“Đua” đến đích nhưng… vẫn không hạnh phúc?
Cuộc sống là những cuộc chạy đua. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu nói này và tôi thấy câu nói này đúng với các bạn trẻ hiện nay. Các bạn trẻ đang ở trên một đường đua rất quyết liệt và căng thẳng.
Phần lớn các bạn trẻ học xong rồi vào đời như thể là… những tay đua. Mỗi người một cái đích đến, bạn thì chạy đua vì tiền bạc, bạn thì chạy đua theo bằng cấp, theo học vị… Có bạn bỏ cả bạn bè, tình yêu, thậm chí bỏ cả gia đình … để chạy theo cái đích đã đặt ra.
“Chạy đua, em có còn là em?!”
Tham gia công tác tham vấn tâm lý ở Nhà văn hoá Phụ nữ TPHCM, tôi đã gặp không ít bạn trẻ đã ra sức chạy đua, có thể chạm đến đích hoặc không nhưng đều…có tâm tư cần tham vấn.
Ths. Phạm Thị Thúy, GV Học viện hành chính, Chuyên viên tham vấn tâm lý
Bạn trẻ Y. tìm đến phòng tham vấn, tình cờ gặp tôi, tôi đã nhận ra là một sinh viên cũ của mình. Bạn đã tâm sự về “đường đua” cùng những nỗ lực không ngừng, những hy sinh, những mất mát và cảm giác trống rỗng khi đang ở vị trí dẫn đầu đoàn đua so với các bạn cùng học.
“Nhà em rất nghèo, em đã rất muốn có thật nhiều tiền. Em lao vào công việc, dành tất cả thời gian, sức lực của mình cho công việc và em đã có tiền. Tuy chưa nhiều so với xã hội nhưng cũng là nhiều so với các bạn học. Nhưng… em đã bị bạn gái chia tay, cô ấy cho rằng em ham tiền, em ham vật chất, em không có thời gian cho chính em chứ đừng nói là cho cô ấy. Cô ấy nói em đang không là chính mình…”
Bạn trẻ này thấy mình trống rỗng quá, tự hỏi có phải cô bạn gái nói đúng không và thấy “hình như” là vậy?! Rồi em hỏi tôi: “Em có còn là em không?”. Bạn tâm sự ngày còn là sinh viên, bạn sôi nổi tham gia các hoạt động xã hội nhưng giờ đây, lại… ít biết về những hoat động bổ ích đó, suốt ngày chỉ ở bên máy tính và những hợp đồng.
Và cuối cùng, sau khi tâm sự, em tự nhận thấy rằng: “Nhìn lại những ngày phấn đấu vừa qua, cái em có được là tiền và chỉ là tiền thôi. Ngoài ra, em chẳng có gì cả!”
Bạn Q. (Q.1) lại có một đường đua khác. Bạn sinh ra trong một gia đình khá giả. Bố mẹ định hướng cho bạn một tương lai rất sáng lạn: đi du học, học xong tiến sỹ mới về nước điều hành công ty gia đình. Bạn lao vào học và học, ngoại ngữ, toán,…
Năm lớp 12, trước khi đi du học khoảng 6 tháng bạn gặp tiếng sét ái tình với một anh chàng sinh viên năm 4 trường Đại học kinh tế Tp.HCM. Hai người tự thấy họ sinh ra là dành cho nhau, họ rất hợp nhau và yêu nhau thắm thiết.
Nhưng đường đua do bố mẹ vạch ra và cũng là mục tiêu của Q. đã không cho phép bạn rẽ ngang. Bạn quyết tâm đi du học và tha thiết đề nghị người yêu chờ đợi. Người yêu bạn cũng ủng hộ, và đề nghị chỉ cần học hết thạc sỹ là nên về cưới. Nhưng khi thời gian học đại học trôi qua, mục đích sự nghiệp và gia đình đã làm Q quyết định đi hết đường đua đã định, sẽ lấy bằng tiến sỹ mới về nước. Anh bạn ở Việt Nam không đủ kiên nhẫn để chờ đợi đã nghe bố mẹ lấy vợ khác khi Q đang làm nghiên cứu sinh.
Q về nước, tuổi đã nhiều, không quen biết chàng trai nào, cộng với nỗi buồn vì mất người yêu chưa nguôi, cô sống khép kín với công việc. Càng ngày Q càng thấy cuộc sống thật vô vị, nhạt nhẽo. Cô rơi vào trạng thái trầm cảm nặng cần trị liệu tâm lý.
Chạy đua vì ai?
Có lẽ cũng đang có nhiều bạn trẻ ở trong tâm trạng như bạn Y, hay ở hoàn cảnh tương tự như Q. Họ đang chạy đua vì ai? Chạy đua đến bao giờ? Họ có hạnh phúc, hài lòng khi đang chạy không?
Thỉnh thoảng cũng có bạn nhận thấy cuộc sống chạy theo những giá trị vật chất, giá trị bề ngoài ấy là cuộc đua không có điểm dừng và tự hỏi không biết mình còn phải “đua” đến bao giờ, nhưng đa số bạn trẻ thì… chưa nhận ra.
Họ vẫn nhận thấy mình đang thoả mãn. Một số bạn trai thì lo kiếm thật nhiều tiền, một số bạn gái thì lo để có xe xịn, quần áo đẹp, điện thoại thời trang… Họ thoả mãn vì có nhiều tiền để tiêu, thoả mãn vì đạt được nhu cầu vật chất… Nhưng họ có hạnh phúc không? Nếu đối mặt với câu hỏi này, bạn trẻ sẽ trả lời ra sao?
Có bạn vẫn khẳng định “tôi hạnh phúc”, nhưng khá nhiều bạn cảm thấy lúng túng, bởi bản thân chưa từng tự hỏi hạnh phúc là gì và cũng chưa được ai chỉ bảo cho cách hưởng thụ hạnh phúc, trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập thông tin, thông điệp về sự thành đạt, chức quyền, tiền bac, về vẻ đẹp hình thể, thời trang, sự sành điệu… Và chính những thông tin đó đã vô tình khiến một bộ phận giới trẻ coi giá trị vật chất là thước đo cho sự thành đạt, khiến họ… quyết chí “chạy đua để được như vậy”.
Cách sống chạy đua theo những giá trị bên ngoài, đánh giá thấp những giá trị bên trong – giá trị tinh thần chưa giúp bạn trẻ được là chính mình. Càng chạy đua, bạn trẻ càng thấy mong ước của mình xa dần. Nhiều bạn trẻ thấy bế tắc khi đã đạt mục đích, có rất nhiều tiền nhưng không thấy hạnh phúc, chạy kịp theo thời trang nhưng người xung quanh không thấy họ đẹp, không yêu quý họ. Sự bế tắc này cần được người lớn - cha mẹ, thầy cô, nhà trường, các phương tiện truyền thông đại chúng - tháo gỡ bằng cách định hướng lại, xây dựng lại những kỹ năng sống, những giá trị sống đích thực vì hạnh phúc của mỗi người, vì sự tiến bộ của toàn xã hội.
Người vui vẻ, hạnh phúc là người như thế nào?
Hãy quan sát xung quanh chúng ta. Người vui vẻ, hạnh phúc là người tự tin, yêu bản thân, biết sống bao dung với mọi người, có sự bình an trong tâm hồn, làm việc họ thấy thích và có ích cho mọi người. Họ có thể nghèo nhưng họ rất hài lòng về cuộc sống. Họ thấy mình có ích, thấy mình có giá trị. Đó chính là những giá trị từ bên trong, giá trị tinh thần: sự yêu thương, sự đoàn kết, sự tôn trọng, sự khoan dung, sự khiêm tốn, sự giản dị, sự trung thực, sự tự do, trách nhiệm…Trong bài báo “Bí quyết của "Bill Gates châu Á": Tạo giá trị cho riêng mình” đăng trên báo Tuổi trẻ có một thông tin mà tôi rất chú ý: Steve Chang người được gọi là Bill Gater châu Á đã tâm sự với phóng viên: - Năm năm trước đây, tôi bắt đầu suy nghĩ về định nghĩa thành công. Mục đích cao hơn của đời tôi là gì. Không lẽ tôi sẽ làm công việc này cho đến hết đời? Rất nhiều người châu Á làm vậy, nhưng thẳm sâu trong tim mình, tôi không thấy hài lòng. Tôi bắt đầu cảm thấy quá trình học hỏi của mình đang chậm lại. Tôi sống trong một khách sạn sang trọng, cứ mỗi 30 phút lại có một cuộc hẹn công việc và cứ như thế.” Ông thấy mình muốn học hỏi thêm nữa. Ông muốn có thể sử dụng những kinh nghiệm đã có để tiến hành một công việc có ý nghĩa xã hội. Và ông đã tìm được: tới Việt nam trồng rừng, lập ra InnovGreen.
Sự thay đổi đó đem lại cho ông những gì? Khi ông đến Nghệ An, Quảng Ninh, nhìn những hàng cây đang lớn dần, ông thấy phấn chấn. Hiện tại, 20% thời gian được ông dành cho việc huấn luyện những người quản lý toàn cầu của Trend Micro. Còn lại, ông phải học hỏi những kiến thức nông nghiệp chưa từng biết, ông nói “Quả là một cuộc sống khác hẳn! Tôi đã thấy lại được niềm vui của mình: làm một điều gì đó khác biệt thật quan trọng”
Câu chuyện về Steve Chang cho chúng ta thấy chúng ta có thể tìm niềm vui cuộc sống, hạnh phúc của mình khi chúng ta được sống có ích, được sang tạo vì mọi người. Hạnh phúc giản dị như vậy thôi.
Chính giá trị sống tích cực bên trong mới giúp con người sống bình an, hạnh phúc và có ích. Chính năng lượng từ nội tâm và sự giúp đỡ của các mối quan hệ bên ngoài sẽ giúp bạn trẻ thành công, thành đạt và hạnh phúc.
Chúng ta có mục đích sống, có sự phấn đấu là tốt nhưng chưa đủ. Ta cần xem mục đích đó, con đường lựa chọn đó đã đúng hướng chưa? Nếu không, chúng ta chạy đua hoài mà không tới được bến bờ hạnh phúc. Khi ta quay đầu nhìn lại thấy hoài phí bao năm tháng, sức lực, tuổi trẻ. Nhân vật Pa-ven trong “Thép đã tôi thế đấy” đã nói: “Sống sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay không phải ân hận về những năm tháng sống hoài sống phí”.
Phạm Thị Thúy, GV Học viện hành chính, Chuyên viên tham vấn tâm lý