Cai nghiện Facebook để ngăn tan vỡ gia đình

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng sống hạnh phúc

face

Facebook lấy đi rất nhiều thời gian mà đáng lẽ bạn có thể dành cho gia đình

“Chồng bảo tự dưng vợ đâm mê Facebook. Cho con học bài cũng chát chít. Ngày nghỉ không nói chuyện với chồng, chỉ ngồi ôm face. Cho cái thằng sáng lập Facebook giải thưởng phá hoại…”, Phương Hoa, 33 tuổi nói.

Từ ngày được bạn bè lôi kéo gia nhập Facebook, thời gian của Phương Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) dành cho gia đình eo hẹp hẳn. Công việc của cô chủ yếu làm vào buổi tối, ban ngày rảnh rỗi ở nhà thu dọn nhà cửa, cơm nước chờ chồng con. Bình thường, 4h chiều cô đã đi đón con gái ở trường mẫu giáo. Từ ngày lập trang cá nhân Facebook, thời khóa biểu của mẹ con cô bị kéo lùi gần tiếng đồng hồ.

Nhiều hôm mải mê ghé thăm “nhà” của các bạn và hăng hái chém gió, nhìn đồng hồ đã 5h30, Phương Hoa mới lật bật chạy đi đón con. Đến trường mẫu giáo, thấy còn mỗi mình bé và cô giáo ngồi ở phòng chờ, mặt buồn thiu. Cô tự nhủ hôm sau phải đi đón con đúng giờ nhưng rồi lại sa vào các cuộc bình luận, tranh cãi với các bạn online mãi mới dứt ra được. Nhiều hôm, cô đón con muộn quá, về nhà tắm rửa cho con xong thì đã đến giờ đi làm, cả nhà Phương Hoa đành kéo nhau ra quán ăn cơm.

Mấy hôm đầu, chồng Hoa vui vẻ vì được ăn nhà hàng. Sau thấy mật độ ăn quán của gia đình dày quá, chồng Hoa cằn nhằn, kêu thời kỳ khủng hoảng kinh tế mà vợ chi tiêu mạnh tay thế. Hoa cười trừ, không dám nói là do mải face nên chẳng còn thời gian thời gian nấu nướng. Tháng vừa rồi, chi tiêu của gia đình cô bị phụ trội thêm cả mấy triệu đồng, do nguyên nhân ăn quán.

Phương Hoa kể: “Cứ như bị nghiện ấy. Từ ngày có Facebook mình quên hẳn phim trên HBO, quên luôn cả mấy trang báo mạng điện tử yêu thích ngày trước. Chắc phải tự cai face thôi không thì gia đình tan vỡ mất". Chi tiêu gia đình Hoa tăng vọt, chẳng tiết kiệm được gì. Nhiều hôm đến tối, nhà cửa vẫn bừa bộn, con cái nheo nhóc, cơm nước thì chẳng có, hai vợ chồng quay ra hục hặc với nhau. Có lần giận nhau đến mấy ngày.

Chuyện của Trần Mạnh (nhân viên một công ty bất động sản tại Hà Nội) lại khác. Nhờ Facebook, Mạnh đã tìm lại được nhiều bạn cũ, trong đó có cô bạn Lan Anh mà anh đã ngưỡng mộ thời trung học. Lan Anh rất vui vẻ tiếp chuyện Mạnh trên Internet dù thời đi học cả hai chưa bao giờ trò chuyện với nhau. Ngày đó, Lan Anh có vẻ ít nói, rụt rẻ, nổi tiếng khó gần ở lớp, đến mức anh chàng lẻo mép như Mạnh cũng ngại làm quen.

Chát chít càng lâu, cả hai càng thấy thân thiết, dù một người sống ở Hà Nội, một người ở Hải Phòng. Lan Anh nói chuyện dí dỏm và cực kỳ tâm lý, luôn ghi nhớ những gì Mạnh thổ lộ. Một lần Mạnh kể con bé nhà anh mọc răng và bị sốt. Nghe xong, Lan Anh sốt sắng gửi các bài báo trên mạng hướng dẫn chăm sóc bé cho anh. Đôi khi Mạnh có cảm giác Lan Anh hiểu mình hơn cả vợ, thấy tiếc vì lập gia đình sớm quá.

Càng ngày, anh càng thích nói chuyện với cô bạn cũ vẫn còn độc thân. Thế nên, hôm họp lớp cấp ba, Mạnh hoãn hẳn việc ký một hợp đồng lớn chỉ để về quê, có cớ gặp Lan Anh. Mạnh hăng hái đến tận nhà đón cô bạn cũ. Đôi lúc không kìm được lòng mình, Mạnh cũng buông lời thích tán tỉnh Lan Anh. Anh say nắng thật sự. Còn Lan Anh khẳng định chỉ coi Mạnh như bạn tốt. Và Mạnh quyết định không vào mạng một thời gian để khỏi tơ tưởng cô bạn cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các cuộc nghiên cứu cho rằng Facebook khiến người ta đa tình hơn.

Thảo (nhân viên văn phòng, Thanh Xuân Hà Nội) đã chính thức đóng tài khoản trên Facebook. Công việc cơ quan nhàn rỗi, đường truyền Internet lại nhanh, thế là Thảo trở thành tín đồ của mạng xã hội. Trong nhà, có bất kỳ sự kiện gì cô cũng lên face tâm sự. Hai vợ chồng giận dỗi nhau cũng được Thảo qua face thông báo cho bạn bè. Thậm chí, việc có nhiều anh chàng tán tỉnh, Thảo cũng hào hứng lên trang cá nhân khoe. Trong số đấy, Thảo say nắng một người.

Chồng Thảo phát hiện ra, thay vì về nhà vợ chồng bảo nhau, Thảo lại lên face viết những câu thể hiện tình yêu thương với chồng, những mong muốn để chồng được bình yên hạnh phúc. Bạn bè xúm xít vào comment: “Sao chị yêu anh ấy thế”, “Sao chị đảm đang thế” càng khiến Nam, chồng của Thảo bực mình hơn: “Có khác nào vợ mình làm sai rồi lên đây thú tội cho cả thiên hạ biết”.

Sau khi Thảo đóng tài khoản face, đem chuyện gia đình về đúng không gian của nó để giải quyết, vợ chồng cô vẫn còn nặng nề với nhau một thời gian dài. Nam bực mình một phần vì vợ nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của mấy gã lẻo mép thì lại bực hai phần vì chuyện gì vợ cũng “public” với bàn dân thiên hạ, làm giảm cái sĩ diện đàn ông của chồng.

Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Phương (tốt nghiệp ĐH Newcastle, Australia) vi von, Facebook cũng có lợi và có hại với cuộc sống như bia rượu vậy. Nếu bạn uống bia rượu ở mức độ vừa phải thì sức khỏe được hưởng lợi rất nhiều, nhưng chất cồn sẽ rất có hại khi bị lạm dụng. Facebook cũng vậy, đi vào đời sống của chúng ta như sự phát triển tất yếu của thời đại. Facebook giúp chúng ta mở rộng quan hệ xã hội, tìm ra những người bạn, người quen cũ của mình, giúp gắn kết và liên lạc với người thân ở xa…

Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho Facebook, đương nhiên bạn sẽ phải cắt bớt quỹ thời gian mà lẽ ra bạn có thể dành cho việc khác, cho người khác, trong đó có gia đình bạn. Theo chuyên gia này, dù mỗi ngày bạn mất cả tiếng đồng hồ để upload ảnh và các clip của con cái nhà bạn lên Facebook, hay upload những khoảnh khắc thú vị của gia đình bạn, viết những lời yêu thương dành cho con cái và người bạn đời của bạn… thì điều này cũng chẳng có điểm cộng nào cho hạnh phúc thực sự trong cuộc sống gia đình. Không những thế, nó còn lấy đi khá nhiều thời gian quý báu mà lẽ ra bạn có thể trực tiếp trò chuyện hay vui chơi cùng gia đình của mình.

Bà Phương nói thêm: “Tôi không khuyên bạn đóng Facebook nhưng bạn nên cân đối thời gian sử dụng cho hợp lý. Bạn cũng nên cân nhắc viết cái gì và đăng ảnh gì lên Facebook, công khai cho mọi người, đừng vạch áo cho người xem lưng, việc nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Khi mọi chuyện bị rùm beng lên, giải quyết sẽ rất mệt”.

Kim Kim

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.