Bữa tiệc cuối năm
Trong bầu khí ân cần và lịch sự của Chương Trình Chuyên Đề (CTCĐ), một bữa tiệc thịnh soạn vừa ngon, bổ và rẻ do Ths. Phạm Thị Thúy chuẩn bị và khoản đãi, tại Giảng đường Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, lầu 1, Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Bữa tiệc có tên:
“Kỹ năng nói chuyện trước công chúng”
Gần 200 học viên của Chương trình Chuyên đề thuộc mọi lứa tuổi, đa số là giới trẻ, các nam nữ sinh viên và nữ tu thuộc nhiều dòng tu khác nhau, đã tham dự với những hào hứng và nhiệt tình không thể cao hơn.
Bữa tiệc rất hấp dẫn ấy trở nên đặc biệt ý nghĩa vì đã được tổ chức và diễn ra vào buổi chiều của năm cùng tháng tận, ngày thứ Bảy 31 tháng 12 năm 2011. Vị thạc sĩ khả ái này là giảng viên huấn luyện phương pháp sư phạm và đào tạo nhân sự, chị là Phật tử và từ ít lâu nay, cũng là vị giảng viên rất gắn bó và thân thương của Chương trình Chuyên đề.
Vị nữ tu chủ trì Maria Hồng Quế và Thầy Mai Thanh Hoài đã dùng những lời lẽ trang trọng nhất để giới thiệu về người giảng viên xuất sắc này, cùng với vị khách mời khả kính là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu cũng hiện diện trong bữa tiệc cuối năm hôm nay.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở”
Một câu tục ngữ vô cùng dân dã quen thuộc nhưng cũng hết sức sâu sắc và thâm thúy để khẳng định mạnh mẽ rằng, cái gì cũng phải học, nhất là học ăn và nói.
Ai không phải ăn, nhưng ăn làm sao cho lịch sự, ăn thế nào để bổ dưỡng mà không bệnh tật, khi nào thì cần “ăn để sống hoặc sống để ăn” là điều không phải ai cũng biết nếu không được học.
Ai cũng nói được, nhưng nói thế nào để mang lại hòa khí, niềm vui, hơn thế nữa, phải nói ra sao để có thể gây thiện cảm với mọi người là điều không hề đơn giản. Vì lời nói sẽ là cầu nối của những giao tình. Lời nói cũng là chìa khóa mở ra các cánh cửa thành công hoặc ngược lại, lời nói sẽ mang lại những tai họa, ác cảm và thất bại qua cách truyền đạt, nhất là khi phát biểu trước đám đông.
Bữa tiệc gồm 3 phần: bí quyết để một buổi thuyết trình thành công, phần thực hành và cuối cùng là giao lưu Hỏi – Đáp giữa học viên với diễn giả và những người nhiều kinh nghiệm nói trước đám đông.
Bí quyết của một buổi nói chuyện thành công. Phần thực hành
Nói trước đám đông là kỹ năng cần thiết nhất của thế kỷ 21 giúp thành công không chỉ trong sự nghiệp, nhưng thành công trong mọi lãnh vực và quan hệ trong đời sống, dù bạn là ai. Ngay cả khi bạn chỉ là một người nội trợ bình thường, đám đông của bạn có vẻ chỉ là chồng và con bạn trong gia đình, nếu bạn biết truyền đạt đúng cách, bạn sẽ dạy con nên người và chinh phục trái tim người bạn đời của mình và do đó bạn sẽ có một gia đình hạnh phúc. Nếu bạn là một công chức hoặc nhân viên, qua những buổi họp luôn không thiếu trong cơ quan, đơn vị, khả năng nói trước công chúng của bạn sẽ thể hiện uy tín và có được mọi người nhìn nhận, tin tưởng hay không qua khả năng thuyết phục nhờ kỹ năng nói trước công chúng.
Với phong thái cởi mở dễ gần và bằng một giọng nói lưu loát vui tươi đầy kinh nghiệm, ngay từ những phút đầu, diễn giả đã làm bầu khí của giảng đường rất sôi động với trò chơi “Gương” và “Người soi gương”.
Hai người đứng đối diện, kết nối từng cặp với nhau, người này làm “gương”, người kia làm kẻ “soi gương”. Người này nhăn nhó hoặc cười tươi, lập tức gương sẽ nhăn nhó hoặc cười theo, cả giảng đường ồn lên, rất hào hứng.
Trò chơi này chỉ nhằm minh họa một điều: nói trước đám đông khi đứng trên sân khấu cũng giống như soi gương vậy, sẽ được hồi đáp lại phù hợp qua thái độ của người nghe.
Thế nào là một buổi nói chuyện hấp dẫn và thành công ?
Câu hỏi nóng này đã được đưa ra trong giảng đường, mỗi người đều có cơ hội trả lời theo sự hiểu biết và quan điểm riêng mình. Người thì bảo rằng, cần cách trình bày mạch lạc, có nội dung rõ ràng. Người khác lại cho rằng, cần nói đúng nhu cầu người nghe. Người khác nữa lại quan niệm rằng, cần giọng nói truyền cảm và một chút hài hước thu hút và chú ý.
Nhiều lắm những câu trả lời, ai cũng có thể phát biểu nếu muốn.
Để đúc kết, diễn giả đã đưa ra đáp án cho câu hỏi mà ai cũng đồng ý rằng, có 2 tiêu chí nói lên buổi nói chuyện thành công đó là :
1/ Người nghe và người nói đều hài lòng.
2/ Muốn nghe nữa, ở những lần khác.
Tiếp theo đó là phần thực hành, phần hấp dẫn và thú vị nhất.
Mỗi người có 5 phút cho đề tài tâm đắc nhất của mình. Người sau nhận xét về người trước và phần góp ý và đánh giá cuối cùng của chính diễn giả.
Có 4 người đăng ký trước với Ban Tổ Chức để thực hành, nhưng bầu khí hứng khởi đã lôi cuốn và lần lượt nhiều người khác nữa đã giơ tay và đều có dịp nói trước đám đông.
Thật là vui khi tiếng chuông báo hết giờ ( 5 phút), nhưng vị “diễn giả tập sự” trên sân khấu vẫn chưa nói hết đề tài của mình. Có người lại cầm micro không đúng cách. Có người lại hơi run. Có người nói lan man không đi vào trọng tâm điều phải nói. Có người rất tự nhiên nhưng thiếu tế nhị….Tuy nhiên, phần nói chuyện của anh Ngọc Anh, một giáo viên nhiều tâm huyết đã gây một ấn tượng đẹp qua phần chuẩn bị chu đáo với kỹ năng truyền đạt tốt của mình và chuyển một thông điệp đầy thuyết phục đến mọi người: “Hãy là bạn với con cái và học trò của mình”.
Qua bài nói của mình, mỗi người đã được trước hết, chính bạn bè mình góp ý, chỉnh sửa, sau đó là phần đánh giá, góp ý của diễn giả.
Rất vui và thật nhiều nụ cười qua phần thực hành này.
Nói tóm lại, mỗi người đều có những kinh nghiệm riêng và do đó, đều có bí quyết riêng, nhưng để bài thuyết trình thành công đều cần có những điều chung nhất, đại ý :
- Tìm hiểu cử tọa, khán giả.
- Tự tin, cởi mở.
- Lắng nghe, quan sát, hài hước.
- Chuẩn bị kỹ về nội dung và phương tiện.
- Biểu cảm trên khuôn mặt, động tác tay hết sức quan trọng. Diễn giả Obama là mẫu gương và cũng là thí dụ điển hình.
- Cầm micro luôn ở tư thế 450 và 2/3 của micro, không để che mất miệng khi nói, dễ điều chỉnh âm lượng to, nhỏ của giọng nói.
- Nhìn vào mắt cử tọa với nhiều thiện cảm, nhưng là nhìn bao quát từ trên xuống dưới, từ trái qua phải… hoặc nhìn trên cử tọa, cùng với nụ cười tự nhiên luôn không thể thiếu, tất nhiên, cái cười này cũng phải phù hợp với nội dung bài nói và bầu khí. Sẽ rất phản tác dụng, khi bầu khí căng thẳng mà diễn giả lại…cười.
- Tôn trọng người nghe.
- Nói rõ ràng, to vừa đủ.
- Nghiêng mình về khán giả.
Không ai tự nhiên nói hay, nói tốt, nhưng là do thực hành và ý thức tập luyện. Người nghĩ rằng mình nói hay, cuối cùng sẽ trượt dốc trong sự chủ quan của mình.
Luôn luôn chuẩn bị hoàn hảo nhất có thể, đó chính là bí quyết của mọi bí quyết và giúp thành công lâu dài.
HỎI – ĐÁP
Gần 5 giờ chiều, bữa tiệc đang đi vào những phút cuối qua phần giao lưu với những vị nhiều kinh nghiệm nói trước công chúng. Mỗi người cũng chỉ có 5 phút trong phần này.
Anh Ngọc Anh hỏi :
Làm thế nào để đưa cử tọa trở lại đề tài, khi cử tọa hỏi những câu ra ngoài nội dung thuyết trình ?
GS. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu trả lời: Là người ở nước ngoài 37 năm, vị diễn giả này rất tâm đắc về buổi nói chuyện hôm nay, một trong các điều ấy là phát tài liệu trước trong lớp để mọi người có dịp trao đổi, thảo luận. Khi cử tọa đi ra ngoài nội dung thuyết trình, ta có thể nhẹ nhàng cùng một chút hài hước đưa họ trở lại. Đây là một nghệ thuật khác với kỹ năng nói chuyện trước đám đông, mà nghệ thuật thì cần luôn luôn được làm phong phú qua học hỏi và cầu nguyện. Nhiều tràng vỗ tay tán thưởng cho phần trả lời của Tiến sĩ.
Một câu hỏi khác:
Với những chủ đề mình thích thì sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng với các chủ đề mình không thích thì sao và phải thế nào để làm tốt ?
Thầy Mai Thanh Hoài trả lời: Người diễn giả đúng nghĩa không có quyền lựa chọn (no choice), có đề tài là thế mạnh và cũng có đề tài không là thế mạnh, nhưng vấn đề chưa hẳn là ở đề tài, nhưng là nói cho đối tượng nào? Khán giả mong muốn điều gì? Tự trả lời 2 câu hỏi đó, mình sẽ biết dùng phương cách nào để chuyển tải, giống như đi dự một bữa tiệc vậy, có khi dọn ra từng món hoặc nhiều món cùng lúc cho đề tài không là thế mạnh của mình. Hãy tập biết “ làm việc mình thích và thích việc mình phải làm”.
Một câu hỏi khác cho diễn giả:
Làm thế nào để tay không run?
Trả lời: Đừng để tay nhàn rỗi và trống rỗng. Hãy cầm một vật gì đó như tờ giấy, micro, cây bút…. Nếu không sẽ rất dễ run và quờ quạng lung lung.
Câu hỏi khác nữa:
Có nên thuyết trình hay không khi được mời gọi đề nghị khi chuẩn bị chưa được chu đáo lắm?
Trả lời: Tất nhiên rồi, trước một buổi thuyết trình quan trọng cần phải chuẩn bị chu đáo, nhưng với những buổi thuyết trình ít quan trọng hơn, dù chuẩn bị chưa được chu đáo, vẫn nên phát biểu và thuyết trình vì đó là những cơ hội tốt cho ta thực hành. Phải liều, phải mạnh dạn và tự kỷ ám thị trong đầu: Tôi làm được! Tôi làm được điều ấy, nhưng dĩ nhiên cũng phải có một số ý tưởng nhất định để trình bày để không nói lung tung.
Sau câu hỏi cuối liên quan đến khả năng viết và nói của diễn giả, cùng với những tờ giấy nhỏ như một tờ phiếu đã được phát cho từng cử tọa, để mọi người có dịp nói lên cảm nhận về buổi thuyết trình hôm nay.
Buổi thuyết trình đã thực sự trở nên một bữa tiệc vui tươi, thịnh soạn và nhiều ý nghĩa. Mọi người đã nhận được lời chúc và cùng chúc lẫn nhau An Bình, Hạnh Phúc và Thành Đạt nhân ngày năm mới sắp đến.
Cuối giờ chiều, ra về, ai cũng có nụ cười trên môi sau bữa tiệc cuối năm đầy thú vị và bổ ích.
Xuân Thái (chuongtrinhchuyende.com)