Làm thế nào để nổi ngửa được trên nước
Tôi đã biết bơi nhưng tập thế nào cũng không thể nổi ngửa trên nước. Nhìn những người có thể thảnh thơi nằm ngửa trên nước thư giãn tôi rất ham. Làm sao có thể thực hiện việc này? (Đức)
Trả lời:
Thả ngửa nổi là một kỹ thuật bơi lội có thể giúp người bơi thư giãn, nghỉ ngơi khi mệt hoặc đối phó với chuột rút hay các sự cố sông nước khác. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người đã biết bơi, kỹ thuật thả ngửa nổi khá khó. Muốn học thả nổi ngửa nhanh và dễ, trước khi xuống nước, cần tìm kỹ hiểu khả năng cân bằng của cơ thể rồi mới xuống nước thực hành.
Tìm hiểu trên cạn:
Ta có trò chơi sau: Đặt một cái thước gỗ học trò dài khoảng 30 cm lên sống ngón tay trỏ. Nếu điểm đặt nằm ở giữa thanh thước (15 cm), thước sẽ nằm ngang, cân bằng do trọng lượng thước ở 2 đầu bằng nhau. Giờ dịch điểm đặt sang phải hoặc sang trái một chút thì đầu thước trái hay phải sẽ chìm xuống tương ứng do sự thay đổi trọng lượng cánh thước ở 2 phía điểm đặt.
Sau đó, cắt 2 cm ở phần trái để thước chỉ còn dài 28 cm. Nếu vẫn đặt thước ở điểm 15 cm như trước, phần phải sẽ chìm xuống (lúc này cánh trái dài 13 cm, cánh phải dài 15 cm). Có hai cách làm cân bằng thước: 1 - Đặt thước ở điểm 14 cm để trọng lượng 2 cánh bằng nhau; 2 - Vẫn đặt thước ở điểm 15 cm, nhưng đặt chồng 2 cm thước vừa cắt rời ra lên đầu mút cánh trái. Thước cân bằng bởi tuy cánh trái ngắn hơn cánh phải 2 cm nhưng vẫn có trọng lượng bằng cánh phải. Với cách 2 này, trọng tâm (trung tâm trọng lực) của thước đã dời đi 1 cm về phía cánh trái.
Có thể coi cơ thể con người là “một cái thước” có chiều dài bằng chiều cao đo từ mặt đất tới đỉnh đầu. Nếu muốn cơ thể ta nằm ngang, cân bằng trên một điểm tựa nào đó, phải đặt cơ thể ở điểm trọng tâm để trọng lượng phía đầu và chân bằng nhau. Tương tự, ta có thể dịch chuyển điểm trọng tâm này bằng cách thay đổi riêng lẻ hoặc phối hợp 2 cánh tay đòn phía đầu và phía chân: Dang rộng hai chân sang ngang thành chữ V, hoặc gập vuông góc giữa đùi và cẳng chân (người lùn đi, cánh tay đòn phần chân ngắn lại), hoặc duỗi, chắp hai tay lên đỉnh đầu (cánh tay đòn phía đầu tăng lên vì tính cả chiều dài cánh tay).
Ở dưới nước, do phân bổ trọng lượng cơ thể không đồng nhất (đầu nhẹ, chân nặng) như cái thước gỗ và do lực đẩy nổi Archimedes của nước tác động khác nhau lên các phần cơ thể khác nhau, nên trong tư thế thả nổi tự nhiên (sấp hay ngửa), tay xuôi xuống dưới, thân người sẽ nằm xiên xiên trong nước, đỉnh đầu lập lờ sát mặt nước còn chân chìm phía sâu (giống cái bập bênh) với điểm trọng tâm nằm ở đâu đó ngang phần thắt lưng. Muốn thả nổi với phần mặt, mũi nhô khỏi mặt nước, ta phải điều chỉnh hai cánh tay đòn (phía đầu và phía chân) như đã nói ở trên để thân người ngang bằng mặt nước, tức là chân phải nổi hơn lên so với khi không làm gì.
Ta còn có thể dùng hơi thở để điều chỉnh trọng tâm cơ thể cũng như độ nổi của phần đầu, ngực nói riêng và độ nổi của toàn cơ thể nói chung. Khi thở sâu vào, phổi nhiều không khí hơn sẽ đẩy phần ngực, đầu và toàn bộ cơ thể nổi hơn, còn khi thở ra, ngực, đầu và toàn bộ người sẽ từ từ chìm xuống.
Thực hành dưới nước:
Yêu cầu: Trước khi học thả nổi ngửa cần làm chủ kỹ thuật thở: “Trên mặt nước há miệng thở vào, dưới mặt nước thở ra bằng mũi”. Lưu ý là trong thả nổi ngửa, khi chìm đầu xuống nước luôn phải thở ra, vì nếu không thở ra, dưới tác động của trọng lực, nước sẽ chảy vào lỗ mũi gây sặc. Nên có kính bơi, nút tai để bảo vệ mắt, tai, tránh phân tâm khi tập.
Đứng ở nơi nước ngập ngang rốn, hay ngang ức (để đảm bảo an toàn), dang tay sang hai bên tạo với cơ thể hình chữ thập rồi vừa hít sâu vào vừa từ từ ưỡn cong người ra phía sau (như uốn dẻo) để đặt tay, lưng, đầu xuống cho tới khi nước ngập cân bằng qua hai bên mang tai. Lúc này hai đầu bàn chân vẫn bám sàn bể bơi. Nhớ là làm thật từ từ để nước tiếp nhận và đẩy cơ thể của bạn nổi lên, nếu đổ ùm lưng ra sau (lỗi này số đông hay mắc) thì phần đầu sẽ chìm ngay xuống, rất dễ sặc nước.
Khi thân người đã nằm ngang, hãy ấn nhẹ hai đầu mũi chân xuống sàn, đẩy người lao về phía sau, đồng thời nâng chân lên khỏi sàn bể bơi. Trong khi cơ thể bồng bềnh, lướt đi nhờ lực đẩy, người tập cần cảm nhận xem cơ thể mình phân bổ như thế nào trong nước để điều chỉnh hai cánh tay đòn (tay, chân) cho phù hợp theo cách ở trên.
Nhiều người nổi dễ dàng trên biển chết để đọc báo, thiền... Ảnh: Leisuregrouptravel.com. |
Trong tập thả nổi ngửa, ngoài lỗi đổ ùm lưng xuống như đã nói ở trên, còn một lỗi khác mà số đông hay mắc là cứng người vươn đầu lên cao (vì sợ chìm đầu sẽ sặc) làm cho đầu thân và chân tạo thành một hình cong. Nguyên tắc của cái bập bênh là đầu này lên cao thì đầu kia chìm xuống, mà để thả nổi ngửa thì đầu và chân phải nằm ngang bằng. Để sửa lỗi này, người học cần thả nổi cho nước ngập trên mang tai, thở vào, ưỡn ngực và vểnh cằm lên cao cho đỉnh đầu chìm xuống còn chân thì nổi lên.
Thả nổỉ ở biển khi gió lặng, sóng yên dễ hơn ở bể bơi và ở sông vì nước biển có khối lượng riêng lớn hơn khối lượng riêng của nước bể bơi, nước sông và của cơ thể người. Ở Biển Chết, biển rất mặn, khối lượng riêng của nước ở đây rất cao, cao đến nỗi người không biết bơi vẫn có thể nằm ngửa trên mặt nước đọc sách hay tập thiền.
Chúc bạn thành công.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn
Giám đốc Công ty E-Bơ