Người ở lứa tuổi trung niên phần đông tương đối ổn định về sự nghiệp, tuy vậy cũng là lứa tuổi trải qua một vài khủng hoảng.
TS Phạm Thị Thúy - Ảnh: NVCC
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho rằng ở lứa tuổi trung niên, những khủng hoảng mà nhiều người phải đối mặt là:
Thứ nhất, lứa tuổi này sức khỏe bắt đầu giảm sút, sau 40 bệnh tật kéo đến; thứ hai, trách nhiệm xã hội của họ gia tăng. Hầu hết người trung niên đều có cha mẹ già, mà người già thường ốm đau bệnh tật. Đặc biệt, người trung niên thời nay đa số xa quê, nên việc chăm sóc cha mẹ già khó hơn thời xưa.
Khó khăn đó cộng hưởng khó khăn về tài chính, sức khỏe, thêm vào đó là nghĩa vụ làm cha làm mẹ tuổi trung niên cũng khá nặng. Con cái của người trung niên cũng vào tuổi dậy thì - lứa tuổi khủng hoảng cần được chăm sóc, hướng dẫn.
Chưa kể lấy vợ lấy chồng sớm thì người trung niên đã có cháu, thêm trách nhiệm làm ông làm bà. Dẫn giải tất cả những trách nhiệm mà người trung niên đang gánh vác để thấy bài toán cân bằng không dễ.
Nói cân bằng thì phải cân bằng tất cả các khía cạnh của cuộc sống: từ sức khỏe, tài chính, gia đình, xã hội…
Cân bằng là chìa khóa quan trọng nhất của cuộc sống. Họ muốn làm tốt vai trò với cha mẹ, con cái thì đầu tiên phải cân bằng sức khỏe (như đi thăm khám định kỳ, quan tâm hơn đến tập luyện, thay đổi lối sống khoa học hơn…).
Bên cạnh đó cần quản lý thời gian hợp lý. Phải biết mình muốn gì, ưu tiên mục tiêu nào lên hàng đầu. Những người biết cân bằng là người sắp xếp thời gian hợp lý cho các mối quan hệ, mục tiêu cá nhân.
Tiếp theo họ cần kết nối, tận dụng các nguồn lực xã hội. Ví dụ, kết nối anh em, họ hàng phụ giúp chăm sóc cha mẹ già. Hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp trong việc điều trị, nghỉ dưỡng của cha mẹ, trong học hành của con cái. Ít quan hệ bạn bè, nguồn lực người thân ít…, trung niên sẽ có thể gặp khó khăn hơn trong giải quyết vấn đề.
Những nguồn lực xã hội này không phải chỉ là tiền bạc mà là các mối quan hệ cùng họ giải quyết vấn đề.
Yếu tố quan trọng nữa đó là tài chính, họ phải giữ vững được ổn định bài toán kinh tế. Không phải ai cũng thuận lợi, nhiều người đối mặt nợ nần do đầu tư không phù hợp trong giai đoạn suy thoái kinh tế, bị cắt giảm công việc và không thích ứng kịp… Do đó, họ phải cân nhắc chi tiêu, tăng cường tích lũy, dám thay đổi khi gặp khó khăn trong công việc..
Dù khó khăn trung niên phải làm tất cả các vai trò, trách nhiệm nhưng không quá nghiêng về bên nào. Ví dụ khi cha mẹ bị bệnh ở quê, đừng chỉ lo chăm sóc cha mẹ mà quên đi vai trò làm mẹ, làm vợ. Biết trách nhiệm của mình trong tất cả vai trò đều quan trọng.
Một yếu tố khác, trung niên cần biết chấp nhận khó khăn cùng cái nhìn rõ ràng về những sự thật hiển nhiên như sanh - lão - bệnh - tử, sự vô thường, thay đổi tất yếu của cuộc sống cũng giúp họ vững vàng, nhẹ nhàng vượt qua khủng hoảng giai đoạn này.