phương Duy, chủ tịch hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM:
"Mỗi trẻ em là một thế giới riêng. Chúng nhìn cuộc đời qua lăng kính riêng của chúng. Không nên bắt buộc mọi trẻ em phải giống nhau và áp đặt chúng theo khuynh hướng mà người lớn muốn". |
|
Bà Bùi Thị Liên Chi, hiệu trưởng trường phổ thông Sao Việt (Vstar School):
"Trẻ em không thể nên người chỉ nhờ vào một chương trình ngắn hạn. Sự hình thành nhân cách phải thông qua giáo dục lâu dài, liên tục và có định hướng. Phải giúp trẻ loại bỏ thói quen xấu bằng sự hình thành thói quen tốt. Muốn làm được điều đó, người lớn phải là những tấm gương". |
|
NSƯT Kim Xuân:
"Đừng để trẻ nghĩ tình thương của cha mẹ như nước mưa, đến mùa thì tuôn xối xả, mùa khô thì nhỏ giọt. Con tôi từng trách trên báo rằng "Mẹ yêu công việc hơn con". Nếu có thể, các bạn hãy trở về nhà với con thay vì dành thời gian cho những thói quen khác mà mình yêu thích". |
Diệu Thuỳ (lược ghi), ảnh: Thanh Hảo
Phụ huynh đăng ký và đóng học phí cho con vào học tại trường phổ thông Sao Việt (Vstar) năm học 2012 – 2013 trước ngày 15.6.2012 sẽ tiết kiệm tối đa 39.540.000 đồng. Địa chỉ liên hệ:
Trường phổ thông Sao Việt
Khu dân cư Him Lam, Đường Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM
Điện thoại: 08. 62 666 888 - Fax: 08. 62 989 086
Đường dây nóng: 0932 111 888
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - www.vstar.edu.vn
Nguồn: SGTT.VN