Để có ngày cuối tuần hoàn hảo

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng sống hạnh phúc

thugiancuoitua

Nhiều người làm việc 5 ngày một tuần và dành khoảng 48 giờ cho bản thân. Sẽ rất sai lầm khi bạn bị cuốn vào những ngày cuối tuần làm việc quá tải và kết quả là hoàn toàn kiệt sức khi trở lại làm việc vào ngày thứ hai. Hoặc ngồi hàng giờ ở sofa xem các trận quyền anh trong hai ngày liền để rồi cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn và không chuẩn bị được gì khi quay trở về với công việc.

Vậy, công thức hoàn hảo để khoảng thời gian nghỉ ngơi này vừa hiệu quả vừa giúp chúng ta nạp lại năng lượng là gì? Một nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of Economic Psychology khẳng định rằng họ đã có câu trả lời.

Các nhà nghiên cứu đã hỏi 900 phụ nữ về những việc họ muốn làm và tổng hợp thành một thời gian biểu “lý tưởng” cho cuối tuần. Giấc ngủ kéo dài liên tục 8 giờ đồng hồ là điều mà hầu hết phụ nữ mong muốn vào cuối tuần. Sau giấc ngủ kéo dài, việc tiếp theo trên danh sách là dành ưu tiên cho các mối quan hệ riêng tư, kế đến là 98 phút sử dụng máy vi tính và 82 phút cho các hoạt động xã hội. Ngoài ra còn có 78 phút thư giãn, 56 phút mua sắm và 68 phút cho các bài tập thể dục.

Tuy nhiên, theo Robyn Young, người sáng lập công ty đào tạo kỹ năng sống Ubalancer, việc phân chia các hoạt động như thế này lại có thể gây ra vấn đề. Theo Cục Thống kê Australia, 82% các cặp vợ chồng có con dưới 15 tuổi nói rằng họ phải vội vã và tất bật không ngừng khi đối mặt với thời gian.

ngu-jpg[1482088941].jpg
Giấc ngủ kéo dài liên tục 8 giờ đồng hồ là điều mà hầu hết phụ nữ mong muốn vào cuối tuần. Ảnh minh họa: abcnews

Với Robyn Young, thay vì nói rằng “Tôi cần dành thời gian cho gia đình và sau đó là rèn luyện sức khỏe của mình,” thì bạn cần phải sáng tạo hơn. Gặp gỡ bạn bè tại công viên và chơi bóng cùng với lũ trẻ. Làm cho thời gian của mình tuyệt vời hơn bằng việc kết hợp nhiều hoạt động lại với nhau.

Young chia sẻ: “Tại sân bay, tôi rất khó chịu khi đi qua các trạm kiểm soát nhập cảnh và các nhân viên hỏi rằng: 'Mục đích chuyến đi của bạn là gì, công việc hay vui chơi?'. 'Đó đúng là một câu hỏi kích thích sự tò mò, chẳng lẽ hai việc đó lúc nào cũng phải tách biệt với nhau? Nó giống như bảo rằng nếu chuyến đi này là vì mục đích công việc thì nó sẽ chẳng mang lại niềm vui gì cả. Hoặc ngược lại, trong thời gian đi nghỉ, tôi chẳng làm được gì hữu ích cho công việc của mình”.

Hiệp hội Tâm lý Australia đã tiến hành một nghiên cứu về tình trạng sức khỏe và sự hạnh phúc trên 1.552 người trưởng thành. Khi được hỏi về cách kiểm soát stress, 85% nói rằng “hãy sống tích cực”, 83% cho rằng nên “làm những việc liên quan tới tôn giáo”, kế đến là dành thời gian với gia đình và bạn bè.

Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu kinh tế (Mỹ), mức độ hạnh phúc của chúng ta liên quan trực tiếp tới việc dành thời gian cho những người mà ta yêu quý. Một người trung bình dành thêm 1,7 giờ với bạn bè và gia đình vào cuối tuần so với trong tuần, điều này theo như nghiên cứu đã làm tăng mức độ hạnh phúc lên 2%. Nhưng, các buổi tụ họp như thế có thể rất khó thực hiện nếu bạn có quá ít thời gian rảnh rỗi.

Chuyên gia kỹ năng sống Victoria Mills cho rằng một trong những bí quyết dành thời gian cho bản thân là phải biết đặt ưu tiên. Sẽ là thái quá nếu bạn viết hẳn một danh sách liệt kê những việc cần phải làm vào cuối tuần. Tuy nhiên, nếu như có thể sắp xếp được các sự kiện mà bạn thật sự muốn hoặc cần phải làm có thể giúp bạn tập trung được năng lượng của mình. Victoria nói, “Mỗi gia đình nên sắm cho mình một tấm bảng trắng, cùng ngồi lại bên nhau vào mỗi tối thứ Sáu và suy nghĩ về việc tận hưởng hai ngày cuối tuần như thế nào. Xác định rõ những việc cần làm và đánh dấu thời gian cần thiết để đi tới phòng tập thể dục, thanh toán hóa đơn và vui chơi

Chúng ta cũng cần dành thời gian để xem xét lại những mối quan hệ của mình. Theo bà: “Nhiều người đang sử dụng thời gian như một cái cớ để biện hộ cho mình rằng 'Tôi quá bận, tôi không thể'. Tuy nhiên, thông thường, nếu việc đó đủ thu hút chúng ta sẽ biết cách hoàn thành nó. Khi bạn trốn tránh các cuộc hẹn hoặc các cuộc nói chuyện với ai đó, hãy thành thật với chính mình và tìm các lý do cơ bản để giải quyết”.

Tuy nhiên cũng có lúc bạn cần lờ đi những cảm giác ray rứt, có lỗi nếu chưa hoàn thành một nhiệm vụ nào đó.

Trong cuốn sách The 4-hour Work Week, tác giả Timthy Ferris đề nghị nên “thực hành nghệ thuật non-finishing”. Nếu bạn không thích bộ phim đó, hãy rời khỏi rạp, nếu không thích bữa ăn của mình, hãy đặt dao nĩa xuống. Ferris cũng tán thành việc “lờ đi một số việc một cách có lựa chọn”. Tóm lại, đừng ép buộc bản thân mình đọc mọi cuốn sách, xem hết mọi bộ phim tài liệu hay tất cả các buổi triển lãm chỉ vì bạn bè hay những người xung quanh đang làm như vậy. Sở thích của mỗi cá nhân chẳng hạn như thực hiện các bài thể dục nhẹ nhàng hay tận hưởng thế giới thiên nhiên được chứng minh là đem lại những lợi ích giúp cải thiện tâm trạng của mỗi người. Ngoài ra, làm những việc chính nghĩa cũng có thể là một cách giúp bản thân đạt được sự thỏa mãn.

Tại Australia, có khoảng 4.4 triệu tình nguyện viên, từ nhân viên cứu hộ bãi biển cho tới những người chăm sóc sức khỏe đang đóng góp hơn 700 triệu tiếng đồng hồ mỗi năm. Và theo một nghiên cứu được trích dẫn từ Hiệp hội tăng cường sức khỏe Australia, 61% những người thực hiện công việc tình nguyện chỉ 5 lần một năm cho rằng việc này giúp họ giảm bớt căng thẳng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, các hoạt động từ thiện cần phải được thực hiện vì những lý do đúng đắn.

Theo Nadine Cameron, sáng lập viên tổ chức Body Map, nhiều người đảm trách công việc tình nguyện chỉ vì muốn tìm kiếm sự công nhận của mọi người. Họ tham gia một buổi tiệc vì muốn được nhìn thấy hoặc mua sắm áo quần chỉ để gây ấn tượng với người khác. Vấn đề là không thể đảm bảo mọi người đều bị ấn tượng và vì vậy nó sẽ tạo ra sự căng thẳng khi hành động đó xuất phát từ lòng tự trọng của mình.

Ngay cả một bữa ăn với bạn bè có thể là một trải nghiệm khốn khổ nếu bạn cứ dành thời gian so sánh bản thân với những người khác. Tập trung vào món ăn và nhịp điệu của buổi trò chuyện, như thế mọi chuyện sẽ trở nên tuyệt vời hơn. Tương tự, việc rửa nguyên một chồng chén đĩa có thể chuyển từ kinh khủng sang thú vị nếu bạn tập trung vào sự thư giãn mà dòng nước mang lại.

Như vậy, chẳng có một công thức cứng nhắc nào cho một cuối tuần hoàn hảo mà thay vào đó là sự hoạch định tư duy hoàn hảo cộng với việc xác định và chấp nhận.

Những việc nên làm

- Thư giãn

- Sắp xếp thời gian cho những việc riêng tư khi cần thiết

- Quên đi những điều gây khó chịu (chẳng hạn như hàng tá mail chưa đọc, hóa đơn chưa thanh toán, quần áo trên sàn phòng ngủ...)

- Tập thể dục và giao lưu với mọi người, làm hai việc một lúc nếu có thể.

- Chẳng làm gì cả

- Dành thời gian với gia đình, bạn bè hoặc cả hai

- Tiếp tục thư giãn

- Đọc sách, xem tivi hoặc phim, thăm thú các phòng trưng bày

- Dành thời gian chuẩn bị cho tuần tới như huẩn bị quần áo, ướp lạnh bữa trưa, mua sắm thực phẩm. Nhưng vẫn tốt hơn nếu chuyển những việc đó thành những công việc cùng làm với bạn bè, người thân bằng việc nhờ những người khác giúp đỡ.

Những việc cần tránh

- Tránh nuông chiều bản thân quá mức, sẽ dẫn đến việc bạn cảm thấy tệ hơn sau đó

- Không nên làm những việc người khác muốn hơn là những việc mình thực sự muốn làm

- Tránh lờ đi những việc cần thiết cho cuộc sống, chẳng hạn như giặt giũ, nó chỉ làm cho tuần tới thêm căng thẳng hơn mà thôi.

Lê Phương (Theo Sydney Morning Herald)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.