"Bất kỳ cái gì cũng có sự đa dạng, và gia đình cũng thế. Mô hình gia đình đa dạng từ xưa đến nay, gia đình đơn thân, gia đình khuyết thiếu luôn luôn có trong lịch sử gia đình Việt Nam, nhưng trong môi trường hiện đại ngày nay thì nó có nhiều hơn. Vì thế chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt giữa các mô hình gia đình.
Một ý kiến cho rằng, những người đơn thân hay gia đình khuyết thiếu không đủ điều kiện để làm Hội trưởng Hội phụ huynh thì tôi không đồng tình vì có thể chính trải nghiệm đó làm cho họ có kinh nghiệm hơn, có thể giúp ích cho người khác, đồng cảm với người khác hơn. Bản thân con người mới quan trọng chứ điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình của họ chỉ là yếu tố bên ngoài.
Bởi vậy, một người có đủ năng lực để giúp cho các phụ huynh khác, giúp giáo viên, giúp các con có điều kiện học tốt hay không thì phải căn cứ vào chính con người đó, vào tính cách, sự dấn thân, khả năng, thời gian của họ chứ căn cứ vào điều kiện gia đình thì là một nhận định rất phiến diện và chủ quan.
Tôi không bao giờ nghĩ một gia đình đơn thân hay khuyết thiếu lại cản trở họ làm bất cứ việc xã hội gì chứ không chỉ là Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh. Những gia đình mà tôi đã gặp, họ đơn thân nhưng họ lại đang nuôi dạy con rất tốt, hoạt động chuyên môn rất tốt.
Có khi chính những gia đình mạnh dạn chia tay với bạn đời của mình khi mối quan hệ đó không tốt, hạnh phúc gia đình không có lại chính là điều tuyệt vời nhất vì họ đang là người dũng cảm, họ đang giúp cho con cái họ có môi trường an toàn nhất.
Còn cứ cố gắng ở với nhau để có một gia đình gọi là đầy đủ, để con chứng kiến bạo lực, chứng kiến bố mẹ không yêu thương nhau, có những cảm xúc tiêu cực khi sống với bố mẹ không hòa thuận thì còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Ở một khía cạnh nào đó, những người đơn thân là người dũng cảm để thoát ra khỏi mối quan hệ mà họ không thấy hạnh phúc, con họ không an toàn, nhất là về mặt tâm lý".
- Nói như vậy liệu có cổ súy cho việc làm mẹ đơn thân không, thưa bà?
Tôi không cổ súy cho phong trào mẹ đơn thân mà tôi chấp nhận sự đa dạng. Gia đình đầy đủ có cái hay của gia đình đầy đủ, gia đình khuyết thiếu cũng vậy.
Tất nhiên, khi lấy vợ lấy chồng, không ai chọn gia đình khuyết thiếu cả, cũng không ai muốn sẽ ly hôn, nhưng trong trường hợp họ không sống được bên nhau hạnh phúc thì buộc phải chia tay. Và chia tay đôi khi là sự giải thoát cho tất cả các bên, cho cả các con.
Tôi làm tham vấn tâm lý đã 20 năm, có những ca tôi thấy họ còn yêu nhau, còn có cơ hội hàn gắn thì tôi giúp họ có được kỹ năng sống chung, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xử lý xung đột để họ hạnh phúc hơn, cải thiện mối quan hệ để có thể tái tạo một gia đình hạnh phúc.
Nhưng cũng có những đôi chúng tôi thấy họ muốn chia tay khi họ cảm thấy họ không kết nối được về mặt cảm xúc cũng như ý thức về người vợ hay người chồng của họ, họ thấy việc sống chung đó là một sự tồi tệ cho chính họ và con cái của họ thì việc chia tay này chúng tôi ủng hộ, vì đó là quyết định đúng. Nếu họ cố duy trì gia đình bất hòa thì thật sự đó là liều thuốc độc cho con.
Chúng tôi vẫn thường nói, đứa con nó chỉ có thể lớn lên trong một gia đình là tổ ấm thôi, còn nếu gia đình là “tổ lạnh” thì đó là một môi trường rất nguy hại cho đứa bé.
Chúng tôi nghiên cứu về bạo lực gia đình, tiếp xúc với những ca rất nghiêm trọng, đứa trẻ sau này có thể có những vấn đề về tâm lý như rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, học kém.
Có những đứa trẻ chỉ sau một lần bố mẹ cãi nhau, đánh nhau thôi đã suy sụp. Nó có những sang chấn mà 5, 10 năm, thậm chí 20 năm sau mới bộc lộ trong hôn nhân của chính đứa trẻ đó.
Vì thế, nếu biết được hậu quả của bạo lực gia đình, hậu quả của hôn nhân không hạnh phúc lên những đứa con thì chắc chắn sẽ không ai muốn duy trì một gia đình đã không còn là tổ ấm nữa. Cho nên tôi khuyến khích nếu gia đình không còn là tổ ấm, chúng ta không còn cách nào cứu vãn, chúng ta không muốn cứu vãn, thì thôi, nên dừng lại. Vì vẫn còn những lựa chọn khác, và sống đơn thân cũng là một lựa chọn tốt cho người phụ nữ hay người đàn ông và những đứa con của mình.
Chúng tôi không phê phán bất cứ mô hình gia đình nào cả, đó là sự lựa chọn của cá nhân và bạn lựa chọn mô hình gia đình nào tốt nhất cho cá nhân cũng như con cái của bạn.
- Thực tế khi cha mẹ ly hôn, người chịu ảnh hưởng nặng nhất là những đứa trẻ. Bà nhìn nhận như thế nào về những đứa trẻ hậu ly hôn?
Vấn đề chúng tôi luôn đặt ra cho những cặp vợ chồng muốn ly hôn chính là những đứa con. Chúng tôi cùng phân tích với họ những mặt được và mất khi ly hôn, sau khi ly hôn rồi thì cách dạy con như thế nào để vẫn bảo đảm được sự ổn định tâm lý cho các con.
Ví dụ, trước khi ly hôn phải làm công tác tư tưởng cho con như thế nào, thông báo cho con về quyết định ly hôn của bố mẹ ra sao, làm cho đứa bé quen với sự xa cách của bố hoặc mẹ như thế nào, duy trì mối quan hệ dù không là vợ chồng nhưng vẫn là bố mẹ để đứa bé không cảm thấy bị tổn thương, không bị thiếu thốn.
Những ca ly hôn xong rồi nói xấu vợ, chồng hoặc cấm không cho vợ, chồng đến thăm con là chúng tôi cực kỳ phản đối. Những cặp vợ chồng muốn ly hôn đến với chúng tôi đều được đặt ra tất cả những vấn đề đó, để họ biết sau khi ly hôn cần phải làm gì để giúp con, vì tổn thương sau ly hôn đối với mỗi đứa trẻ đều có.
Bản thân người lớn còn có tổn thương thì nói gì đến những đứa trẻ mong manh. Vì thế, cha mẹ ứng xử với nhau như thế nào khi ly hôn và sau khi ly hôn đối với đứa con vô cùng quan trọng trong sự phát triển tâm sinh lý. Đó là điều cần phải truyền thông mạnh hơn trong cộng đồng, để những ai không còn hạnh phúc trong hôn nhân thì có lựa chọn nào đó phù hợp nhất trong điều kiện và hoàn cảnh của họ để ít tổn thương nhất cho đứa con.
Từ kinh nghiệm của tôi thì tôi thấy, nhiều đứa trẻ biết yêu thương, chăm sóc bố mẹ hơn sau khi ly hôn, vì thế đừng nghĩ rằng cứ ly hôn thì con cái sẽ tổn thương theo nghĩa xấu.
Đã có không ít mẹ đơn thân nuôi con thành công, vì thế hãy bình tâm trước quyết định ly hôn hay không ly hôn để cư xử với nhau có văn hóa, cân nhắc kỹ lưỡng, bỏ qua cái tôi để cùng nhau dạy dỗ con trong bối cảnh mỗi người mỗi nơi.
- Vẫn còn những sự kỳ thị đối với gia đình đơn thân đúng không ạ?
Thực tế hiện nay vẫn có sự kỳ thị đối với gia đình đơn thân, khuyết thiếu. Đứa trẻ khi nói ra chuyện bố mẹ ly hôn vẫn có mặc cảm và chính thầy cô, bạn bè, người lớn khi biết chuyện đó thì cũng có những cái nhìn không được thiện cảm lắm, hoặc thương hại, hoặc kỳ thị.
Vì thế cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề này để mọi người chấp nhận sự đa dạng của các mô hình gia đình, chấp nhận sự lựa chọn của mỗi cá nhân và phải nhấn mạnh, những đứa trẻ không có lỗi trong câu chuyện bố mẹ tan vỡ.
Nhiều đứa trẻ bị xã hội kỳ thị nên cảm thấy mình là người có lỗi trong việc bố mẹ ly hôn, có đứa thu rút lại, tự ti, mặc cảm về hoàn cảnh gia đình mình. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc học cũng như việc vui chơi, phát triển của trẻ trong tương lai. Vì thế, đây là vấn đề quan điểm của cộng đồng.
Tôi cho rằng nếu cộng đồng học được cách tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt thì dần dần sẽ bớt đi sự kỳ thị này, giảm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của đứa trẻ. Vấn đề nằm ở 3 chiều cạnh: Bản thân tâm lý đứa trẻ; Cách hành xử của cha mẹ và Phản ứng của cộng đồng (thầy cô, bạn bè, những người liên quan…) về hoàn cảnh gia đình của đứa bé.
Nếu 3 chiều cạnh này được làm tốt, đứa trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, sẽ thích nghi với hoàn cảnh mới, thích nghi với sự thay đổi, có thể giúp đứa trẻ mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Quan trọng nhất vẫn là cách hành xử giữa con người với con người trong câu chuyện ly hôn này.
Quan niệm những gia đình ly hôn, ly thân không đủ điều kiện làm các công việc cộng đồng thật sự là sự tổn thương rất lớn đối với những người cha, người mẹ đơn thân.
Cách cư xử của người cha, người mẹ sau khi ly hôn rất quan trọng. Nếu bố mẹ bình thường hóa, coi chuyện ly hôn là một câu chuyện bình thường, chính cha mẹ phải vượt qua được mặc cảm của mình thì đứa con sẽ khác.
Có nhiều cha mẹ tự ti, mặc cảm, thậm chí trầm cảm, căng thẳng, hay nóng giận sau khi ly hôn đều trút lên đầu đứa trẻ; hoặc có những người lại quay ra chiều chuộng con thái quá như một động thái bù đắp vì không cho con được một tổ ấm. Đó đều là những suy nghĩ sai lầm, làm cho đứa trẻ suy nghĩ lệch lạc về vấn đề ly hôn.
Hôn nhân chỉ là một khế ước, khi những điều kiện hòa hợp tan vỡ thì họ dừng khế ước đó lại chứ không có gì là quá ghê gớm. Vì sau cứ phải trằn trọc mãi về vấn đề ly hôn để mỗi người trong cuộc lại tự mặc cảm, có những hành vi thái quá ảnh hưởng đến chính mình.
Thực tế có rất nhiều người trầm cảm sau ly hôn, hoặc u uất, căng thẳng, hoặc lao vào công việc để quên đi thì những đứa trẻ sẽ cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi một đứa trẻ cần được bố mẹ tôn trọng như một thành viên chứ không phải việc coi chúng như con nít không biết gì cả.
Nhiều cha mẹ ly hôn mấy năm mới chịu nói với con, để đứa trẻ suốt ngày thắc mắc: Bố con đâu, mẹ con đâu? Điều đó thật sự không tốt. Thông báo việc ly hôn với con càng sớm, trẻ sẽ chấp nhận với sự thật và thích nghi với cuộc sống mới dễ dàng hơn.
Càng che giấu, thậm chí tệ hơn là để người khác nói với con việc bố mẹ ly hôn một cách tiêu cực thì sẽ làm cho đứa trẻ gục ngã nhiều hơn. Cách người lớn ứng xử với đứa trẻ sau khi ly hôn rất quan trọng, quan trọng hơn nữa là người lớn phải điều chỉnh được cảm xúc của mình, phải thích nghi được với chính hoàn cảnh mới của mình thì mới giúp con bình tâm, thoải mái và an toàn.
- Bà nhìn nhận thế nào về mô hình gia đình hiện nay?
Phải thừa nhận, xã hội hiện đại đang ngày một tăng tỷ lệ gia đình đơn thân, khuyết thiếu. Về mặt xã hội, đây là điều không tốt vì nói gì thì nói, đứa trẻ được nuôi dạy tốt nhất trong tổ ấm có đầy đủ cả cha lẫn mẹ.
Nhưng không thể tránh được trong xã hội đang có sự phân hóa về nhiều mặt, trong đó có sự phân hóa về nhận thức, điều kiện sống, công việc… khiến con người hiện đại không dễ dàng có được một gia đình đầy đủ, hạnh phúc.
Làm về hạnh phúc gia đình, chưa bao giờ chúng tôi thấy việc thách thức để xây dựng một gia đình hạnh phúc lại khó như bây giờ.
Tôi có làm một group trên Facebook mang tên “Hạnh phúc gia đình”, trong đó có lời tâm sự là tạo group này vì chứng kiến quá nhiều thân chủ, bạn bè ly hôn mặc dù họ không hề muốn. Họ buộc phải đối mặt và buộc phải ly hôn để có thể tiếp tục sống một cuộc sống hòa bình chứ không phải chiến tranh như trước khi ly hôn.
Nhưng giá như họ được học kỹ hơn về kỹ năng làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, giá như họ được học kỹ năng giải quyết xung đột trong gia đình thì có thể họ sẽ không phải ly hôn. Thường thì mọi thứ đã quá muộn, tình cảm đã nguội lạnh sau một thời gian dài mâu thuẫn xung đột.
Vì thế, tôi tạo “Hạnh phúc gia đình” để mọi người học cách yêu thương vợ, yêu thương chồng, yêu thương con, yêu thương chính mình để tìm ra hạnh phúc.
Gia đình đơn thân không có nghĩa là việc nuôi dạy con cái không tốt trong xã hội hiện đại. |
Tôi đã trải qua 17 năm hôn nhân cùng 7 năm yêu nhau, không phải không có sóng gió, có những lúc tưởng chừng như phải ly hôn nhưng đã vượt qua được, may mắn đã vững vàng để giữ được tình cảm với nhau.
Mọi gia đình đều có mâu thuẫn, có những lúc hiểu lầm, thậm chí sai lầm với nhau nhưng vấn đề là có chấp nhận, bao dung cho nhau, có thể “yêu nhau lại từ đầu”, có thể cùng nhau xây dựng tổ ấm cho mình hay không? Phải nghĩ đến xây tổ ấm cho mình trước, vì nếu bố mẹ không hạnh phúc thì không bao giờ có hạnh phúc cho con.
Nhiều người vẫn nói: “Tôi không yêu nhưng phải chấp nhận vì con” là vô cùng sai lầm. Đứa con không cần điều đó, không cần bố mẹ hy sinh hạnh phúc riêng vì chúng. Nếu nghĩ đến con, bạn phải nuôi dưỡng hạnh phúc của chính bạn.
Thực tế, chính người lớn đang khuyết thiếu kỹ năng sống rất lớn. Chúng tôi đang cố gắng vận động về mặt chính sách cũng như các tổ chức để tổ chức nhiều hơn các lớp tiền hôn nhân.
Bên Công giáo họ làm rất tốt các lớp tiền hôn nhân, bên đạo Phật cũng đang chuẩn bị có những lớp tiền hôn nhân như lễ hằng thuận tại chùa Giác Ngộ cho các cặp vợ chồng, hướng dẫn rất kỹ về việc sống chung với nhau như thế nào thì hạnh phúc. Rõ ràng yêu nhau là một chuyện nhưng sống chung hạnh phúc là hoàn toàn không dễ, rất khó nên phải có kỹ năng, phải học.
Nếu cứ để mặc tự nhiên theo bản năng thì sẽ khó có được hạnh phúc bền vững. Vì thế tôi rất coi trọng các lớp tiền hôn nhân. Nếu các cặp vợ chồng trước khi kết hôn được học về kỹ năng làm vợ làm chồng, kỹ năng làm cha làm mẹ, ngay cả chuyện học cách thai giáo, sinh nở đứa con khỏe mạnh thông minh thì đã là những nhân tố cực kỳ quan trọng cho hạnh phúc gia đình.
Rất nhiều người bỏ nhau vì mâu thuẫn trong cách dạy con, vì thế học làm vợ chồng, cha mẹ là bài học đầu đời, quan trọng nhất trong cuộc sống hôn nhân.
Người ta nói hôn nhân là vở kịch mà người chồng người vợ vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính của vở kịch đó. Những lớp tiền hôn nhân này phải dành cho cả 2 người, cùng đi học, cùng cam kết với nhau những cách làm thế nào để cùng hạnh phúc hơn.
Ở nước ngoài có những hợp đồng hôn nhân rất thú vị, cam kết trên giấy những nguyên tắc về tài chính, chi tiêu, nguyên tắc về ứng xử, nuôi dạy con để sau này sống với nhau họ bớt đi những va chạm, những mâu thuẫn không đáng có.
Người Việt Nam chúng ta không quen cam kết bằng hợp đồng nhưng có thể cam kết với nhau thông qua những khóa học, cùng trao đổi với nhau để thấy rằng nên làm gì để cùng nhau hạnh phúc chứ không phải ai hy sinh vì ai, ai nỗ lực vì ai mà cả hai nỗ lực vì hạnh phúc chung.
Tôi vẫn thường nói với các cặp vợ chồng: Tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2. Khi 2 người ký giấy kết hôn là thành 1 gia đình, 1 tổ ấm, 1 mái nhà nhưng là 2 con người khác nhau với cá tính, văn hóa, giáo dục, công việc, lối sống, trình độ… khác nhau làm sao học được cách sống chung, và việc học này phải học cả đời.
Mỗi một giai đoạn đều phải học, không phải cứ yêu nhau về sống với nhau là hạnh phúc, không phải 5 năm qua chúng ta hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc cả đời. Nhiều cặp vợ chồng khi già rồi mới có chuyện, mới tan vỡ.
Bạch Dương (thực hiện)