Bình đẳng giới: Sự tôn trọng
Bình đẳng giới (BĐG) theo tôi thể hiện trước hết và quan trọng nhất ở sự tôn trọng lẫn nhau giữa các giới: giới nam, giới nữ và... giới thứ 3. Đó là sự bình đẳng đầu tiên trong nhận thức, có được sự bình đẳng này thì mới có bình đẳng trên thực tế.
BĐG trong gia đình là sự tôn trọng lẫn nhau giữa vợ và chồng.
Tôn trọng có nghĩa là chấp nhận chính người đó như người đó là. Không đòi hỏi họ phải như thế này thế khác, hay đòi họ phải giống ai khác. Vợ hay chồng so sánh bạn đời của mình với người khác là coi thường nhau, là bất bình đẳng. Tôn trọng bạn đời là để họ được là chính mình! Tôn trọng có nghĩa là khi có việc gì liên quan đến gia đình, với bản thân nên hỏi ý kiến bạn đời của mình. Ví dụ, người chồng hay vợ muốn mua sắm đồ đạc trong nhà nên hỏi ý kiến các thành viên. Đó là sự bình đẳng trong cơ hội tham gia.
Tôn trọng là hiểu công việc của bạn đời và tạo điều kiện cho bạn đời có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Có người vợ cho rằng, dù chồng làm gì ngoài xã hội nhưng về nhà vẫn phải giúp vợ làm việc nhà, phải về sớm mới là vợ chồng bình đẳng. Cũng có người chồng cho rằng, vợ có làm gì ngoài xã hội thì khi về nhà cũng phải làm mọi việc của người vợ mới là bình đẳng. Hai trường hợp như trên đều không phải là bình đẳng thật sự .
Một thầy giáo của tôi chia sẻ rằng: thành tựu của sự đổi mới đối với cá nhân thầy- đó là thầy được vợ chăm sóc nhiều hơn và được về nhà muộn hơn. Trước đổi mới, thầy cô đều ít việc, thu nhập thấp tương đương nhau và 2 vợ chồng đều về nhà sớm, người nấu cơm, người giặt quần áo. Nhưng sau đổi mới, thu nhập của thầy gấp 10 lần trước đó, thầy có thể về nhà muộn và được vợ chăm sóc vui vẻ. Có phải hoàn cảnh gia đình trên trước đổi mới là bình đẳng, còn hình ảnh sau đổi mới là bất bình đẳng? Nếu nhìn bề ngoài thì có vẻ nhận định trên là đúng.
Nhưng với người vợ, bà có thấy quan hệ vợ chồng sau đổi mới là bất bình đẳng không? Hoàn toàn không, người vợ thấy cuộc sống hiện tại rất tốt, bà thấy chồng có cơ hội kiếm tiền, tạo sự no ấm cho gia đình, thì việc mình chăm sóc chồng là đương nhiên. Việc về nhà muộn của chồng là vì công việc, là việc tạo quan hệ xã hội để có nhiều cơ hội trong công việc hơn. Và người vợ tôn trọng công việc của chồng, tạo điều kiện cho chồng phát triển nghề nghiệp.
Bình đẳng cũng thể hiện ở sự tôn trọng cảm xúc của người bạn đời. Khi ta buồn, nếu ta cần người chia sẻ, bạn đời sẽ là bờ vai. Nhưng khi ta cần yên tĩnh người bạn đời tôn trọng để ta được có khoảng không gian riêng. Đôi khi vài người vợ không hiểu đã bạo hành tinh thần, bạo hành cảm xúc người chồng. Chồng cần yên tĩnh nhưng không hiểu nên gặng hỏi đủ thứ mà tưởng mình đang quan tâm, thậm chí nghi ngờ chồng "có gì" với ai nên về nhà chẳng nói chẳng rằng…
Bình đẳng cũng thể hiện ở sự tôn trọng suy nghĩ của nhau. Đôi khi chúng ta cứ cho suy nghĩ của mình mới là đúng rồi phán xét người khác nghĩ sai mà quên mất mỗi người luôn có những cách nhìn nhận về các vấn đề rất khác nhau, phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm sống, hoàn cảnh, tâm trạng…Nhiều gia đình chỉ vì bất đồng ý kiến mà nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã, bạo hành thể xác lẫn nhau. Nếu chúng ta có bất đồng nhưng chúng ta vẫn tôn trọng sự khác biệt thì sẽ không xảy ra tranh cãi mà sẽ cùng nhìn lại quan điểm của nhau để tìm tiếng nói chung, tìm giải pháp phù hợp nhất với cả hai.
Bình đẳng cũng thể hiện ở sự tôn trọng lời nói của nhau. Vợ và chồng từ hai gia đình với hai cách sống khác nhau, giống như hai người đến từ 2 hành tinh khác nhau, sao Hỏa và sao Kim, sẽ có cách nói, cách diễn đạt về các vấn đề khác nhau. Có người nói thẳng, nói cộc, có người nói khéo, nói lòng vòng, nói nửa chừng…Nhưng trong những ca tham vấn gia đình, tôi gặp không ít vợ và chồng bất mãn với nhau trong cách nói, chê bai nhau và thất vọng về nhau. Họ quên mất tấm lòng, tình cảm thực sự của bạn đời dành cho mình mới là quan trọng. Họ chỉ thấy bạn đời nói không ngọt ngào, bạn đời nói không khéo, hay quá ít nói… hơn những người bạn ngoài đời.
Bản thân tôi cũng đã từng thất vọng vì cách nói cộc lốc của chồng, nhưng càng sống chung càng thấy anh có những ưu điểm khác. Cách nói đó chỉ là thói quen từ bé. Đôi khi anh muốn xin lỗi nhưng không biết cách nói mà chỉ tỏ thái độ biết lỗi. Khi tôi hiểu và thông cảm, chấp nhận anh, tôi thấy cuộc sống vợ chồng ấm áp hơn, ít mâu thuẫn hơn. Tôi không đòi hỏi chồng những gì chồng không có nữa. Tôi thấy mình đã đối xử bình đẳng với anh hơn.
Bình đẳng còn là sự tôn trọng hành động của nhau. Hành động của chúng ta không ai giống ai, dù có bắt chước … cũng rất khó giống hoàn toàn. Biết điều đó nhưng đôi khi chúng ta lại mắc sai lầm là bắt người khác làm theo ý mình, bắt người khác làm giống mình. Người vợ thường muốn chồng phải chăm sóc mình nhiều hơn, mua quà tặng, giúp việc nhà…Đây cũng là mong muốn bình thường chính đáng. Nhưng không phải người chồng nào cũng có cách thể hiện tình yêu thương như vậy. Có người chỉ thể hiện tình yêu với vợ con bằng cách chăm chỉ làm việc kiếm tiền lo cho gia đình, còn việc chăm vợ là chuyện không quen làm. Thậm chí có anh còn thấy ngượng khi mua hoa tặng vợ ngày 8.3, vì thấy mình… cải lương. Người vợ hiểu và thông cảm thì thấy bình thường, nhưng người vợ có mong muốn khác sẽ thấy mình bị đối xử tệ, chồng thiếu quan tâm.
Có lẽ còn rất nhiều những ví dụ khác về sự bình đẳng - cách đối xử tôn trọng lẫn nhau. Tôi hiểu BĐG như vậy, bạn có đồng tình không? Bạn muốn có sự bình đẳng như vậy với bạn đời và với mọi người xung quanh không? Bạn có đối xử bình đẳng với vợ/chồng, con bạn và mọi người xung quanh theo cách đối xử tôn trọng không? Rất mong nhận được phản hồi từ các bạn.
PHẠM THỊ THÚY (TP.HCM)
Thạc sĩ xã hội học- Giảng viên Học viện hành chánh