Hận gia đình chồng : Ly hôn
Tôi và anh quen nhau được 3 năm mới kết hôn, trải qua rất nhiều sóng gió, sự phản đối của gia đình anh, cuối cùng chúng tôi mới được kết hôn. Thời gian hôn nhân quả thật là địa ngục cuộc đời, lắm lúc tôi không nghĩ mình là con người nữa. Lắm lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng vì yêu anh và con nên tôi cố gắng.
Ba mẹ chồng tôi bệnh liên miên suốt từ lúc chúng tôi kết hôn đến giờ. Tiền bạc và công sức của tôi bỏ ra, tất cả trở thành vô nghĩa khi tôi thất nghiệp. Tôi cũng khá bất hiếu, bỏ mặc cha ruột bệnh nặng không chăm mà chỉ lo chăm mẹ chồng bệnh. Rồi ba qua đời, mẹ chồng khỏe lại để tiếp tục hành tôi, để tôi luôn hối hận là không lo cho cha được, chỉ biết cầm tiền đưa mẹ lo cha mà thôi.
Khi mẹ chồng bệnh, tôi cố gắng kéo bà từ cửa ải môn quan của tử thần về nuôi cho mập mạp, trắng trẻo, rồi cuối cùng bà có thêm nhiều thời gian xúc phạm lòng tự trọng của tôi.
"Cái thứ tình yêu mà tôi tinh tưởng giờ trở thành sự căm hận trong tôi". Ảnh minh họa: wp. |
Còn chồng tôi, ngoài tiền bạc và cha mẹ anh ra thì mọi thứ đều có thể thay thế được. Cái thứ tình yêu mà tôi tin tưởng ở chồng giờ trở thành sự căm hận trong tôi. Tôi muốn ly hôn, anh bảo hãy cho anh và gia đình anh một cơ hội. Tôi cố gắng, nào ngờ đó lại là một cơ hội cho họ xúc phạm tôi thêm một lần nữa. Bây giờ, tôi chỉ có một điều còn sót lại là sự căm ghét.
Tôi có một công thức kết luận cho cuộc hôn nhân của mình là: 3 năm yêu nhau + 4 năm lấy nhau = 7 năm đau khổ - 1 năm hạnh phúc + 1 đời thù hận.
Tôi muốn ly hôn để trả tự do cho cả hai. Nhưng tôi lại muốn dày vò anh và những người đã đối xử tệ bạc với tôi. Tôi muốn họ sống chung địa ngục với tôi. Sau một năm mới, tôi muốn đổi mới cuộc sống chung của tôi và gia đình anh bằng sự cãi vã và chửi nhau mỗi ngày để giảm bớt sự thù hận trong tôi. Tôi yêu quý và thương họ, nhưng họ chỉ chăm bẳm tiền của tôi, họ xem tôi còn tệ hơn một con chó. Tôi muốn họ trả giá.
Đâu là tình yêu chân thật? Đâu là gia đình yêu thương nhau? Tôi muốn gửi đến một thông điệp rằng: Phụ nữ miền Nam không khéo như phụ nữ Bắc, nhưng sống rất thật lòng. (Thương).
Trả lời:
Bạn Thương thân mến,
Đọc thư bạn tôi cảm nhận được lòng bạn đang tràn ngập sự thù hận, căm ghét gia đình chồng, chồng, mẹ chồng. Bạn thù hận nhiều đến nỗi chính bạn không muốn thoát ra khỏi nỗi khổ đã phải chịu đựng bao năm, để ở lại mà trả thù. Nhưng liệu bạn có trả thù được ai không hay chính bạn sẽ là nạn nhân của sự thù hận đó?
Chỉ cần hình dung bạn luôn sống trong sự căm ghét mọi người trong nhà, căm hận chồng - người bạn từng yêu thương, đã thấy bạn không có một phút giây nào thanh thản, vui vẻ. Thật khổ cho bạn quá, nhưng ai làm bạn khổ vậy? Có phải chồng bạn, gia đình chồng bạn như bạn kết tội không?
Việc bạn không trực tiếp chăm sóc cha mình khi cha ốm nặng do bạn quyết định hay do mẹ chồng bắt ép? Bạn tự quyết định đấy chứ. Bây giờ bạn nuối tiếc, ân hận là bạn đang tự trách chính mình, rồi giận lây mẹ chồng ốm cùng lúc để bạn không lo cho cha mình được. Tôi e rằng, chính cách bạn không quan tâm nhiều đến cha mình đã làm cho nhà chồng bạn đánh giá thấp bạn, dù bạn dành thời gian cho mẹ chồng.
Còn việc bạn nói rằng “yêu quý và thương” gia đình chồng, nhưng họ có cảm nhận được sự yêu thương đó của bạn không hay họ thấy bạn làm mọi việc vì bạn, chỉ là tỏ ra yêu thương để vừa lòng họ? Tôi tin rằng không ai không muốn người khác yêu thương mình, không ai không vui khi được người khác yêu thương.
Nếu bạn thực lòng yêu thương họ, bạn đã cảm hóa được họ và họ sẽ yêu thương lại bạn. Ở đây, sự yêu thương mà bạn nói, đọc thư bạn tôi không cảm nhận được. Đúng như bạn đặt câu hỏi: Đâu là tình yêu chân thật?
Thông điệp của bạn về người miền Bắc và người miền Nam khi lòng bạn đầy sự thù hận nên cũng cần xem lại. Có phải mọi bà mẹ chồng người Bắc đều xấu hết không? Tôi tin không nhiều người đồng tình với bạn đâu. Có thể sự khác biệt về văn hóa, lối sống, cách ứng xử giữa người Bắc và người Nam khiến cho việc chung sống sẽ có nhiều hiểu lầm, có những mâu thuẫn nhỏ xảy ra. Nhưng với những người có văn hóa, có lòng yêu thương, sự bao dung thì sớm muộn những khác biệt đó sẽ tạo nên sự phong phú đa dạng của cuộc sống chứ không tạo thành những mâu thuẫn lớn.
Sự nhập gia tùy tục mà các cô gái trước khi đi lấy chồng luôn được nhắc nhở đúng với mọi người chứ không chỉ với các cô gái Nam lấy chồng Bắc. Dù vợ chồng ở cùng một vùng miền đi nữa thì mỗi gia đình cũng rất khác nhau về cách làm ăn, cách sống… nên việc học cách thích nghi là điều phải đạo.
Theo tôi, chồng đã từng muốn bạn cho anh ấy và gia đình một cơ hội là một điều rất ý nghĩa đối với chính bạn, có ý nghĩa là anh ấy còn cần và yêu vợ. Bạn băn khoăn là mình sẽ hạnh phúc hay bất hạnh, ly hôn để làm lại từ đầu, hay sống để trả thù nhau, cãi vã suốt ngày. Thử hỏi ai sẽ là người đưa ra quyết định sau cùng?
Thiết nghĩ nếu bạn tiếp tục thù hận, tiếp tục đổ lỗi cho sự khổ của bạn là do chồng và mẹ chồng, thì bạn có vui vẻ được không, bạn có nhận ra trách nhiệm của mình để tự thay đổi cuộc sống của bạn được không? Nếu bạn ở lại vì mục đích trả thù bạn sẽ gặp phải những nỗi khổ nào? Cuộc đời bạn và các con bạn sẽ phải tiếp tục sống ra sao?
Tôi mong bạn bình tâm suy xét lại, tìm ra cách cải thiện cuộc sống hiện tại để sống tốt hơn, con bạn sống tốt hơn, không nên mất thời gian nghiền ngẫm những gì người khác đã gây ra cho mình. Chuyện quá khứ không bao giờ thay đổi được dù ta thù hận hay ân hận.
Cái gì cũng có nguyên do của nó, những hành vi cư xử xấu từ người khác trong gia đình đã làm bạn bị tổn thương. Tình trạng đó có thể do nhiều nguyên nhân sâu xa, có khi từ chính những bức bối trong cuộc sống của họ, hoặc từ cách cư xử của bạn, có thể từ nguyên nhân nào khác mà ta khó có thể xác định được.
Vậy thay vì trách cứ họ, bạn để dành sự quan tâm, sức lực còn lại yêu thương chính mình, thay đổi chính mình sẽ có ích cho bạn hơn. Người xưa có câu: "Bạn sẽ luôn là nạn nhân cho đến khi bạn tha thứ”. Chỉ khi bạn ý thức trách nhiệm của chính mình với mọi việc đã và sẽ diễn ra, bạn mới thực sự biết nên làm gì tốt nhất cho mình và mọi người xung quanh!
Thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy