Lợi và hại khi vợ chồng tiền ai nấy giữ

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng sống hạnh phúc

tien-6741-1411530276.jpg

Anh Long thà chấp nhận mất thêm tiền do mua trả góp còn hơn về hỏi vợ. Anh đã có kinh nghiệm một lần vay tiền vợ để đổi xe số sang xe tay ga. Bình thường không sao, nhưng một lần cãi nhau, sau khi lôi vài thói xấu của nhau ra để tổng sỉ vả, chị nhăm nhe đòi tiền khiến anh rất tức.

Anh chị gặp nhau từ thời đi du học ở Anh. Từ lúc là bạn bè đến khi chính thức yêu nhau, họ đã quen với việc mỗi lần đi chơi hay ăn uống chung ai tiêu khoản gì người ấy trả hoặc cũng "cưa đôi” hóa đơn, “không ai muốn mang tiếng lợi dụng ai về tiền bạc”. Kết hôn xong, vợ chồng anh tiếp tục quan điểm không xâm phạm vào tài chính của nhau. Ban đầu, hai người định chọn phương án mỗi người góp một nửa cho các khoản chi tiêu chung, nhưng bất đồng về việc ai giữ quỹ chung. Vì thế vợ anh quyết định, chồng lo các khoản điện nước, dịch vụ nhà cửa (vợ chồng anh đang sống trong một căn hộ chung cư ở Mỹ Đình, Hà Nội)… còn vợ chi tiêu ăn uống hàng ngày, sau này sinh con hoặc có gì thay đổi thì bàn bạc lại. Nếu mua sắm đồ đạc gì cho gia đình thì người muốn mua tự bỏ tiền hoặc đề nghị người kia góp.

"Mình cảm thấy hài lòng với cách chia quỹ của vợ", anh Long tâm sự, dù từ khi cưới nhau đến giờ, vợ anh thu nhập ổn định còn anh lúc rủng rỉnh, lúc thiếu hụt. Từ khi về nước đến nay, vợ anh vẫn gắn bó với một công ty nước ngoài, còn anh thì nhảy việc ở vài dự án. Tuy nhiên, quan điểm chi tiêu của hai vợ chồng vẫn không thay đổi.

Anh Long cho biết: "Vợ chồng tôi không biết rõ thu nhập của nhau, chỉ ước lượng thôi. Chúng tôi không hỏi nhau, ai thích thì kể. Tôi chỉ tham khảo ý kiến của vợ khi thương thảo lương cho một vị trí mới". Vợ không thích một số đam mê cá nhân của anh như chạy theo các thiết bị công nghệ mới hay đi phượt. Chị gọi đó là những thú vui đốt tiền nên khi bí tiền, anh thường vay của bạn hơn về nhà hỏi vợ.

Không biết rõ thu nhập của nhau cũng là chuyện của nhà chị Hằng, bà chủ một cửa hàng thời trang ở Phú Nhuận, TP HCM. Hồi chồng chị làm trong ngành ngân hàng, anh đưa thẻ lương cho vợ giữ. Từ ngày anh mở công ty riêng thì vợ chồng anh chị chính thức mỗi người giữ một tài khoản. Trong phòng ngủ của anh chị đặt hai cái két sắt, một của chồng, một của vợ. Cả hai chẳng mấy khi hỏi về thu nhập của nhau. "Biết việc kinh doanh của người kia vẫn suôn sẻ, biết người kia vẫn có trách nhiệm với gia đình là được rồi", chị Hằng cho biết.

Trong nhà, anh nhận phần lo tiền học cho hai đứa con còn chị lo các khoản chi tiêu hàng ngày cho gia đình và cả bố mẹ chồng sống cùng nhà. Tuy nhiên, chị cũng có một kinh nghiệm nhớ đời về việc chia trách nhiệm chi tiêu trong gia đình. Lần đó, anh mải công tác một tháng bên Lào, quên không đóng tiền học cho con. Chị cứ yên tâm chồng đã làm xong trách nhiệm của mình, đến khi con mang giấy thu tiền của trường về đưa mẹ, chị mới té ngửa.  

Chuyên gia các vấn đề hôn nhân và gia đình Nguyễn Thị Kim Bắc (tổng đài tư vấn 1088 Bưu điện TP HCM) kể, bà nhận được khá nhiều tâm sự của những cặp vợ chồng kết hôn mười mấy, hai mươi năm nhưng chưa bao giờ động chạm đến tiền bạc của nhau, người này không biết cụ thể thu nhập của người kia như thế nào. Tiền của ai người đó tiêu, tiền của ai người đó giữ, chỉ cần cả hai vẫn có trách nhiệm chi tiêu cho gia đình. Bà nhận xét, đó thường là những cặp vợ chồng mà cả hai đều độc lập, tự chủ về kinh tế, có thể thu nhập cao hoặc có thừa kế, người này không muốn phụ thuộc kinh tế vào người kia. Bà cho rằng, trong gia đình ai giữ tiền không quan trọng, một quỹ, hai quỹ không quan trọng bằng việc vợ chồng có niềm tin với nhau và có trách nhiệm với gia đình.

“Thực ra cũng rất khó kiểm soát 100% thu nhập của người bạn đời bởi nhiều người ngoài lương còn có thưởng, có lợi nhuận từ kinh doanh bên ngoài”, chuyên gia phân tích. Một số chị em cho rằng giữ chồng bằng cách giữ tiền của chồng là không chính xác. Giữ tiền chỉ là một trong những cách để giữ chồng. Thậm chí, nếu giữ tiền chặt quá cũng có thể đẩy ông xã đến con đường ngoại tình. Nhiều người cứ nghĩ đàn ông có nhiều tiền sẽ ngoại tình, nhưng kể cả không có tiền, anh ta vẫn có thể ngoại tình. Theo bà, vợ chồng tự giữ tiền có khi còn tốt hơn là một người giữ cho cả hai và gây khó khăn cho người kia khi chi tiêu. 

Nếu chuyên gia tâm lý Kim Bắc cảm thấy chuyện vợ chồng mỗi người một quỹ là rất bình thường, chỉ cần người trong cuộc cảm thấy thoải mái là được thì giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM) lại không lạc quan như thế. Ông thừa nhận vợ chồng mỗi người một tài khoản riêng là tâm lý của xã hội hiện đại, từ sự phân công lao động cụ thể trong xã hội dẫn đến sự phân công chi tiêu và trách nhiệm trong gia đình… “Tuy nhiên vợ chồng không thể sống theo kiểu công nghiệp và phân công rõ ràng như thế được, bởi vợ chồng còn rất nhiều cái chung nhau: con cái, họ hàng… Vợ chồng có thể mỗi người vẫn giữ một tài khoản, nhưng tốt hơn là nên lập thêm một tài khoản chung để lo những việc chung như xây dựng nhà cửa, lo cho hai bên nội ngoại…", ông Hiền khuyên.

Ông cho rằng đã là vợ chồng thì nên có ý thức thông báo cho nhau về các khoản thu nhập đồng thời hỗ trợ giám sát lẫn nhau. Nếu vợ chồng không giám sát nhau sẽ không thể giúp nhau hoàn thiện, không biết gì về thu nhập của nhau có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những cái xấu như cờ bạc, tham nhũng, hối lộ... Chưa kể, vợ chồng hai tài khoản cũng dễ dẫn đến tình trạng ngoại tình, khi người đàn ông không bị vợ giám sát về tiền bạc sẽ thoải mái chi tiêu cho người tình.

Những nhận xét của giáo sư Gia Hiền cũng giống như những gì vừa xảy ra với gia đình chị Vân, nhân viên một bệnh viện tại Hà Nội. Lương của chị không cao nhưng bố mẹ chị rất giàu, thường xuyên cho tiền con gái, vì thế chị không quan tâm nhiều đến thu nhập của chồng. Chị lo tất cả chi tiêu trong nhà từ tiền chợ hàng ngày đến tiền học hành cho con. Chồng làm giám sát bán hàng của một nhãn hàng, đóng góp cho gia đình bằng cách thỉnh thoảng mua sắm những đồ đạc có giá trị, đắt tiền. 

Là bạn học của nhau từ thời cấp ba, yêu nhau 6 năm mới cưới, chị tin tưởng chồng tuyệt đối. Chị vẫn đinh ninh chồng làm ăn tử tế, lương cao, cho đến một ngày có một nhóm xã hội đen đến tận nhà đòi nợ, chị mới biết chồng là một con nghiện cờ bạc và cá độ. Hóa ra, tất cả những món đồ chồng chị mua về nhà đều từ tiền trúng bạc. Thậm chí, anh còn nuôi được bồ nhờ tiền trúng độ, sắm cho cô bồ hẳn một cửa hàng thời trang. 

Kim Anh

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.