Hạnh phúc như lên chức ông
3h rưỡi chiều, ông Hoàng (Quận 7, TP HCM) đã nhấp nhổm đứng ngồi không yên bởi sắp đến giờ đi đón cậu cháu nội 5 tuổi đang học mẫu giáo.
Từ ngày có cháu, cuộc sống của ông Hoàng thay đổi hẳn. Đi làm ông chỉ mau mau chóng chóng để về chơi với bé. Khi Bi đến tuổi đi học, ông nội sẵn sàng hoãn các cuộc họp ở công ty để hoàn thành nhiệm vụ đón cháu đúng giờ. Hôm nào mà 4h rưỡi chiều chưa ra khỏi công ty là ông cảm thấy không yên tâm. Các cuộc đàm đạo với bạn bè sau giờ tan sở cũng giảm hẳn. Buổi tối, đi dạo ông cũng dắt cháu theo. Bé Bi nghiễm nhiên trở thành một cái đuôi của ông nội, trừ khi ông đi làm. Thậm chí, về quê ăn giỗ, đi xe khách cả trăm cây số ông cũng mang cháu nội theo.
Ông tâm sự: “Bọn trẻ con yêu nhất là lúc bé bé thế này đấy. Tranh thủ chơi với nó chứ mai nó đi học lớp một, nhiều bạn rồi nó chẳng còn thời gian chơi với mình đâu”. Khi được mọi người nhận xét, cháu trai đẹp như ông nội, ông Hoàng vô cùng hài lòng, cười mà mắt cứ lim dim.
Cũng lần đầu tiên lên chức ông, ông Đoàn (Hoàng Mai, Hà Nội) gọi điện thông báo cho tất cả bạn bè. Gần như suốt một tuần, sáng nào ông cũng khao các bạn một chầu ăn uống lai rai ngoài quán. Cái tên ở nhà Cu Tí do chính ông đặt nên ông rất phấn khởi. Cu Tí lớn lên gắn liền với những chăm sóc của ông nội. Cu Tí vốn khó ăn, thế là mỗi ngày ông Đoàn lại nghĩ ra một trò để mua vui cho cháu. Cứ đến giờ ăn của bé là ông lại chuẩn bị lỉnh kỉnh đồ nghề làm hề, hôm thì đội nón rách lắc lư cái đầu, hôm thì tập thể dục dưỡng sinh, hôm thì vẽ giấy nguệch ngoạc… để cu Tí cứ nhìn ông mà há miệng ra cho mẹ đút bột. “Từ ngày có Cu Tí mình trẻ trung và sáng tạo hơn hẳn bởi lúc nào cũng phải nghĩ ra một trò nghịch gì đấy để phục vụ cu cậu ăn uống”, ông Đoàn tự hào cho biết.
Cu Tí khó tính, nếu ngủ chưa đẫy giấc mà bị đánh thức thế nào cũng khóc lóc ầm ĩ. Hôm nào phải cho cháu ngủ là ông Đoàn mất luôn cả giấc ngủ trưa. Ông nằm yên trên võng, không nhúc nhích, để cậu bé được ngon giấc trên bụng mình. Có lần ôm cháu ngủ như thế, lúc Cu Tí tỉnh dậy, ông thấy đau lưng ê ẩm. Vậy mà khi vợ cằn nhằn, bảo lần sau ông đừng chiều cháu như thế nữa không lại ốm, ông thấy bực lắm: “Bà ơi, mình có mỗi đứa cháu, không chiều nó thì chiều ai?”.
Cuộc sống của ông Hữu (Giao Thủy, Nam Định) thay đổi hẳn khi cô con gái sinh con và mang cháu về “ăn vạ” ông bà ngoại. Là người vốn ngăn nắp gọn gàng nhưng bây giờ ông Hữu cũng “ở bẩn” để phù hợp với cô cháu ngoại yêu quý. Trước đây, chỉ cần một đứa trẻ hàng xóm đi dép lên sàn nhà là ông la oai oái thì nay cô cháu ngoại cứ tha hồ tè dầm. Thậm chí có hôm bé Nhím ị đùn ra ghế, ông cũng vui vẻ đi dọn. Sáng sớm ông nhanh nhẹn bế cháu ra tắm nắng, chiều thì ông hối bà bế bé đi tắm thảo dược, rồi nhắc con gái chịu khó cắt móng tay cho cháu… Chỉ cần cô cháu ho he một tiếng là ông phàn nàn vợ và con gái.
Cô cháu mới chỉ biết lẫy mà ông đã mang về nhà bao nhiêu đồ chơi, đặc biệt là bóng bay hình con thú. Ông tích cực mua về, treo ở đầu giường cho cháu gái nhìn, đến mức vào phòng cháu, ông va phải bóng liên tục. Ông cũng sưu tầm nhiều đĩa nhạc thiếu nhi để bật cho cháu gái nghe.
Ra ngõ, ông Hữu khà khà khoe với mọi người: “Cháu nội thì không biết thế nào, chứ cháu ngoại thì đích thị là cháu xịn của mình”. Rồi ông cười với vợ: “Ngày trước đẻ con ra, mình chẳng biết chúng lớn lên thế nào, cũng chẳng có cảm giác nuôi trẻ con. Cả ngày cứ cắm mặt đi làm. Từ ngày có con Nhím về, tôi mới biết nuôi trẻ con là như thế nào đấy. Hóa ra cũng vui phết nhỉ”.
Trước khi đi đâu, ông đều hôn tạm biệt cháu gái. Về nhà, việc đầu tiên của ông là vào phòng cháu, ngắm xem con bé có thay đổi gì không.
Cách thể hiện tình yêu cháu của những người ông khác hẳn với các bà, dù ông cũng rất mực chiều cháu. Các ông chủ yếu chỉ vui chơi cùng bọn trẻ nên ít xảy ra mâu thuẫn với các con trong việc chăm sóc cháu như với các bà. Các ông gần như không tham gia vào việc cho cháu ăn gì, học gì… mà chỉ là “làm nhiệm vụ” hỗ trợ nên cũng ít khi phải trừng phạt cháu. Vì thế, rất nhiều đứa trẻ sau thời gian quấn bà, đến khi biết đi, biết nói, biết chơi, chúng lại trở nên quý ông hơn hẳn.
Kim Kim