Trót 'dâng hiến' cho người tình

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho sinh viên

khoc

Chỉ sau 3 tháng quen nhau, Xuân đã "tặng" cái quý giá nhất của đời con gái cho bạn trai. Một thời gian sau anh ta chán chường "quất ngựa truy phong". Cô gái cảm thấy xấu hổ và không còn đủ tự tin để yêu ai nữa.

> Khi người yêu đòi 'khám phá'

Kể về mối tình đầu thời sinh viên với một kỹ sư trẻ, Xuân cho biết cả hai đã có một thời gian mặn nồng với nhau. Cuộc sống và tình yêu của cô sinh viên lúc ấy toàn màu hồng. Cô yêu và "cho đi" mà bỏ ngoài tai mọi lời cảnh tỉnh từ bạn bè và người thân.

Ngồi nhớ lại, Xuân đau đáu: “Chúng tôi đã 'ăn trái cấm' chỉ sau chừng 3 tháng quen nhau. Thời gian đầu hai đứa lao vào nhau, bám chặt lấy nhau. Gần một năm sau đó, anh bắt đầu lạnh nhạt và đòi chia tay với lý do không hợp”.

Xuân cho biết cảm giác bị người yêu phản bội vì chán "chuyện ấy" không khiến cô ân hận bằng việc mình đã “vượt rào” một cách quá dễ dãi và vội vàng như vậy. "Thời gian qua tôi luôn sống trong sự dằn vặt, lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến những đạo lý. Tôi luôn tự hỏi liệu có ai đủ bao dung để chấp nhận một người có quá khứ như tôi?”, cô gái trẻ băn khoăn.

Mọi chuyện với Xuân càng trở nên rối ren hơn khi gần đây cô nhận được sự quan tâm đặc biệt từ một người đàn ông. “Đó là thầy giáo dạy chuyên ngành của tôi. Thầy còn rất trẻ, đang học tiến sĩ và chưa lập gia đình”. Xuân mến thầy từ hồi còn đang mặn nồng với tình cũ. Chia tay người yêu, cô mới có điều kiện gặp thầy thường xuyên khi làm việc nhóm, thảo luận đề tài và hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp.

Xuân bảo: “Qua những lần gặp gỡ như vậy, tôi nhận được một thứ tình cảm đặc biệt từ thầy. Tôi biết trái tìm mình đã dành trọn cho thầy". Cô cho biết thêm, hai thầy trò đôi lần hẹn hò đi chơi riêng, có điều kiện gặp nhau và cũng thường xuyên nhắn tin thăm hỏi nên tình cảm dần được bộc lộ một cách rõ ràng. “Tôi yêu và cảm phục thầy vì thầy là một người rất tốt, gia đình rất đạo hạnh. Nhưng tôi lại sợ những người như thầy liệu có chấp nhận tình cảm của một người con gái hư như tôi?”. Đó là vấn đề mà Xuân chưa bao giờ dám nói thật với người đàn ông cô yêu thương.

Xuân một mặt không dám đối diện với thực tế nên tìm cách lảng tránh tình cảm của thầy; mặt khác lại muốn thổ lộ tất cả để rồi thầy sẽ là người quyết định cuối cùng. Muốn lẩn tránh bao nhiêu thì Xuân lại càng thấy buồn rầu, đau khổ và ân hận bấy nhiêu.

"Tôi không muốn thầy là người chịu đau khổ và thiệt thòi nên băn khoăn không biết có nên tỏ tình, đối diện với tất cả hay để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Tôi cũng không muốn vì chuyện tình cảm này mà ảnh hưởng tới công việc và sự nghiệp của thầy", cô gái trẻ bộc bạch.

Chia sẻ về trường hợp của Xuân, Chuyên viên tư vấn tâm lý Từ Tâm thuộc Trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc nói: “Quá khứ là những gì của ngày hôm qua, bạn không thể lấy lại được cho dù ngồi đó mà than thân trách phận. Bạn đã từng yêu, đã từng trao thân gửi phận và đã từng đau khổ. Mọi chuyện của ngày hôm qua đã diễn ra và bạn không thể thay đổi được nó nữa”.

Vì thế, theo chuyên viên tư vấn, tốt nhất hãy nhìn đến cuộc sống hiện tại và hướng đến một tương lai tốt đẹp phía trước với hành trang là kinh nghiệm của lần vấp ngã ấy. Oán hận và khép lòng mình lại sẽ làm cho quá khứ chẳng thể ngủ yên. Không may, bạn lại bỏ đi những cơ hội tốt để có cho mình một tình yêu, một người yêu sẽ yêu thương, tôn trọng và chăm sóc cho bạn.

Nhận xét về mối quan hệ thầy trò, chuyên viên tư vấn cũng đặt vấn đề: Phải chăng đó là tình cảm đơn thuần của một người thầy dành cho “học trò cưng” của mình? Bởi trên thực tế chuyện thầy cô giáo ưu ái dành tình cảm cho một học sinh hơn mức bình thường là chuyện không hiếm gặp. Sự quan tâm, thân thiết giữa thầy trò rất dễ phát sinh tình cảm và các nữ sinh hay bị ngộ nhận trong những tình huống này.

“Xuân cần cho mình thêm thời gian để hiểu tình cảm của bản thân cũng như của thầy giáo. Coi như bạn có nắm chút lợi thế khi thầy là một người tốt, lại quan tâm đặc biệt tới mình. Không nên vội vàng ngỏ lời khi cả hai chưa xác định được tình cảm của bản thân và mới chỉ chính thức quen nhau một thời gian ngắn ngủi như thế”, chuyên viên gợi ý. Khi đã xác định tình cảm một cách rõ ràng, đặc biệt từ phía người thầy, hãy tìm dịp thuận tiện để bày tỏ suy nghĩ của mình một cách tế nhị và khéo léo. Cũng nên suy nghĩ thấu đáo về việc “được gì và mất gì” khi công khai bày tỏ chuyện tình cảm này, để lựa chọn thời điểm phù hợp.

Chia sẻ về những lo lắng khi đã “vượt rào” với người yêu cũ, chuyên viên tâm lý cho rằng, trốn chạy không phải là cách để giải quyết. “Khi bạn trốn chạy một người, đồng nghĩa với việc bạn sẽ trốn chạy cả cuộc đời. Nếu muốn biết suy nghĩ của thầy về chuyện 'ăn cơm trước kẻng', bạn hãy lấy đó là một câu chuyện để nói, qua đó có thể tìm hiểu suy nghĩ và quan điểm của thầy về vấn đề này”.

Nếu tình cảm thầy dành cho Xuân đủ lớn để có thể chấp nhận quá khứ của bạn, hãy chia sẻ để nhận được sự thông cảm, yêu thương và trân trọng từ thầy. Một người có tấm lòng rộng mở và tình yêu chân thành, cộng với sự hiểu biết, sẽ là người sẵn sàng chia sẻ và đỡ nâng bạn trong cuộc sống. “Quyết định cuối cùng có thể bạn sẽ được chấp nhận hoặc không. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là thực tế và bạn cần chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận”, chuyên gia tâm lý khuyên.

Thiện An

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.