Kỹ năng sống sót khi bị lạc trong rừng

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng sống hạnh phúc

 

lacduong

Trang bị kiến thức về tự nhiên, kỹ năng sinh tồn sẽ giúp bạn sẵn sàng đối mặt với những tình huống rủi ro khi bị lạc rừng mà không liên lạc được với ai.

1. Bình tĩnh

Tâm lý hoảng sợ, suy sụp sẽ đến với bất kỳ ai khi sau khi bị lạc đường. Tuy nhiên bạn hãy kịp trấn tĩnh, đây là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp bạn sống sót. Bởi nếu hoảng loạn, bạn sẽ càng bị mất phương hướng và sẽ bị lạc sâu hơn nữa. Sau khi đã trấn tĩnh, hãy tìm cách thoát khỏi vùng nguy hiểm một cách nhanh nhất có thể.

2. Xác định vị trí

Hãy chú ý tới những khu dân cư, nơi có lán trại hay có bất kỳ dấu hiệu sinh hoạt nào của con người và tìm cách di chuyển đến đó. Lúc này bạn phải leo lên điểm cao nhất có thể tiếp cận như ngọn cây, đỉnh đồi để quan sát, tìm những đặc điểm như nhà, ruộng đồng, khói, nếu vào ban đêm có thể tìm ánh lửa, ánh điện…Bạn cũng nên chú ý nghe những tiếng động lớn như tàu, xe, động cơ để từ đó lần đường đi.

di-rung-9453-1390205951.jpg

Luôn chú ý khoảng cách khi đi cùng nhóm người để tránh bị lạc trong rừng. Ảnh: A. Phương

Nếu như không nghe được bất cứ âm thanh gì, thì tốt nhất là xác định vị trí một con sông, con suối từ trên cao. Sau đó chỉ việc đi theo hướng dòng nước chảy, tỷ lệ thoát khỏi khu vực nguy hiểm sẽ rất cao.

3. Đánh dấu đường đi

Cách xác định rõ phương hướng, đánh dấu bằng hướng của mặt trời, núi, hướng gió so với hướng di chuyển... là một trong những yếu tố giúp bạn định hướng được  hướng di chuyển. Bạn nên đánh dấu đoạn đường mình đi qua bằng cách vạt cây hoặc một vài dấu hiệu mà bạn có thể làm trong lúc đó để phòng trừ trường hợp bạn quay lại chỗ cũ.

4. Để lại lời nhắn ở nơi bạn bị lạc

Nếu như bạn bị lạc khỏi một nhóm người, việc đầu tiên là nên bình tĩnh xác định địa hình xung quanh, nghiên cứu tìm hiểu nguồn nước, thực phẩm và ở lại đó chờ người đến cứu. Tránh di chuyển nhiều vì nó sẽ làm tiêu hao năng lương của bạn, bị thú dữ tấn công...

Nếu bạn muốn tìm kiếm chỗ khác, ở vị trí bạn lạc, nên để lại một lời nhắn hoặc một dấu hiệu nào đó để nếu quay lại tìm bạn, người ta có thể xác định được hướng hay vị trí của bạn để tìm kiếm.

5. Tạo dấu hiệu để mọi người dễ tìm kiếm

lac-5287-1390205951.jpg

Nếu bị lạc, bạn hãy tiếp cận một nơi cao nhất để tìm về hướng nơi có bản làng hay người sinh sống. Ảnh: Anh Phương

Bạn phải tìm hiểu môi trường, tìm kiếm nguồn nước, thực phẩm, chỗ trú ẩn rồi tìm cách ra tín hiệu. Ví dụ bạn nên đốt lửa tạo khói, căng những tấm vải màu sắc, quần áo treo lên cao, tạo ra âm thanh nếu có thể.

6. Lắng nghe âm thanh

Lắng nghe âm thanh trong rừng, nếu nghe thấy tiếng súng hay tiếng gọi, hú, bạn nên định hướng và di chuyển đến gần đó.

7. Tìm kiếm thức ăn và nước

Đây là hai thứ thiết yếu cho những ngày lạc rừng của bạn. Trong trường hợp không còn thực phẩm mang theo, hãy tìm dòng suối, sông... hoặc bạn phải tìm cách hứng nước sương từ lá cây. Bạn chỉ nên ăn những cây rừng nào mà bạn biết là không có độc, nếu không, tốt nhất bạn nên cầm cự bằng nước. Nhớ tránh các loại nấm sặc sỡ trong rừng, thường là nấm độc.

nuoc1-6870-1390205951.jpg

Nhất thiết phải tìm được nguồn nước sẽ giúp bạn cầm cự được vài ba ngày. Sau đó, hãy đi về hướng nước sông hay suối chảy, khả năng sống sót của bạn sẽ cao hơn. Ảnh: Anh Phương

8. Tìm kiếm chỗ ngủ

Nếu trời đã tối mà chưa có dấu hiệu tìm thấy hướng ra, bạn phải tìm cách chọn nơi trú ẩn một cách an toàn. Nên đốt một đống lửa to sẽ giúp bạn xua đi cái giá lạnh của ban đêm, giữ nhiệt, vừa có tác dụng xua đuổi thú dữ. Sau đó tìm cách mắc võng trên cây hay ngủ trên các phiến đá. Bạn cũng có thể lấy lá cây tạo cho mình một chỗ trú ẩn.

Anh Phương

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.