9 đề tài cần thảo luận trước khi cưới
Con cái, tiền bạc, việc nhà... là những đề tài mà các cặp đôi chuẩn bị kết hôn nên thảo luận trước khi chính thức dọn về sống cùng nhau
Đó là những chia sẻ của Susie Moore, một cây bút của Marie Claire, từ những kinh nghiệm thực tế qua hai lần lập gia đình của mình. Cuộc hôn nhân thứ hai đã được hưởng lợi rất nhiều từ những kinh nghiệm và bài học mà chị có từ sự tan vỡ khi mới ngoài 20 tuổi. Sau đó, chị tự rút ra những cuộc nói chuyện cần phải có giữa hai người trước khi kết hôn, những phẩm chất người bạn đời cần phải có và những điều nên tránh. Theo chị, cởi mở nói về những thách thức trong cuộc sống hôn nhân là rất quan trọng, điều này giúp chúng ta thấy yên tâm và hạnh phúc.
Hãy cởi mở thảo luận những vấn đề liên quan tới hôn nhân trước khi quyết định cưới - Ảnh: idiva. |
1. Con cái
Bạn có muốn sinh con, khi nào và dự định có bao nhiêu đứa? Bạn muốn con được giáo dục như thế nào? Bạn muốn con có những giá trị và lý tưởng sống như thế nào? Cả hai vợ chồng cùng đi làm hay sẽ có một người ở nhà trông con?... Đó là những điều bạn nên thảo luận trước để tránh việc xung đột trong vấn đề con cái và nuôi dạy con sau này. Câu nói: “Cả hai người cùng thích có con" là không đủ.
2. Tiền bạc
Bạn sẽ xử lý vấn đề tài chính như thế nào một khi đã kết hôn? Tài sản, tiền lương, các khoản thừa kế? Điều gì xảy ra nếu một trong hai người bất ngờ bị mất việc? Bạn nên nhớ, kết hôn có nghĩa là hai người đã thành một đội và lúc này tài chính đã được gộp vào một mối, của chồng công vợ. Tiền bạc là một vấn đề lớn và gây nhiều tranh cãi, rất nhiều cặp đôi đã đường ai nấy đi vì lý do này. Chính Susie Moore và người chồng đầu tiên đã phải ra tòa vì những quan điểm hoàn toàn đối lập trong cách sử dụng tiền bạc. Đồng thuận trong chủ đề này là yếu tố rất quan trọng cho sự gắn kết lâu dài.
3. Việc nhà
Đề cập đến điều này tức là bạn đang nói về tất cả những công việc không được trả lương ở nhà. Các bạn sẽ chia việc nhà như thế nào? Việc nhà có thể trở thành cú sốc khó chịu nếu hai bạn không sống thử hoặc không thảo luận trước việc ai sẽ cọ nhà vệ sinh, ai sẽ đổ rác, ai sẽ hút bụi...?
4. Gia đình hai bên
Đương nhiên, bạn không thể sống cùng lúc với cả bố mẹ hai bên. Bạn dự định sẽ sử dụng những kỳ nghỉ, những dịp lễ tết như thế nào, về nhà nội hay về nhà ngoại? Bạn tham gia các sự kiện của bố mẹ, anh chị em hai bên như thế nào? Bạn sẽ về thăm bố mẹ mỗi tuần, một tháng một lần hay hai, ba lần mỗi năm? Điều này có thể trở nên đặc biệt quan trọng nếu một trong hai người hoặc cả hai người đều là con một.
5. Cha mẹ già
Bạn sẽ trực tiếp chăm sóc cha mẹ và hỗ trợ tài chính cho các cụ như thế nào? Bạn có thể dễ dàng bỏ qua điều này nếu kết hôn khi mới ở độ tuổi 20 và cha mẹ bạn vẫn còn trẻ. Tuy nhiên, vì bạn muốn hôn nhân được kéo dài mãi mãi, một số điều trong vấn đề này cần được làm rõ. Khi vào độ tuổi 40, con người ta sẽ có rất nhiều nhiệm vụ trong gia đình: vừa nuôi dạy con cái đang trong quá trình trưởng thành, vừa phải chăm sóc cha mẹ già yếu. Các bạn cần phải thống nhất mình sẽ có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với cha mẹ mình và cha mẹ người bạn đời.
6. Kỳ vọng tình dục
Quan hệ tình dục khi bạn còn hẹn hò hay mới đính hôn có thể rất khác so với khi bạn kết hôn đã được 10 năm. Rất nhiều cặp vợ chồng đã phải tìm đến những ca trị liệu hoặc tư vấn nếu một trong hai hoặc cả hai không hài lòng trong phòng ngủ sau nhiều năm sống cùng nhau. Kết nối về thể xác là yếu tố rất quan trọng để giữ gìn hôn nhân và việc hẹn hò định kỳ một tối mỗi tuần có thể giúp vợ chồng luôn duy trì được ngọn lửa thân mật.
7. Ưu tiên cuộc sống
Điều gì là quan trọng nhất đối với cả hai người? Bạn có thực sự muốn ổn định cuộc sống ngay sau khi cưới hay còn muốn cùng nhau ngao du sơn thủy, khám phá thế giới? Bạn muốn đi học tiếp? Bạn muốn đi làm tình nguyện viên? Bạn muốn tiết kiệm tiền để mua một ngôi nhà ven bờ biển?... Hãy nói về nguyện vọng và mục tiêu của bạn, và cố gắng thực hiện trong những khoảng thời gian phù hợp.
8. Những điều không thể chấp nhận
Nếu tất cả các kỳ nghỉ cuối tuần chàng đều dùng thời gian để xem thể thao với các bạn của mình? Nếu chàng trở về nhà lúc 1h sáng trong tình trạng say xỉn? Nếu một trong hai người làm việc không ngừng nghỉ suốt 16 giờ mỗi ngày. Nếu ai đó đốt tiền trong các sòng bạc? Tán tỉnh người khác? Ghen tuông vô lý?... Bạn cần phải tuyên bố ngăn chặn ngay trước khi cưới. Những hành vi xấu lặp đi lặp lại có thể khiến một trong hai người mệt mỏi đều không phải là những điềm lành cho một tương lai hạnh phúc.
9. Hỗ trợ, ủng hộ nhau
Trong những thời điểm khó khăn, tất cả chúng ta thường giao tiếp một cách khác biệt. Chồng Susie Moore thích được một mình ngẫm nghĩ còn Moore thì thích chia sẻ với người khác. Bây giờ, hai người chấp nhận cả hai cách này và thấu hiểu những gì người kia mong muốn. Nói ra những gì bạn mong muốn là rất cần thiết, và bạn cũng phải hỏi xem người bạn đời muốn gì.
Ngoài ra, bạn có thể thảo luận thêm một số đề tài khác. Bạn cần nhớ rằng cuộc sống rất năng động và không ngừng thay đổi, bạn cũng cần phải linh hoạt. Thậm chí, sau một vài năm, cuộc sống có thể khác đi hoặc bạn cảm thấy hôn nhân đã khiến mình khác đi. Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn chủ động trong cuộc sống. Những thỏa thuận trước đám cưới chính là chìa khóa giúp hôn nhân sẽ kéo dài. Bạn nên nhớ, việc bạn có thể thảo luận và đồng ý về những chủ đề quan trọng một cách trưởng thành và bình tĩnh mới là điều đáng nói nhất.
Kim Anh (Theo Marie Claire)