Thư gửi Con
Thư gửi con đã nằm kín trong ngăn kéo thư cũ… Những lá thư là “của riêng” của hai người, của mẹ và của con, của con nhiều hơn của mẹ, cho nên thoạt tiên nỗi ngần ngại đưa đến bạn đọc, dưới con mắt bàng quan thiên hạ, e giống như “đem con bỏ chợ”, là điều dễ hiểu.
Nhưng, dĩ nhiên với sự đồng ý của người con, quyết định cho cuốn sách nhỏ này ra đời chủ yếu đến từ thôi thúc muốn chia xẻ với bạn đọc, nhất là nữ độc giả, những người đã là mẹ, có khi đang thành bà, những người đang là mẹ hay sắp làm mẹ và ngay cả với độc giả thuộc nam giới, điều mà tôi đã và đang học khi làm mẹ, - và có thể nói từ đó, học làm… người… trong nỗi trăn trở của một người... sinh thành một con người...
Không nhiều, dù chuyện “mẹ con” nhiều đến vô vàn,- ở đây chỉ xin nói một điều: nỗi trăn trở về sợi dây liên lạc mẹ với con trong vô lượng kiếp người – và chính người mẹ cũng đã từng là con của mẹ, cho nên khi làm mẹ mới hiểu được cái khúc mắc “mẹ con” truyền kiếp ấy. Cái khúc mắc lạ lùng, vì tưởng nó không bao giờ có, tưởng như không thể có, bởi lẽ đơn giản, bao đời giữa mẹ và con, có điều chi mà khúc mắc? Cái tình mẹ con ấy bao la như sông dài biển rộng, hồn nhiên như mây bay, độ lượng như mặt trời, trăng và sao, hoa lá, nó nằm sâu trong dạ, trong ruột, trong tim, khúc mắc ở đâu?
Có chăng khúc mắc đến từ nỗi đau, hình như bà mẹ nào cũng có nỗi đau ấy, vô thức hay ý thức, xác thịt lẫn tinh thần, nỗi đau con xa mẹ, mẹ xa con ngay từ khi cái kéo cắt con rời khỏi rún mẹ, chia hai.
Khúc mắc lạ lùng, bởi sự “thành hai” là điều hiển nhiên trong việc sinh thành. Nhưng vì lòng mẹ thì cứ đinh ninh “mẹ con” là một, con thì nhất thiết là của mình. Mẹ tôi thường nói “núm ruột của mình”, “máu thịt của mình”. Thật không có chi thân thuộc hơn sự thân thuộc “mẹ con”.
Dòng sữa ngọt ngào chảy cho con, chịu đựng mọi khổ ải, sẵn sàng “bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”. Mẹ như đất và trời của con, và con là vũ trụ của mẹ.
Tưởng như trong tấm lưới đan kín thương yêu đầy mãnh lực ấy không còn một kẻ hở cho một sự lạ lùng nào đột nhập. Tưởng như đứa con hạnh phúc được nằm trong nôi mãi hoài. Tưởng như tương quan nước chảy xuôi là của “trời ban”, vì mẹ là bà trời trông xuống sinh vật nhỏ nhoi là con. Tưởng như không bao giờ có một kẻ hở để có thể lọt rơi đứa con ra ngoài...sau cái kéo cắt chia.
Nhưng, tấm lưới lại có một kẻ hở không ngờ: ĐỨA CON. Đứa con chính là kẻ hở của tình mẹ, trong nghĩa, nó chính là câu hỏi và đòi hỏi sống động không ngừng về tình mẹ. Tấm lưới mẹ có quăng ra cùng khắp bầu trời, khả năng “con xa mẹ” đã tiềm ẩn nơi đôi chân vừa thành hình trong lòng mẹ, ngay khi con chập chững biết đi. Nó bất ngờ hơn mọi sự ngờ trong đời, vì người mẹ nào cũng đinh ninh con thuộc về mình, bởi vì nó từ lòng mình mà ra. Nhưng con là nỗi bất ngờ của thử thách độ bền tấm lưới tình thương, quăng ra và thu về. Mẹ chỉ mong thu con vào lòng. Ngờ đâu, chính đứa con là sự tách rời đã định sẵn cho người mẹ, nó là sự bất ngờ nhất cho đời người làm mẹ sau mọi đinh ninh êm ái.
Dù vòng tay của người mẹ bao la hơn biển Thái Bình, đứa con vẫn là điểm bấp bênh chỉ chực xa rời cái biên giới “hơn biển” ấy để lang thang vào sa mạc. Dù vòng tay mẹ có với cao tới vùng trời, cao hơn Bắc Đẩu, đứa con vẫn có thể mù khơi đến Nam Tà...
Trong tương quan mẹ -con, mẹ là điểm cố định mà con là thiên di. Nếu mẹ là mặt trời, mặt trăng, là ánh sáng, thì dù được toả sáng đến đâu, đứa con vẫn còn một chấm đen không trăng để lẩn, để rời xa.
Tình mẹ bao la hơn biển Thái Bình rạt rào, như nước trên trời đổ xuống vẫn còn chưa đủ bén gót chân con. Cái tình bao la ấy như vết ánh sáng đuổi theo một điểm, đang ở ngoài điểm vô định., như sóng trào miên man không nghỉ mà vẫn chưa đến bờ. Nó bao la mà hầu như vĩnh viễn chưa đủ...bao la, chưa bao trùm hết...người con.
Thái Kim Lan bế con gái Thái Mai Lan
Chỉ vì một lẽ: cái khả năng thoát khỏi vòng tay mẹ đã tiềm ẩn trong người con, sự khát khao được yêu của con lại cũng nằm trong tư thế cách xa ấy. Con vừa là con của mình mà vừa là một NGƯỜI KHÁC.
Bao lâu con chỉ là đối tượng, vật sở hữu của tình mẹ, người mẹ càng nuôi sẵn cái “bất ngờ” KHÁC ấy. Nhìn thiên hạ khác mình không khó, nhìn con mình là người khác quả thật khó tưởng tượng nỗi. Nhưng oái ăm thay, bao lâu tình mẫu tử khoanh vòng người con là sản phẩm của mình, là phó bản của mình, thì dù cho nó mãnh liệt, lai láng đến đâu tình ấy kầu như không liếm gót chân luôn sẵn xa rời của con.
Nỗi trăn trở nêu trên chính là trăn trở không chỉ của mẹ mà cũng là của con. Lắm khi trong từ trường yêu thương của mẹ, bỗng người con nhận ra nó chỉ là một phiên bản của mẹ. Mẹ có thể đồng hoá với con từ cảm nhận cho đến tư duy. Mẹ nghĩ con cũng nghĩ như mẹ, con cũng cảm như mẹ, và mẹ hành động mà nghĩ con mình hành động, với tâm tư, chỉ vì mẹ thương con.
Mẹ tôi, trong tình thương ấy, đã nhiều lần như nhập cốt vào con, mà không biết đứa con ấy còn có những tâm tư khác, có một trái tim khác, có những xót thương khác...Ngộ nhận này, nếu không có cái nhìn thông cảm, có thể đem đến không ít đỗ vỡ cho cả hai.
Từ chiêm nghiệm làm con muốn được mẹ truy nhận mình là một “người khác”, và có lần oán trách mẹ. Đến lượt mình làm mẹ mới ngộ được tại sao mẹ không dễ nhìn đứa con mà mình mang nặng đẻ đau là một người KHÁC mình, mới biết khó vượt qua tình thương mình cho con để nhận ra đứa con thân yêu ấy có những đòi hỏi hoàn toàn khác với mong ước của mình, để có thể chấp nhận nó khác mình.
Trong lúc ấy, trên căn tính bản thể “trời sinh tánh” (cha mẹ sinh con trời sinh tánh) thì tiên thiên CON là một chủ thể khác mẹ. Một kẻ LẠ, mà trong giờ phút sinh bồn người mẹ đón nhận bằng đôi tay, ấp nó vào người, sau khi mang nó 9 tháng trong lòng. Đứa “CON” là một người LẠ... thân nhất, gần nhất. Tương quan sơ khởi nhất với một con người vừa là núm ruột của mình vừa là sinh thể KHÁC ấy là cảm giác hạnh phúc được ôm nó vào lòng...như khi mang nó trong bụng, hạnh phúc được gọi nó là “con tôi” và cảm nhận thiên chức mới trong đời người đàn bà: làm mẹ.
Có thể nói chỉ khi “làm mẹ” người phụ nữ mới trọn vẹn là NGƯỜI ĐÀN BÀ, một CON NGƯỜI số nhiều, có nghĩa không một mình. Bởi vì từ đây câu hỏi về cuộc đời mang một ý nghĩa rộng lớn hơn hiện sinh chật hẹp, ý nghĩa vươn tới “một người khác” trong chức năng và bổn phận làm mẹ.
Cho nên tấm tình bao la trong nghĩa “cha mẹ sinh con” cần vượt đến vùng đất mênh mông của “trời sinh tánh”, bảo bọc được người con như một con người, một chủ thể tha nhân.
Tôi tâm đắc với nhận định của I. Kant - điều kỳ lạ của vị triết gia thời khai sáng này là suốt đời độc thân- về yếu tính căn bản của tương quan mẹ (cha) – con, khi ông nêu lên giá trị chủ thể nơi đứa trẻ sơ sinh. Chính sự truy nhận giá trị chủ thể (độc lập) của đứa trẻ sơ sinh, dù nó chưa biết đứng chưa biết đi, chưa biết nói, chưa phát biểu để đòi được truy nhận là chủ thể - làm nên điều kiện tạo nên cốt tủy nhân bản của con người được thực hiện qua nuôi nấng và giáo dục.
Sự nuôi nấng và giáo dục được cân nhắc chính trong tương quan của hai chủ thể độc lập “mẹ - con” thay vì tương quan con là đối tượng phụ thuộc của người mẹ, người cha. Người mẹ làm thế nào để gầy dựng đối tượng thương yêu của mình có đủ sức mạnh, không những về thể chất mà về tinh thần, có khả năng thoát ra khỏi từ trường thụ động “được mẹ thương” và vươn vai lớn mạnh trở thành một chủ thể “khác” mình, chuẩn bị cho một sự “trưởng- thành- người”.
Nói theo Đạo Phật, đó là quá trình nhìn ra được tự tính bình đẳng MẸ - CON trong nghĩa CHO cũng là NHẬN – “Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời kiếp kiếp mẹ con gặp nhau”, không những con nhớ ơn mẹ mà mẹ cũng nhớ ơn con.
Con nhớ ơn mẹ đã đành mà mẹ nhớ ơn con vì được làm mẹ của một NGƯỜI con.
Chính vì con là một sinh linh khác nên mẹ phải vượt lên trên chính mình mà đến với con. Quá trình “vượt” này không gì khác hơn là quá trình trong lúc nuôi nấng, mẹ thoát chủ quan vị kỷ, thoát khung trời định kiến hạn hẹp của cái ngã sở hữu, học nhìn “cái này không phải của riêng tôi” để nhận ra thế giới sống của CON đang hình thành, để yên tâm biết rằng chân trời mới của con rộng đến vô cực, thì tình mẹ vẫn có thể tràn tới đến muôn vàn kiếp sau…
Siết chặt con trong lòng hay nhìn con rời xa, người mẹ tâm niệm một điều: “thương mấy cũng chưa vừa, thương như thế vẫn còn chưa đủ”. Chỉ trong tâm niệm ấy, CON vẫn ở trong lòng Mẹ dù có bao giờ…
---
* "Thư gửi con", tác giả Thái Kim Lan, NXB Hội Nhà văn, 2012
(Nguồn: Tia Sáng)