Chồng là chỗ dựa quan trọng khi vợ bầu bí
Giai đoạn mang thai là lúc người phụ nữ vất vả, lo lắng, yếu đuối, mệt mỏi nhất. Chính vì vậy, người chồng cần luôn quan tâm, chia sẻ mọi khó khăn với vợ để cùng vợ chào đón bé yêu ra đời trong niềm hạnh phúc hân hoan của cả gia đình. Vậy, bạn cần phải làm những gì để thực hiện thiên chức này?
1. Quan tâm đến dinh dưỡng của vợ
Bên cạnh niềm vui được mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, người mẹ phải trải qua không ít mệt mỏi, khó khăn. Triệu chứng ốm nghén khiến cho họ cảm thấy phải bắt đầu một ngày mới thật mệt mỏi, vì không ăn được nhiều, chóng mặt, nhức mỏi… Lúc này, sức khoẻ của vợ là rất quan trọng, vì nó không chỉ giúp vợ bạn khoẻ hơn để chuẩn bị cho kì sinh nở mà sức khoẻ của người mẹ còn liên quan mật thiết đến sức khoẻ của thai nhi. Vì thế, người mẹ cần được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể.
Người chồng cần quan tâm đến từng bữa ăn của vợ và mua những món ăn ngon, bổ dưỡng mà vợ ưa thích… Ngoài ra, việc chế biến những món ăn cho vợ vừa để chăm sóc, vừa để thể hiện tình yêu thương với người bạn đời của mình.
2. Bồi dưỡng tinh thần cho vợ
Khi mang thai do cơ thể biến đổi nhiều, kết hợp với các phản ứng mang thai nên khiến cho tâm trạng của họ không ổn định, vì thế bà bầu thường trút bầu tâm sự lên người chồng. Hơn nữa, tinh thần của người mẹ khi mang bầu có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thai nhi. Đặc biệt, khi người mẹ tinh thần không vui vẻ, thoải mái, căng thẳng quá độ, buồn lo hoặc bị tổn thương tinh thần, dễ làm cho bào thai phát triển không tốt, trí lực giảm sút, thậm chí dẫn đến sảy thai hoặc đẻ non… Vì thế, là người chồng, bạn cần hiểu được những điều này để thông cảm với vợ và nên dùng những lời lẽ hóm hỉnh, câu chuyện cười để an ủi, động viên vợ, giúp vợ có một tâm trạng ổn định trong thời gian mang thai.
3. Quan tâm đến sức khoẻ của vợ
Trong thời gian mang thai, người vợ cần được đi khám sức khoẻ định kì để biết được tình hình sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, bạn cần phải đưa vợ đi khám thai định kì, đây chính là trách nhiệm của người chồng và bạn cũng đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ để biết cách giúp vợ dưỡng thai.
Bạn cần quan tâm hơn nữa tới môi trường sống và điều kiện làm việc của vợ. Đặc biệt lưu ý, tránh để vợ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại; những nơi công cộng ồn ào… để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Bạn cần tránh không hút thuốc, uống rượu trước khi vợ chồng bạn có ý định thụ thai và sau khi vợ có thai, bạn không nên hút thuốc khi ở gần vợ, không để vợ ngửi mùi thuốc lá vì nicotin có trong thuốc lá ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của bé.
4. Chế độ sinh hoạt của vợ
Trong thời kì mang thai, vợ bạn cần có chế độ sinh hoạt hợp lí, đều đặn, cần vận động nhẹ nhàng, tránh những áp lực của công việc và cuộc sống… vì vậy bạn cần chia sẻ với vợ những công việc trong gia đình, không để vợ làm những công việc nặng nhọc, đặc biệt là vào những tháng đầu và tháng cuối của thai kì. Ngoài ra, bạn nên động viên và giúp vợ trong công việc nội trợ để vợ có thời gian nghỉ ngơi, luyện tập thể dục…
5. Nhắc nhở mọi người cùng quan tâm giúp đỡ bà bầu
Không chỉ chồng mà những người xung quanh cũng có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang bầu. Vì thế, bạn nên nói với mọi người xung quanh rằng, vợ bạn đang mang bầu để được cảm thông, động viên và giúp đỡ trong mọi việc. Khi nhận được những lời quan tâm, hỏi han từ mẹ chồng, gia đình nhà chồng, bà bầu sẽ cảm thấy vui hơn và những mệt mỏi về thai nghén sẽ được giảm bớt.
6. Nhu cầu thầm kín của vợ
Bạn đừng quên những nhu cầu rất thầm kín của vợ. Trong giai đoạn này, do những thay đổi về hormone trong cơ thể, nhu cầu chăn gối của phụ nữ có cao hơn hoặc thấp hơn so với thường lệ. Hãy tinh ý và đáp ứng nhu cầu đó của bà xã. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo “an toàn” cho bé và bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để có chỉ dẫn cần thiết trong chuyện này.
7. Nói chuyện với con
Khoa học chỉ ra rằng, thanh âm trong giọng nói nam giới truyền qua thành bụng người mẹ và nước ối đến với thai nhi dễ dàng hơn là giọng nói của phụ nữ. Vì thế, các ông bố hãy tận dụng lợi thế đó để thể hiện tình yêu với con ngay từ khi chúng còn nằm trong bụng mẹ. Thai nhi sẽ cảm nhận được tình yêu, sợi dây gắn kết với người cha thông qua việc ghi nhớ giọng nói. Một lí do quan trọng khác, các bà mẹ đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến cha – con nói chuyện với nhau qua cơ thể mình. Họ cảm thấy yêu chồng và yêu con hơn bao giờ hết.
8. Lên kế hoạch cho “tương lai” của bé
Em bé sẽ cần có chỗ ngủ, chỗ ăn và một chỗ để chơi. Em bé cũng cần tã, chăn, bỉm và quần áo để mặc… Vì thế, các ông bố có thể sơn lại phòng, cùng vợ mua sắm giường cho bé và những vật dụng cần thiết để chào đón bé ra đời. Vai trò trụ cột của người cha đặc biệt quan trọng. Bố còn phải tính đến việc cân đối các khoản tài chính và cùng mẹ lên kế hoạch chăm sóc em bé khi có thêm một thành viên mới.
Không gì tốt hơn là cho con một mái ấm gia đình hạnh phúc. Ngay từ lúc này, hãy học cách nuôi dạy con tốt, học cách để trở thành một người cha tốt. Nhớ rằng, làm cha là một công việc khó khăn và bạn phải thực sự nỗ lực cho vai trò mới này.
Nguồn: meyeucon