Người Cao Tuổi
1. Tình hình về NCT trên thế giới và Việt Nam
Theo thống kê của LHQ thì vào năm 2000 cả thế giới có 600 triệu người cao tuổi (NCT). Ở các nước phát triển, cứ 6 người dân thì có 1 người trên 65 tuổi. Tính toán thống kê cho thấy số người cao tuổi ở các nước đang phát triển sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm tới, đạt 850 triệu người vào năm 2025, chiếm 12% tổng dân số các nước và đến năm 2050 NCT sẽ tăng lên 2 tỷ người.
Trong mối quan hệ giữa dân số và con người thì vấn đề già hóa dân số là một thành tựu đáng kể của một đất nước. Tuổi thọ của con người ngày càng cao chứng tỏ điều kiện sống của họ an toàn hơn, thu nhập khá hơn, dinh dưỡng đầy đủ hơn và hệ thống y tế chăm sóc con người được cải thiện hơn, tỷ suất sinh và tử đều giảm. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số nhanh lại tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống, sinh hoạt con người; ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, trong đó quan trọng nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho NCT; ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm và đầu tư của đất nước.
Việt Nam đang ở vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 1,6 triệu người bước vào tuổi lao động mỗi năm, theo dự báo thì giai đoạn này kéo dài trong khoảng 10-15 năm. Bên cạnh điều kiện thuận lợi về dân số trước mắt thì xu hướng già hóa dân số cũng sẽ diễn ra nhanh ở nước ta. Theo điều tra Biến động Dân số–KHHGĐ năm 2010, Người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng. Năm 2010, tổng dân số Việt Nam là 86,75 triệu người, trong đó NCT là 8,15 triệu người, chiếm 9,4% dân số. Trong 8,15 triệu NCT có 3,98 triệu người từ 60-69 tuổi (4,51% DS), 2,79 triệu người 70-79 tuổi (3,22% DS), 1,17 triệu người trên 80 tuổi (1,93% DS) và khoảng 9.380 người trên 100 tuổi. Hiện có 72,9% người cao tuổi sống ở nông thôn và 27,1% sống ở thành thị. 79% người cao tuổi sống với con cháu có cuộc sống vật chất, tinh thần tương đối ổn định, còn 21% sống độc thân hay chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau. Do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, không chỉ ở thành thị mà ở cả nông thôn, mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống đang có xu hướng giảm đi. Số lượng các gia đình chỉ có hai vợ chồng già hay gia đình người cao tuổi đơn thân đang tăng lên.
Theo dự báo của Tổng cục thống kê về tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi thì NCT ở nước ta sẽ đạt 10% tổng dân số vào năm 2017 và sau 20 năm (2017 – 2037), Việt Nam sẽ có Dân số già (tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số). Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Dân số – KHHGĐ, Bộ Y tế thì năm 2011 NCT Việt Nam đã đạt trên 10% dân số; như vậy thời gian Việt Nam trở thành quốc gia có dân số già sẽ giảm xuống còn khoảng 17 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Ví dụ Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan 22 năm. Điều này ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế, cũng như các chương trình an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu của nhóm dân số cao tuổi là những người được coi là thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.
2. Một số đặc điểm về NCT
Người cao tuổi là một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm sống. NCT Việt Nam góp phần quan trọng trong việc khuyên dạy con cháu, dòng họ, giúp nhiều người áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển các hình thức hoạt động giáo dục, y tế ... cho đất nước.
Bên cạnh ưu điểm này, NCT bị suy yếu các chức năng cơ thể. Khả năng nghe nhìn kém, gân cốt suy nhược khiến việc ngồi, đi đứng khó khăn; phản ứng chậm làm cho thân thể mất thăng bằng, dễ bị té ngã; mất trí nhớ tạm thời trong ngắn hạn, giảm tốc độ trong học tập và thường mắc một số bệnh về hô hấp, tim mạch, tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson, phong thấp, cao huyết áp (trung bình có từ 3-4 bệnh). 95% người cao tuổi mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm (trong đó 22,9% có sức khỏe kém) và sự đãng trí ở mức độ nhẹ. NCT chỉ tới bệnh viện khi ốm đau nhiều. 15% người cao tuổi tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc sử dụng các phương pháp truyền thống. 23,45% cần có sự hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, chỉ có 10% người cao tuổi được kiểm tra sức khỏe định kỳ và 50% người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Nhận thức của người cao tuổi suy giảm, trí nhớ thay đổi: trí nhớ ngắn hạn giảm sút, họ sống nặng về nội tâm; tư duy kém năng động và kém linh hoạt; người cao tuổi thường khó chấp nhận cái mới và không thích phải thay đổi thói quen.
Về tình cảm, người cao tuổi có cảm xúc nhạy bén, vui buồn dễ dàng. NCT cũng thường có tâm lý tiêu cực như tự ti, có cảm giác mất mát, cô độc và suy giảm khả năng giao tiếp [4]
Về kinh tế, tỷ lệ người cao tuổi nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung; nhiều người cao tuổi không có tiền tiết kiệm khi về già, chỉ có 20% người cao tuổi có lương hưu hay trợ cấp xã hội. 70% người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc dù có thu nhập hay không. Thường họ làm nông nghiệp, chăn nuôi với sự hỗ trợ của con cháu, họ hàng. Ruộng ở nông thôn ngày càng ít đi, nên thu nhập của NCT cũng thấp.
NCT ở nông thôn hầu như không có tiền tiết kiệm để dành cho tuổi già. Họ làm ruộng, cày bừa, gặt hái, xay xát gạo tùy theo sức mình. Họ vẫn coi việc giúp đỡ con cái trong việc đồng áng, việc nhà là trách nhiệm của mình, khi sống cùng gia đình con cái.
Ở thành phố, NCT thường sống với con cái lại giúp đỡ họ việc nhà, chăm lo các cháu nhỏ, đưa chúng đi học, đi chơi, ăn uống... và lấy đó là niềm vui, là trách nhiệm của mình.
3. Các chính sách và họat động chăm sóc-hỗ trợ NCT
Từ năm 1969 Liên Hiệp Quốc có nhiều tuyên bố, kế hoạch hành động và kinh phí để thực hiện các họat động nhằm chăm sóc hỗ trợ NCT.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm sóc NCT, điều này thể hiện rõ qua Hiến pháp (1992), các bộ Luật: Hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Luật Lao động, Bộ luật hình sự và nhiều chỉ thị, nghị định, thông tư… đã được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc NCT.
Thực hiện các chủ trương trên đến nay trong tổng số 8,15 triệu người cao tuổi hiện nay có khoảng 2.682.600 người có thu nhập thường xuyên hàng tháng từ các nguồn trợ cấp, lương hưu (chiếm 32,9%) và 781.935 người thuộc diện trợ giúp xã hội (chiếm 9,5% tổng số NCT) và 250.818 người được cấp BHYT. Như vậy, hiện có 42,5% NCT được nhận nguồn hỗ trợ từ nhà nước.
Ngoài hoạt động của các cơ quan chức năng, có thể nói Hội NCT là tổ chức có nhiều hoạt động chăm sóc NCT như: Hội NCT đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giúp NCT nâng cấp nhà tạm; tổ chức mừng thọ, chúc thọ vào dịp đầu xuân, ngày Quốc tế người cao tuổi; chăm lo tang lễ người cao tuổi từ trần; xây dựng “Câu lạc bộ ông bà cháu”; Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; các câu lạc bộ nghệ thuật, thơ ca, thể dục, dưỡng sinh, tham quan…
Tuy nhiên, những hoạt động trên mới đáp ứng một phần nhu cầu của NCT. Số đông vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế, thể dục, thể thao, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nhận định về việc chăm sóc NCT, trong Hội thảo” Già hóa dân số và định hướng xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia vì Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020" ngày 20/9/2011, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu: hệ thống chăm sóc NCT hiện nay còn nhiều bất cập, cụ thể như: nhận thức về già hóa dân số và tác động tới phát triển kinh tế – xã hội trong nhân dân còn hạn chế; nhiều cấp lãnh đạo chưa nhận thức vấn đề; xã hội chưa thay đổi cách nhìn nhận tiêu cực đối với người già; bản thân NCT không nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân; người dân ở nông thôn chưa quan tâm chuẩn bị cho tuổi già. Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công lập không đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của NCT, trình độ của các bác sỹ còn hạn chế… đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng NCT Việt Nam sống lâu nhưng chưa sống khỏe.
Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, ngành CTXH đóng vai trò trọng trong việc tham gia vào xây dựng chính sách và điều hành các hoạt động an sinh cho NCT thôngqua hai hình thức sau:
- Hình thức thứ nhất: Chăm sóc NCT trong các cơ sở chăm sóc người già hoặc trung tâm dưỡng lão ở các nước cũng giống như hình thức chăm sóc NCT cô đơn trong các cơ sở Bảo trợ xã hội tại Việt Nam nhưng các dịch vụ chăm sóc phong phú. Việc thực hiện các dịch vụ ngoài NV.CTXH còn có sự tham gia của nhiều nhân viên chuyên nghiệp khác như bác sĩ, cán bộ điều dưỡng, cán bộ dinh dưỡng, chuyên viên tham vấn tâm lý...
- Hình thức thứ hai là cung ứng dịch vụ chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng. Gần đây xu hướng thứ hai được quan tâm nhiều hơn. Trong các dịch vụ này thường là cơ sở xã hội tiếp nhận NCT và cử NV.CTXH đến gia đình họ để trực tiếp thực hiện các dịch vụ như vãng gia, đánh giá, xác định vấn đề, giúp xây dựng kế hoạch thiết lập mối quan hệ giữa những NCT và các thành viên gia đình, giúp họ gắn bó và tự giác tham gia các sinh hoạt cộng đồng; tham vấn, điều chỉnh các mối quan hệ giữa người già với các thành viên trong gia đình, giúp họ sống hoà thuận, biết yêu thương và kính trọng lẫn nhau; cung cấp các dịch vụ tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cho các thành viên trong gia đình để họ tạo ra môi trường hỗ trợ tốt nhất cho NCT. NV.CTXH cũng tư vấn, hướng dẫn các công việc phù hợp với tuổi già, tạo niềm vui, tạo thu nhập, làm giảm cảm giác lệ thuộc; vận động cộng đồng (lối xóm) quan tâm giúp đỡ NCT sống một mình...
4. Kết luận và khuyến nghị
Qua những ghi nhận trên ta thấy việc chăm sóc-hỗ trợ NCT đang là nhu cầu và nhu cầu này ngày sẽ càng lớn và cấp thiết hơn vì số lượng NCT ngày càng tăng nhanh trong khi đó tỷ lệ gia đình hạt nhân ít con cũng ngày càng tăng. Thế nhưng cho đến nay các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc NCT của ta còn rất yếu và thiếu. Phần lớn các sự chăm sóc chủ yếu còn mang tính trợ cấp, cứu trợ. Đa số các hoạt đông chăm sóc đời sống tinh thần khác chủ yếu là do NCT làm cho chính họ...Trong đào tạo NV.CTXH, những kiến thức kỹ năng làm việc với NCT chưa được chú trọng. Vì vậy, để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc-hỗ trợ NCT, thiết nghĩ các ngành chức năng cần quan tâm tăng cường và đa dạng hóa loại hình cũng như chất lượng các dịch vụ chăm sóc-hỗ trợ NCT, đồng thời nỗ lực đầu tư đào tạo NV.CTXH làm việc với NCT.
Đỗ Văn Bìn