Đời sống tinh thần của người cao tuổi
Đức Phật dạy rằng: Con người có tám nỗi khổ. Trong bốn nỗi khổ đầu tiên là “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”, thì “Lão – Già” thực sự là một nỗi khổ mà những ai đã già mới thấm thía sâu sắc. Với ý nghĩa đó, nhà nước ta đã quan tâm đến cả một thế hệ người già mà lập ra Hội Người Cao Tuổi và có kế hoạch chăm sóc người cao tuổi chu đáo. Làm sao cho người già bớt khổ mà sống vui, sống khỏe, sống có ích cho tới cái ngày nhắm mắt xuôi tay ra đi. Đó là mục tiêu phấn đấu của chúng ta, tức là từng ngày còn sống trên cõi đời này là từng ngày được an vui.
Tuy nhiên, để có được điều này không phải dễ, ngay cả những người xuất gia tu hành nếu thực hành sai lời Phật dạy vẫn chết trong đau khổ như thường. Ngược lại, có những người cuộc sống của họ đẹp đến nỗi tự tại bình thản vui vẻ trước khi ra đi và thậm chí có người còn báo trước ngày chết. Trong cuộc sống chúng ta cũng thường chứng kiến có những con người đã đi đến một kết thúc đẹp như thế! Thì đây chính là giá trị của con người đó.
Có nhiều cách hiểu về “Già”: Thứ nhất là tuổi cao, tuổi già. Thứ hai là già trên thực tế, tức là thể chất yếu, tinh thần giảm và không còn khả năng đóng góp gì cho cuộc đời nữa. Lại nữa, có một cách gọi “Già” là già trên quan niệm, tức là người này tuy tuổi chưa cao nhưng không muốn làm gì cho đời nữa, chỉ thích hưởng thụ, thích được người khác cung phụng,v.v,… thì ngay lập tức người đó già, già thật sự. Cái già trên quan niệm – không muốn cống hiến nữa – là hết sức nguy hiểm cho chúng ta.
Có những tố chất để thẩm định “Người già mà không già”, đó là: Những người luôn tìm cách cống hiến, luôn tìm cách phụng sự cho đời thì những người đó không biết họ bao nhiêu tuổi nhưng ta nói người đó không già vì ước muốn cống hiến không ngừng của họ.
Ta có một triết lý sống “Một ngày sống vô ích thì ngày đó miếng cơm manh áo là sự phí phạm, là cái nợ, kể cả người già”. Ví dụ như có người bắt đầu đi vào tuổi già, nhưng vẫn còn cống hiến được, vẫn còn làm được cái gì đó cho gia đình, cho làng xóm của mình hoặc tham gia Câu lạc bộ, hoặc đến với Hội Người Cao Tuổi, cùng nhau chăm sóc người yếu hơn mình. Tức là không dừng sự cống hiến “Một ngày sống là một ngày có ích”.
Có những trường hợp người có phúc thì họ dư ăn dư để và họ không cần làm gì mà vẫn có đủ cơm ăn, áo mặc. Nhưng đó là điều nguy hiểm mà nếu ta hiểu được đạo lý “Nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực”, bởi vì phước quá khứ của ta cho phép ta không phải làm điều gì vẫn đủ ăn đủ mặc. Tuy nhiên nếu ta sống hưởng thụ tức là ta đang mất lý tưởng sống của mình thì coi chừng ta không có một cái chết an vui tốt lành vì khoảng tuổi già ta sống vô ích.
Cái tuổi về hưu, cái quãng đời tuổi già nếu ta sống vô ích ta sẽ rất khổ vì bệnh đau, có khi sống không được chết cũng không được, ta trở thành gánh nặng cho con cháu khi về già. Còn nếu trong khoảng tuổi già đó, ta tiếp tục sống có ích thì lúc cuối đời ta được an lành, có một cái chết nhẹ nhàng thanh thản. Trong cái luật nhân quả của đạo Phật thì cái phúc và tội của kiếp xưa ảnh hưởng tới kiếp này, rồi cái phúc và tội kiếp này ảnh hưởng tới kiếp sau, nhưng nó có cái phần nhân quả liền kề của 5 năm hay 10 năm nối tiếp nhau. Hiểu điều này chúng ta sống cho đúng thì cuộc đời sẽ hạnh phúc an vui hơn. Đặc biệt là người già, mặc dù sức khỏe của ta yếu dần, khả năng cống hiến giảm đi nhưng cái lý tưởng cống hiến không bao giờ dừng lại, không bao giờ được suy giảm, vì ta mang lý tưởng này qua kiếp sau luôn không chỉ giới hạn của một kiếp này.
Để chuẩn bị cho tuổi già ta sống tràn đầy phúc lộc, không cần làm gì vẫn có ăn có mặc nhưng mà ta vẫn phải làm và cống hiến thì mỗi người khôn ngoan chọn cho mình cái cách cống hiến của tuổi già. Có nhiều cách cống hiến tuổi già sao cho phù hợp với sức khỏe, tuổi tác của mỗi người. Ví dụ như tham gia sinh hoạt Hội Người Cao Tuổi, tham gia các Đạo tràng tu tập, tham gia các Câu lạc bộ Dưỡng sinh,… thì công việc từ từ nó sẽ mở ra, ta có một môi trường tiếp tục cống hiến. Có khi ta đóng góp bằng tiền, có khi bằng công sức, bằng lời nói, bằng kinh nghiệm và có khi ta chỉ đóng góp bằng lời cầu nguyện thôi nhưng mà sự đóng góp đó quý giá. Tùy vào công sức của ta, có khi ta lo cho nhiều người nhưng cũng có khi ta chỉ lo được cho ít người nhưng đó cũng là sự đóng góp. Khi tâm ta lo được cho nhiều người thì tâm đức ta càng lớn.
Nói già mà không già là những người không ngừng lý tưởng phục vụ cho cuộc đời. Chúng ta có phúc đủ ăn đủ mặc không cần lao động, nhưng chúng ta không bao giờ cho phép mình sống một ngày vô ích. Chính điều này tạo nên tinh thần an vui mạnh mẽ của người cao tuổi. Vì mỗi một ngày cống hiến là an vui, ăn miếng cơm, uống miếng nước là không phí phạm cho đời. Ngược lại, người nào mà ngưng tinh thần cống hiến thì bắt đầu tủi thân, hay hoài niệm quá khứ và lo sợ cái chết tương lai. Hiểu được điều này là ta đã nắm được bí quyết cuộc sống an vui cho hết kiếp này và kiếp sau, dù tuổi cao hay là tuổi chưa cao.
Người cao tuổi có cái quý hơn vàng bạc mà không ai cướp được và có khai thác cũng không hết, đó chính là kinh nghiệm của cuộc sống. Có những người về hưu rồi mà những kinh nghiệm vẫn còn đầy ắp, đây gọi là tài sản phi vật thể của quốc gia. Mặc dù những vị đó sức yếu và năng lực đã hạn chế đi nhiều, nhưng những kinh nghiệm đã có vẫn còn là trí tuệ. Nếu chúng ta học được những kinh nghiệm đó sẽ giúp ích cho mình rất nhiều trên đường đời. Đất nước ta, xã hội ta và đạo pháp của ta rất cần sức trẻ. Chúng ta yêu quý người trẻ, đặt nhiều kỳ vọng nơi lớp trẻ nhưng cái kinh nghiệm của người lớn tuổi rất cần bổ sung cho người trẻ, để cho lớp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tính mơ mộng và tưởng tượng của cuộc đời mà kịp thời bước vào đời sống thực tế khắc nghiệt này, có thể cống hiến nhiều hơn.
Vì vậy, nên có cách nào đó để người cao tuổi có điều kiện đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho lớp trẻ. Ta nên cho người đến gặp những vị cao tuổi mà ta nghĩ là họ có nhiều kinh nghiệm để ghi chép lại, hoặc là ta tạo ra những diễn đàn cho hai thế hệ ngồi đối thoại với nhau. Khi lớp trẻ có dịp ngồi với các vị lớn tuổi để nghe các vị cản điều này và phân tích điều kia lợi hại thế nào thì khi bước vào cuộc sống các em làm việc sẽ hiệu quả hơn, đây là điều thú vị!
Việc đối phó với tình trạng dân số đang già đi, khi mà hiện nay dân số thế giới đang già dần vì có nhiều quốc gia hạn chế sinh con. Điều này có nghĩa là lớp trẻ phải gánh vác nhiều hơn nữa (một người trẻ phải cõng năm hay sáu người già) thì xã hội sẽ có khó khăn, khó phát triển, không còn dư ra nhiều để đầu tư cho tương lai. Vì thế, giải pháp được đặt ra là:
+ Thứ nhất, ta làm cho người cao tuổi bỗng dưng trẻ hóa, tức là người già biết tự chăm sóc cho bản thân mình, không tạo gánh nặng cho xã hội. Ví dụ ông bà nuôi cháu dùm con để con đi lao động sản xuất phục vụ cho đời. Nhờ có ông bà nuôi cháu và trông cháu giúp nên giảm các chi phí nuôi con. Do đó dân số không bị già do ông bà chăm cháu và không tốn tiền để thuê người khác. Thậm chí ông bà còn giúp được nhiều thứ.
+ Thứ hai, khi người già gánh bớt gánh nặng cho con thì đất nước này sẽ có số dư ra nhiều hơn mà đầu tư cho tương lai. Tất cả là vì tình yêu thương con cháu và vì tình yêu Tổ quốc (mở mang trường học, đường cao tốc, bệnh viện, đầu tư và nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ,v.v,…).
Với hai ý nghĩa lớn, một là vì tình yêu thiêng liêng với con cháu, hai là tình yêu lớn lao đối với Tổ quốc, cho nên ta không bao giờ là gánh nặng của con cháu mà chia luôn gánh nặng đó một cách tự nguyện. Như vậy, dù cho dân số ta có già nhưng xã hội không khủng hoảng, vì gia đình nào cũng đáng yêu đáng kính, vì người già nào cũng cực kỳ có ích cho xã hội.
Đặt trường hợp, nếu một người bị bệnh, già yếu quá thì con cháu phải chăm sóc và như vậy ta trở thành gánh nặng cho người thân, cho xã hội. Lúc đó giải pháp được chọn là: Ta có cách tập luyện để bệnh mà không vất vả đau đớn và không cần nhiều sự chăm sóc y tế rất tốn kém; Không có những lối sinh hoạt phá hoại sức khỏe; Biết luyện tập dưỡng sinh; Biết tu Thiền; Biết ăn uống giảm bớt thức ăn động vật; Biết dùng thuốc thảo dược cân bằng cơ thể, nên hạn chế dùng loại thuốc gây phản ứng phụ thì lúc đó có bệnh và già yếu dần nhưng mà không hình thành cơn bệnh độc. Đối với người mắc bệnh ung thư nên lạy Phật sám hối, chữa trị bằng tâm linh thì kết quả sẽ cao hơn khi ta hiểu rõ nguyên lý của bệnh ung thư.
Khi chúng ta vừa nói đến người cao tuổi làm sao để không trở thành gánh nặng cho người trẻ thì ta cũng cảnh báo người trẻ để khi các em bước vào tuổi già cũng sống lành mạnh cao thượng và làm gương tốt, chẳng những không trở thành gánh nặng cho người sau mà còn chia sẻ được gánh nặng cho con cháu và an lành ra đi trong sự tiếc thương của biết bao nhiêu người chung quanh.
Giả sử có người đã cố gắng hết sức là chia sẻ gánh nặng với con cháu, sống hợp lý đầy đủ hết nhưng bây giờ họ hết hơi và nằm một chỗ không làm gì được, vậy làm sao để có thể sống từng ngày có ích? Trong trường hợp này ta vẫn còn cái tâm cuối cùng là niệm Phật cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cầu nguyện cho con người yêu thương nhau, cầu nguyện cho nhân loại này nắm tay đi đến cõi giới đại đồng,… Không hận thù, không chiến tranh, không chém giết và mong rằng đạo pháp soi sáng tất cả chúng sinh để ai cũng biết hướng tâm về giác ngộ giải thoát,… Thì lời cầu nguyện đó vẫn tung trong hư không đi vào thế giới tâm linh vô hình chứ nó không phải là vô nghĩa. Do đó, ngày nào ta còn sống có ích dù chỉ một lời cầu nguyện thì ta sống hạnh phúc, an vui, sống xứng đáng với miếng cơm manh áo mà mình đang sử dụng. Cuối cùng, khi từ bỏ cuộc đời này bước sang cuộc sống mới, ta đi về đâu tùy thuộc vào lúc tuổi già ta sống như thế nào? Điều đó tùy thuộc vào thời gian và lúc cao tuổi mấy mươi năm (10 năm hay 20 năm) ta sống ra sao thì lúc chết ta sinh về cõi đó.
Có được định hướng đúng cho đời sống tinh thần của mình nhất là ở tuổi xế chiều là việc làm có ích. Tấm lòng nhân ái, sự đóng góp trí tuệ, những triết lý về một đời sống đạo và tình cảm của người cao tuổi gợi mở những quan điểm trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần, góp phần đem lại cho người cao tuổi một khả năng tư duy, làm thế nào để tự mình sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, sống có ích cho gia đình và cho xã hội, nhằm thể hiện giá trị cuộc sống của người già.