Làm sao vẹn cả đôi đường?

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho phụ nữ

 

mevacon

 Tôi đã ly hôn chồng hơn 10 năm và một mình nuôi con khôn lớn. Gần đây, tôi có quen một người bạn gốc Việt, anh muốn kết hôn rồi bảo lãnh tôi qua Mỹ.

Con gái tôi (17 tuổi) tuy không phản đối mẹ đi bước nữa, nhưng cháu kiên quyết không xuất ngoại cùng tôi - kể cả sau này, khi tôi có điều kiện bảo lãnh cho cháu. Cháu nói lý do thích sống ở Việt Nam, nhưng tôi cảm nhận đó chỉ là cái cớ, vì cháu đang có bạn trai và không muốn xa người yêu. Điều này làm tôi rất bối rối, vì khó khăn lắm tôi mới tìm được hạnh phúc mới, nhưng để con gái ở lại một mình thì không được, còn ép buộc cháu phải đi và chia tay người yêu thì tôi thấy mình ích kỷ với con… Tôi phải sao để vẹn cả đôi đường?

Nguyễn Thúy Q.
(Q.Bình Tân, TP.HCM)

 


Chị Nguyễn Thúy Q. mến,

Chúc mừng chị đã tìm được hạnh phúc lứa đôi, càng mừng hơn vì chị đã có con gái đồng cảm và ủng hộ mẹ. Nhiều gia đình một mẹ một con như gia đình chị thường xảy ra trường hợp con không muốn chia sẻ tình cảm của mẹ với bất kỳ ai, phản đối mẹ có bạn trai, phản đối mẹ đi bước nữa. Có lẽ vì cháu đang yêu nên hiểu được giá trị của tình yêu đối với hạnh phúc của mẹ. Cháu năm nay đã 17 tuổi, đủ trưởng thành để có thể tự lo lấy cuộc sống cá nhân chị ạ. Tuy nhiên, người mẹ nào cũng rất lo lắng khi con không ở bên mình, dù con bao nhiêu tuổi. Đặc biệt nếu xuất cảnh, chị phải ở quá xa cháu. Chị sẽ lo nếu cháu có chuyện gì chị không được biết, không được chia sẻ, giúp đỡ cháu…

Theo tôi, chị và cháu nên ủng hộ nhau và cùng bàn bạc tìm ra cách sắp xếp cuộc sống ổn thỏa. Chị nói chị mới cảm nhận là cháu có người yêu, chứ chưa biết đích xác điều này. Chị có thể gặp bạn trai của cháu xem tình cảm của chúng như thế nào? Người bạn đó có yêu con chị thật lòng không?... Nhân cơ hội này, chị giúp cháu xác định và vun đắp tình yêu. Nếu đó là mối tình đẹp, chị nên ủng hộ cháu ở lại Việt Nam. Không có nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau chia lìa người mà ta yêu thương, đúng không chị? Chị có thể chuẩn bị nơi sinh sống, học tập hay làm việc cho cháu trong điều kiện cho phép. Chị cũng có thể nhờ anh em họ hàng, bạn bè của chị ở Việt Nam quan tâm đến cháu thay chị… Còn nếu đó là mối tình thoáng qua của tuổi trẻ, chị cũng nhân cơ hội này giúp con chọn lựa hạnh phúc lâu dài.

Tuy nhiên, có thể cảm nhận của chị về việc con có bạn trai chưa chắc đúng, mà đơn giản là cháu thích sống ở Việt Nam, không thích ra nước ngoài sinh sống, không muốn là sự cản trở cho gia đình riêng của mẹ… thì sao? Nếu cháu không đi vì lý do này, chị cũng nên tôn trọng cháu. Muốn cuộc sống mới vui vẻ, người ta cần thích nghi với cuộc sống nơi đó bằng sự háo hức, tò mò, yêu thích.

Chúc chị và cháu sẽ đều tìm được hạnh phúc và yên tâm về nhau vì biết người kia đang hạnh phúc!

ThS Phạm Thị Thúy
(Cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ, Công ty Kỹ năng sống)
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.